Đẩy mạnh phòng, chống mại dâm ở Gia Lai Ngày đăng: 12/01/2017
Trong năm qua, tình hình tội phạm hình sự và các loại tệ nạn xã hội hoạt động ngày càng phức tạp, tinh vi hơn, đặc biệt là hoạt động mại dâm, số người bán dâm ở các địa phương khác đến hoạt động trên địa bàn tỉnh ngày một gia tăng. Các đối tượng chứa mại dâm thường lợi dụng núp bóng dưới các hình thức kinh doanh dịch vụ như khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, quán karaoke, cà phê đèn mờ... và sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc với nhiều thủ đoạn tinh vi để tránh sự phát hiện của các cơ quan pháp luật. Với những thủ đoạn hoạt động kín đáo, tinh vi, tổ chức nhỏ nhưng ở diện rộng lan ra hầu hết các khu vực trong địa bàn tỉnh. Hoạt động của tội phạm mại dâm không chỉ xảy ra ở khu vực thành thị mà còn xảy ra ở các vùng nông thôn.

Trên địa bàn tỉnh có trên 2.000 cơ sở kinh doanh, dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm; số người bán dâm trên toàn tỉnh ước tính khoảng trên 80 người. Số người bán dâm có hồ sơ quản lý là 48 người. Từ thủ đoạn tinh vi của hoạt động mại dâm nên rất khó xác định số cơ sở có biểu hiện chứa mại dâm cũng như số nhân viên nữ nghi hoạt động mại dâm.

Năm 2016, công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Pháp lệnh và các quy định của Chính phủ, của tỉnh về phòng, chống mại dâm đã được các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm chỉ đạo, thực hiện với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng.

Ngành Lao động- Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống ma túy, treo băng rôn, khẩu hiệu; phối hợp với báo Gia Lai, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác này.

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền về phòng, chống mại dâm. Phối hợp với Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh triển khai góc truyền thông gồm các tờ rơi, sổ tay chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS, áp phích, đĩa DVD tại các cơ sở; tổ chức các chuyến xe lưu động tuyên truyền phòng, chống mại dâm trên khắp các địa phương trong toàn tỉnh; Đội thông tin lưu động tỉnh, huyện đã đi phục vụ cơ sở tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, phát động phong trào toàn dân phòng, chống ma túy, HIV/AIDS, mại dâm tại các thôn, làng bằng các hình thức ca, múa, nhạc... Thanh tra Sở Văn hóa tiến hành thanh tra, kiểm tra 125 lượt cơ sở, xử phạt hành chính 8 cơ sở với số tiền 97.000.000 đồng.

Ngành Y tế chỉ đạo Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh tổ chức 3 buổi  truyền thông về phòng, chống mại dâm tại các xã, phường, thị trấn, phát trên 1.000 tờ tin cho nhân dân.

Công an tỉnh đã mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội; tuyên truyền trong nhân dân nêu cao tinh thần tố giác tội phạm, tệ nạn mại dâm; chỉ đạo và hướng dẫn công an các huyện, thị xã, thành phố tăng cường phòng, chống mại dâm, đồng thời phối hợp tốt với các sở, ban, ngành của tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống các loại tệ nạn xã hội, lồng ghép tuyên truyền phòng, chống mại dâm vào các chương trình hoạt động tại cộng đồng dân cư, phát động phong trào quần chúng tích cực phòng, chống tệ nạn mại dâm.

Trong năm 2016, lực lượng công an đã triệt phá 06 tụ điểm mại dâm, bắt giữ 18 đối tượng, xử lý hành chính 06 vụ với số tiền là 56.350.000đ. Đôi kiểm tra liên ngành 178 cấp tỉnh đã tiến hành kiểm tra 63 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, xử lý 07 cơ sở, xử phạt 37 triệu đồng.

Giai đoạn 2013- 2016, trên địa bàn tỉnh chọn 06 xã, phường trọng điểm để xây dựng mô hình phòng, chống mại dâm, trong đó, 4 xã, phường, thị trấn: Phường Ia Kring (TP Pleiku), phường An Phú (thị xã An Khê), phường Đoàn Kết (thị xã Ayun Pa), thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê) được chọn xây dựng mô hình lành mạnh không có tệ nạn mại dâm; 02 phường: phường Thống Nhất (TP Pleiku), phường Cheo Reo (thị xã Ayun Pa) được chọn xây dựng mô hình phòng ngừa, trợ giúp làm giảm tổn thương và phòng, chống lây nhiễm HIV tại cộng đồng, hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng.

Đến nay, các địa phương tiếp tục duy trì mô hình, từng bước phòng ngừa phát sinh và đẩy lùi tệ nạn mại dâm; kết hợp chặt chẽ các hoạt động phòng, chống tệ nạn mại dâm với phòng ngừa HIV; các biện pháp can thiệp giảm tác hại của AIDS trong phòng, chống mại dâm; tạo điều kiện cho người bán dâm tiếp cận các dịch vụ y tế, xã hội và phòng, chống lây nhiễm HIV nâng cao nhận thức của người dân trong công tác này. Qua đó đã tạo sự chuyển biến sâu sắc nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức, các tổ chức đoàn thể và đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn về công tác phòng, chống mại dâm. Số vụ vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm trên địa bàn và tình hình tệ nạn mại dâm giảm mạnh. Công tác giúp đỡ người bán dâm, người nhiễm HIV/AIDS được các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện để họ không còn mặc cảm với xã hội, sớm hoàn lương, timd được việc làm, ổn định cuộc sống.

Trong thời gian tới, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh Gia Lai tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm. Công tác tuyên truyền cần tập tủng nêu gương những địa phương có cách làm sáng tạo hiệu quả. Hình thức, nội dung tuyên truyền cần phù hợp và đến được các đối tượng cần tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của xã hội trong công tác phòng, chống mại dâm. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo về phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm các cấp; Tăng cường hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành 178, thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và UBND cấp huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn trong công tác phòng, chống mại dâm. Trong đó, xác định rõ vai trò, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan liên quan khi để phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn. Thường xuyên rà soát, đánh giá, nắm chắc thực rạng tình hình tệ nạn mại dâm trên địa bàn; thực hiện đồng bộ các hoạt động, giải pháp, tăng cường trấn áp tội phạm liên quan đến mại dâm, triệt phá các tụ điểm, “khu vực”, đường dây tổ chức hoạt động mại dâm, điều tra, truy tố và xét xử nghiêm minh các tội phạm liên quan đến mại dâm./.

PV