HỖ TRỢ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIỚI, GIẢM HẠI VÀ HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG CHO NGƯỜI BÁN DÂM Ngày đăng: 18/10/2017
Một trong những điểm mới trong xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống mại dâm đang được Bộ LĐTBXH, các Bộ, ngành nghiên cứu là đưa việc Hỗ trợ phòng, chống bạo lực giới, giảm hại và hoà nhập cộng đồng cho người bán dâm.

Hỗ trợ phòng, chống bạo lực, giảm hại

Thực tiễn cho thấy, người bán dâm do tính chất công việc "đặc thù" nên họ thường gặp phải những nguy cơ đe dọa an toàn về tính mạng, sức khỏe, bị bạo lực, bóc lột. Mặc dù hành vi bán dâm của họ là vi phạm pháp luật, nhưng xét dưới góc độ hỗ trợ xã hội, đảm bảo sự bình đẳng, cần phải có các biện pháp hỗ trợ, bảo vệ khi các quyền, lợi ích chính đáng của họ vi xâm phạm.

Dự thảo luật cần quy định rõ các trường hợp cần áp dụng biện pháp bảo vệ nhằm đảm bảo tính thống nhất với Luật bình đẳng giới và tính đặc thù của công việc; quy định cụ thể về biện pháp bảo vệ và cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ. Đặc biệt đối với các trường hợp có cơ sở cho rằng họ là nạn nhân của tội phạm mua bán người bị ép buộc bán dâm.

Hiện nay, mặc dù Luật Phòng, chống HIV/AIDS và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định về việc thực hiện các biện pháp can thiệp giảm hại. Tuy nhiên chưa có những quy định về việc phối hợp thực hiện giữa các cơ quan y tế và Lao động - Thương binh và Xã hội nhằm đảm bảo sự kết hợp về nguồn lực, biện pháp giữa các cơ quan này.

Hỗ trợ thay đổi công việc, hoà nhập cộng đồng

Hỗ trợ thay đổi công việc, hoà nhập cộng đồng là một trong những nội dung quan trọng trong công tác phòng, chống mại dâm. Theo nghiên cứu của các chuyên gia trong lĩnh vực và từ thực tiễn công tác tái hòa nhập cộng đồng cho thấy để giúp người bán dâm hòa nhập một cách bền vững thì cần nhấn mạnh nguyên tắc không nên áp đặt buộc họ từ bỏ bán dâm mới được hỗ trợ. Việc hỗ trợ nên theo hướng đồng thời cung cấp các dịch vụ, cơ hội cho họ thay đổi công việc bán dâm. Mặt khác, nên xây dựng “cơ chế tái hòa nhập trọn gói”, trong đó bao gồm những loại dịch vụ cần có bao gồm: hỗ trợ về y tế, tham vấn/hỗ trợ tâm lý, giáo dục kỹ năng sống, dạy nghề, giới thiệu việc làm, trợ giúp pháp lý.

Giai đoạn 2011-2015, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo thí điểm một số mô hình hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng ở một số tỉnh, thành phố đã có kết quả bước đầu tích cực. Hàng trăm người bán dâm được tiếp cận với các dịch vụ tư vấn về pháp lý, sức khỏe, tâm lý, dạy nghề, vay vốn thay đổi việc làm hòa nhập cộng đồng.

Từ những kết quả bước đầu, Bộ LĐTBXH đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 361/QĐ-TTg ngày 7/3/2016 phê duyệt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020, trong đó cho phép xây dựng 3 mô hình thử nghiệm: mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, Trung tâm công tác xã hội; mô hình hỗ trợ nhằm đảm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; mô hình hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng /nhóm tự lực/câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới.

Hiện nay, một số địa phương đại diện các vùng, miền trong cả nước đang triển khai thí điểm các mô hình theo Quyết định 361/QĐ-TTg, kết quả thực hiện các mô hình đã và đang được địa phương, cơ quan chức năng đánh giá, tiếp tục nhân rộng, trên cơ sở đó từng bước sơ kết, tổng kết để các Bộ, ngành nghiên cứu, tham khảo trong quá trình xây dựng dự án Luật Phòng, chống mại dâm cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống./.

                                                                                                         CNP