CẦN SỚM BAN HÀNH VĂN BẢN HƯỚNG DẪN THỐNG NHẤT THỜI GIAN CAI NGHIỆN Ngày đăng: 13/11/2017
Luật phòng chống ma túy (năm 2000) quy định thời gian cai nghiện bắt buộc từ 1 -2 năm. Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định nguyên tắc “Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng”. Nhưng suốt từ đó đến nay, chưa có hướng dẫn thời gian cai nghiện (TGCN) cụ thể, do vậy, việc thực hiện của các địa phương gặp nhiều khó khăn, thiếu thống nhất, khoa học và gây nhiều bức xúc, đòi hỏi phải nhanh chóng có hướng dẫn chung.

Thực hiện không giống nhau

Do không có văn bản hướng dẫn thống nhất nên cách hiểu và thực hiện TGCN rất khác nhau giữa các tỉnh, thành phố. Thường thì các tỉnh, thành phố xem xét TGCN theo các tiêu chí nghiện “nặng” (tối đa 2 năm) hay nghiện “nhẹ” (1 hoặc 1,5 năm). Nghiện nặng thường căn cứ vào các đặc điểm người nghiện như: Đã nghiện thời gian dài/ Đã cai nghiện nhiều lần/ Tần suất sử dụng hàng ngày cao/Sử dụng ma túy bằng hình thức tiêm chích/Sử dụng cùng lúc nhiều nhiều loại ma túy/Đã chuyển ma túy từ dùng thuốc phiện sang heroin rồi ma túy tổng hợp (ATS) hay 2-3 loại đồng thời/Có hành vi gây rối trật tự trị an/Đang điều  trị thay thế bằng methadone rồi bỏ và tái nghiện/ Nghiện và nhiễm HIV…

Tuy nhiên, cách hiểu mỗi nơi về các đặc điểm trên cũng khác nhau. Có nơi chỉ có 1 đặc điểm đã là nghiện nặng, có nơi phải 3 đặc điểm trở lên. Nghiện thời gian dài là 3 năm hay 8 năm trở lên. Cai nghiện nhiều lần là từ lần 2 trở lên hay sau 3 lần. Tần suất sử dụng cao là 5 hay 10 lần/ngày. Gây rối trật tự xã hội đến mức nào. Sự phục hồi sau các lần tái nghiện?…Do vậy, tình trạng khá phổ biến diễn ra: người có đặc điểm nghiện tương đối giống nhau nhưng nơi này quyết định cai 1 năm, nơi khác 1,5 năm hoặc 2 năm. Có khi việc quyết định TGCN dài hay ngắn còn phụ thuộc các yếu tố như: Cơ sở cai nghiện còn nhiều chỗ trống hay không; đang thực hiện chiến dịch “làm trong sạch địa bàn”; theo đề nghị của gia đình người nghiện…

Tại sao cần hướng dẫn thống nhất

Trước hết, hơn chục năm, không có hướng dẫn chung TGCN là thể hiện thiếu tính khoa học. Một nội dung rất quan trọng của chương trình cai nghiện, liên quan đến cuộc sống của nhiều người cai nghiện, đến đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, đến nhiều hoạt động hỗ trợ phục hồi cho người nghiện thì không thể chấp nhận mỗi nơi quyết định một mức. Luật quy định cai nghiện 1-2 năm là để phân biệt xử lý mang tính khoa học những người phải cai nghiện ở mức độ khác nhau và đều thực hiện mục tiêu giúp họ phục hồi. Những người đáng ra chỉ cai 1 năm nhưng kéo dài 2 năm không giúp họ phục hồi tốt hơn mà có khi để lại nhiều hệ quả tiêu cực như mất cơ hội việc làm, học hành, thiếu sự hỗ trợ tinh thần và vật chất của gia đình và xã hội tại cộng đồng, tinh thần không an tâm, hạnh phúc gia đình và việc tham gia nuôi nấng, dạy dỗ con cái gặp nhiều khó khăn. Ngược lại, người cần cai 2 năm nhưng quyết định 1 năm sẽ không đảm bảo quy trình dẫn đến hiệu quả thấp.

Hai là, phần lớn các địa phương như thời gian qua quyết định cai 2 năm gây ra nhiều lãng phí. Các cơ sở cai nghiện do UBND cấp tỉnh quyết định xây dựng, quản lý căn cứ vào mục tiêu và số lượng người nghiện trên địa bàn. Nếu có cơ sở khoa học để quyết định cai thời gian ngắn hơn (1 hoặc 1,5 năm chẳng hạn) cho nhiều người thì việc luân chuyển vào-ra cơ sở cai nghiện sẽ linh hoạt, nhiều người được vào cai trong một thời gian nhất định (kể cả CN tự nguyện). Nhưng nếu đại đa số cai 2 năm thì hoặc phải xây dựng Cơ sở cai nghiện quy mô lớn hơn, hoặc số người được đưa vào cai sẽ giảm đi. Ngoài ra, phải bố trí tăng cán bộ để điều trị nhiều người cai nghiện cùng với các chi phí khác cho học viên.

