Một số kết quả phòng, chống mua bán người năm 2016 Ngày đăng: 11/01/2017
Tình hình mua bán người và di cư trái phép trên thế giới và khu vực diễn biến phức tạp. Năm 2016, toàn quốc xảy ra 383 vụ, với 523 đối tượng, 1.128 nạn nhân. So với năm 2015, giảm 6% số vụ, tuy nhiên, tăng 12,8% số nạn nhân và có khoảng 200.000 người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan lao động thời vụ tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị mua bán.

Các đối tượng lợi dụng khó khăn về kinh tế và sự nhẹ dạ, cả tin, mất cảnh giác hoặc tục lệ cưới hỏi của đồng bào dân tộc ít người để lừa phụ nữ bán sang Trung Quốc tại các tỉnh miền núi khu vực phía Bắc; hoặc tổ chức xem mặt chọn vợ, kết hôn giả tại các tỉnh phía Nam để đưa ra nước ngoài (Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan…) bán làm vợ, đẻ thuê hoặc bán cho nhà hàng ép hoạt động mại dâm. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện một số phụ nữ, trẻ em người Campuchia bị lừa đưa qua Việt Nam để bán sang Trung Quốc.

Tình trạng mua bán trẻ em (trong đó có học sinh, nhất là học sinh các trường dân tộc nội trú) diễn biến phức tạp. Các đối tượng lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường; thông qua các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook…) tiếp cận, rủ rê, lôi kéo đi du lịch, mua tặng quà, làm thuê thu nhập cao lừa nhiều em gái ở các tỉnh đưa về thành phố bán cho nhà hàng, quán karaoke hoặc massage ở các khu du lịch, khu công nghiệp hoặc ven tuyến quốc lộ để tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bước lao động, cho vay nặng lãi… hoặc lừa bán sang Trung Quốc.

Các đối tượng nước ngoài vào Việt Nam cấu kết với các đối tượng cò mồi, môi giới, tổ chức nhiều vụ đưa người trái phép ra nước ngoài lao động. Trong đó, có những trường hợp khi đến nước sở tại, chúng thu giữ giấy tờ tuỳ thân, bán để cưỡng bức lao động, quỵt tiền lương hay báo cơ quan chức năng kiểm tra, bắt giữ và đẩy đuổi, trục xuất về nước hoặc dùng bạo lực khống chế để đòi tiền chuộc. Ngoài ra, các đối tượng môi giới còn lợi dụng các hoạt động như: tổ chức đi du lịch, học tập, thăm thân, chữa bệnh… sau đó trốn ở lại cư trú và lao động bất hợp pháp tại Nga, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia…

Năm 2016, các đơn vị chức năng đã xác minh, giải cứu, tiếp nhận trên 1.500 trường hợp (trong đó xác định 600 trường hợp là nạn nhân bị mua bán); 100% các trường hợp xác định là nạn nhân có nhu cầu được hỗ trợ ban đầu, tư vấn tâm lý, khám sức khoẻ, trợ giúp pháp lý; nhiều nạn nhân được trợ cấp khó khăn, học nghề, tạo việc làm, ổn định đời sống hoà nhập cộng đồng.

Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người (Chương trình 130/CP) giai đoạn 2016-2020, được Chính phủ, Ban chỉ đạo 138/CP, các bộ, ngành và UBND các địa phương quan tâm và chỉ đạo quyết liệt, kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch, bám sát nội dung, chỉ tiêu đề ra bằng các giải pháp cụ thể và tổ chức quán triệt đến cơ sở, vì vậy, công tác phòng, chống mua bán người đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Trong đó, công tác truyền thông về phòng, chống mua bán người đã có những đột phá mạnh, nhất là tổ chức các hoạt động triển khai “Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người” (30/7/2016) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tăng 1,5 lần so với năm 2015 về thời lượng, tần xuất các tin, bài phản ánh tình hình, kết quả công tác phòng, chống mua bán người. Đã duy trì hàng nghìn mô hình, câu lạc bộ lồng ghép phòng, chống mua bán người hiệu quả.

Các cơ quan tố tụng phối hợp chặt chẽ đẩy nhanh tiến độ điều tra khám phá nhiều vụ án, chuyên án phức tạp liên quan đến các địa phương và ra nước ngoài, xét xử đạt tỷ lệ 95% về số vụ thụ lý và tăng gấp 2 lần các phiên toà xét xử lưu động tại các địa bàn trọng điểm.

Công tác xác minh, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân được nhanh chóng, kịp thời, nhiều tổ chức, doanh nghiệp tạo điều kiện việc làm giúp đỡ nạn nhân hoà nhập cộng đồng. Nhờ vậy đã kiềm chế sự gia tăng của tội phạm mua bán người, đồng thời là năm thứ 4 liên tiếp Việt Nam được xếp vào Nhóm 2 (Nhóm các quốc gia có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống mua bán người).

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2017, Ban chỉ đạo 138/CP đã ban hành kế hoạch, trong đó xác định những chỉ tiêu cụ thể như:

- Tăng thời lượng, tần suất và kịp thời đưa tin tuyên truyền về phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở, chú trọng nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Nâng cao chất lượng các mô hình truyền thông chuyên sâu, lồng ghép về phòng, chống mua bán người. Năm 2017, 63/63 tỉnh, thành phố tổ chức tuyên truyền chính sách, pháp luật mới ban hành, có hiệu lực liên quan đến phòng, chống mua bán người; 75% báo cáo viên Trung ương và các tỉnh, thành phố, huyện, thị trọng điểm được cập nhật tài liệu truyền thông về phòng, chống mua bán người.

- Nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người, trong đó: 100% tuyến, địa bàn trọng điểm, nhất là các tỉnh giáp Trung Quốc, Lào, Campuchia được áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn; 100% thông tin liên quan mua bán người được phân loại, xử lý và các vụ việc có dấu hiệu tội phạm mua bán người được xác minh theo luật định; tăng 2% tỷ lệ khởi tố điều tra các vụ mua bán người trên tổng số các vụ việc tiếp nhận;

- 100% trường hợp đã tiếp nhận được xác minh, xác định nạn nhân và có nhu cầu được bảo vệ an toàn, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

- 100% văn bản pháp luật mới ban hành có hiệu lực liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người được các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện, rà soát, sửa đổi bổ sung và theo dõi thi hành.

T. H