Ba là, việc không thống nhất TGCN gây bức xúc cho người người nghiện và thân nhân. Người cai nghiện bất bình: người kia nghiện lâu hơn, nặng hơn, dùng nhiều loại ma túy nhưng chỉ phải cai 1 năm nhưng mình phải cai 2 năm. Hoặc 2 người nghiện cùng thời gian và các đặc điểm tương tự nhưng người cai 1  năm, người thì có quyết định 2 năm. Sự bất bình đó, công khai hay âm ỉ đều không có lợi cho công tác cai nghiện, là một trong những nguyên nhân bùng phát gây mất an ninh trật tự ở cơ sở cai nghiện.

Để đáp yêu cầu cai nghiện, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ra văn bản giải đáp vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật trong đó có nội dung áp dụng thời gian cai nghiện bắt buộc theo nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính. Đây là một chủ động, cố gắng lớn. Tuy nhiên, hướng dẫn vẫn dừng lại ở các nội dung có thể áp dụng với mọi người vi phạm hành chính, chưa đi sâu vào đặc thù của người nghiện.

Hiện nay, việc xem xét quyết định việc áp dụng biện pháp xử lý đưa vào cai nghiện bắt buộc (và thời gian cai nghiện) do Tòa án cấp huyện thực hiện theo Luật xử lý vi phạm hành chính. Do vậy, công khai, minh bạch, khoa học trong việc quyết định TGCN cho từng người cụ thể càng là một đòi hỏi thực tiễn và cấp bách.

Hướng dẫn như thế nào?

Để thống nhất quy định TGCN cần văn bản hướng dẫn của cơ quan cấp Trung ương (Tòa án Nhân dân Tối cao). 

Xác định người nghiện là “người bệnh” thì TGCN ngắn hay dài ở Cơ sở cai nghiện chủ yếu là để chữa bệnh phục hồi. Chữa bệnh về y tế, cần xem xét thời gian bao lâu để phục hồi sự lệ thuộc vào ma túy, mức độ rối loạn tâm thần liên quan thời gian nghiện, cách sử dụng, tần suất, loại ma túy sử dụng, tình trạng bệnh tật do sử dụng ma túy gây ra…

Chữa bệnh về tâm lý, xã hội cần xem xét thời gian bao lâu để người bệnh khắc phục các khủng hoảng về tâm lý, hành vi, phục hồi các khả năng lao động, nhận biết được các kỹ năng sống, văn hóa, giải trí, đạo đức, giao tiếp, phòng chống tái nghiện thông qua các hoạt động tư vấn, lao động trị liệu, giáo dục kỹ năng sống, sinh hoạt nhóm, dạy nghề, tìm kiếm cơ hội tạo việc làm…

Tóm lại, TGCN được Tòa án quyết định chủ yếu phải từ yêu cầu chữa bệnh, phục hồi cho từng người nghiện. Hành vi gây rối trật từ xã hội chỉ nên coi là một yếu tố để xem xét, chứ không nên cứ như vậy là quyết định TGCN tối đa..

Để giúp Tòa án xem xét quyết định TGCN chính xác thì ngay từ khâu lập hồ sơ cần đổi mới, các cơ quan chức năng có liên quan đã phải tham gia chặt chẽ. Cơ quan công an cần xác định cụ thể thời gian nghiện, tần xuất, loại ma túy, cách sử dụng, số lần cai, tình trạng thân nhân, việc làm, hành vi vi phạm trật tự xã hội… Cơ quan y tế, chủ trì trong việc xác định tình trạng nghiện không chỉ xác nhận đã “nghiện ma túy” và loại ma túy gì mà còn cần đánh giá tình trạng sức khỏe, mức độ phụ thuộc và rối loạn tâm thần do ma túy. Cơ quan Lao động-Thương binh và Xã hội cần có ý kiến về các vấn đề tâm lý xã hội cần thực hiện ở Cơ sở cai nghiện đối với từng người.

Nên nghiên cứu ban hành Khung hướng dẫn TGCN để thực hiện thuận lợi. Khung TGCN có thể phân chia làm 3 mức (12-15 tháng, 16-20 tháng, 21-24 tháng) hoặc chí ít cũng là 2 mức (12-16 tháng và 17-24 tháng). Mỗi mức sẽ các tiêu chí đặc điểm nghiện cụ thể và các tiêu chí khác liên quan. Ví dụ, Mức 12-15 tháng (ngắn nhất) sẽ có những tiêu chí như: Thời gian nghiện dưới 2 năm, tần suất sử dụng dưới 2 lần/ngày, rối loạn tâm thần mức độ nhẹ, mới cai nghiện bắt buộc lần đầu, đang học hành và có nơi cư trú, việc làm ổn định, chưa có hành vi gây rối hoặc có nhưng chưa đến mức xử lý hành chính, hình sự…Các Mức sau tăng dần theo các đặc điểm trên. Các Tòa án lấy Khung hướng dẫn làm cơ sở chính để quyết định TGCN.

 Như vậy, để Tòa án Nhân dân tối cao xây dựng Hướng dẫn và khung TGCN cần có sự tham gia tích cực của các cơ quan của Bộ Công an, Y tế, Lao động-Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan. Và để cai nghiện hiệu quả, khoa học, ngoài quyết định đúng TGCN thì cần thực hiện nhiều hoạt động như đảm bảo quy trình cai nghiện, nâng cao năng lực cán bộ các ngành trong việc lập hồ sơ, cai nghiện, Tòa án, chính quyền và cán bộ cộng đồng, thường xuyên đánh giá kết quả cai nghiện, miễn giảm thời gian cai nghiện để khuyến khích người cai nghiện./.

Lê Hiền