Tăng cường quản lý để hỗ trợ người nghiện hòa nhập cộng đồng Ngày đăng: 10/10/2017
Người mới sử dụng ma túy được phát hiện sớm và tham gia các chương trình dự phòng nghiện; người nghiện dù đang ở đâu cũng đều được điều trị, cai nghiện phục hồi, hòa nhập cộng đồng, góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội. Đó là mục tiêu và sự cần thiết của việc tăng cường quản lý người sử dụng, người nghiện ma túy.

Hiểu đúng bản chất của quản lý người nghiện.

Quản lý là một phạm trù rộng lớn, bất cứ quốc gia nào, chương trình kinh tế-xã hội gì hoặc các công việc nhỏ bé trong mỗi gia đình như phát triển kinh tế, tiết kiệm chi tiêu, đầu tư cho học hành, nghề nghiệp…đều gắn với "quản lý". Theo một số nhà khoa học trên thế giới thì quản lý là một nghệ thuật huy động với đặc trưng là quá trình điều khiển, hành động và dẫn hướng đưa các thành viên trong tổ chức làm việc cùng nhau để thực hiện, hoàn thành mục tiêu chung, bao gồm 5 nhiệm vụ: xây dựng kế hoạch, tổ chức, chỉ huy, phối hợp và kiểm soát.

Tăng cường quản lý người nghiện xuất phát từ mục tiêu chiến lược tăng cường và nâng cao sức khỏe nhân dân, giúp người nghiện cai nghiện phục hồi, hòa nhập cộng đồng, bảo đảm an ninh trật tự xã hội, giảm dần người nghiện. Với những hiểu biết mới về ma túy, cơ chế nghiện, cai nghiện; yêu cầu mới về nâng cao hiệu quả phòng ngừa, điều trị, cai nghiện trong bối cảnh người nghiện các loại ma túy tổng hợp dạng ATS có chiều hướng gia tăng mạnh, phức tạp thì  tăng cường quản lý người nghiện càng trở lên cấp thiết. Cụ thể:

 Những người sử dụng ma túy trái phép nhưng mới ở mức độ giải trí, lạm dụng,  chưa đến mức phụ thuộc (nghiện) được phát hiện sớm và đưa vào các chương trình đa dạng về dự phòng giúp họ thôi sử dụng, góp phần kiềm chế rõ rệt tốc độ tăng người nghiện mới.

Với người mới nghiện ở cộng đồng thì  phát hiện sớm là điều kiện hết sức quan trọng để tổ chức điều trị, cai nghiện, tỉ lệ thành công cao hơn, tỷ lệ rủi ro thấp, chi phí và công sức giảm nhiều so với cai nghiện cho người đã nghiện nặng.

Với người đang cai nghiện, quản lý ở  các cơ sở (cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục, trại giam, …) hay tại cộng đồng thì việc tăng cường quản lý là tăng cường các biện pháp nghiệp vụ cai nghiện, nắm chắc nhân thân về lịch sử nghiện, cai nghiện, bệnh tật từng người … giúp họ tuân thủ quy trình cai nghiện, thay đổi hành vi, không gây rối và lôi kéo người khác gây rối, làm mất an ninh trật tự, đồng thời, tư vấn các biện pháp, kỹ năng phòng chống tái nghiện.

Với người điều trị thay thế bằng Methadone, tăng cường quản lý là giúp họ tuân thủ nghiêm ngặt nội quy điều trị, nâng cao sức khỏe, không dùng lại ma túy dạng opiat hoặc dùng cả ma túy tổng hợp, từng bước giảm liều Methadone, tiến tới hoàn thành chương trình, dừng hẳn dùng Methadone.

 Với người được quản lý sau cai, tăng cường quản lý là theo dõi chặt chẽ, giúp họ không tiếp xúc với ma túy và thực hiện các hoạt động tư vấn, văn hóa, thể thao, đưa họ vào sinh hoạt trong các câu lạc bộ, các tổ chức xã hội tại cộng đồng, các hỗ trợ sinh kế, ổn định cuộc sống.

Những người nghiện ma túy tổng hợp dạng đá (Methamphetamine) có dấu hiệu loạn thần nặng (ngáo đá), cần có các biện pháp cảnh báo và quản lý, xử lý, điều trị kịp thời để không gây hại sức khỏe cộng đồng.

Quản lý người nghiện không chỉ là phát hiện sớm, tin học hóa việc thống kê, lập danh sách, theo dõi lâu dài mà đồng thời phải thực hiện các hoạt động chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ để nắm chắc các vấn đề của từng người như mức độ nghiện, loại ma túy, hình thức sử dụng, tình trạng bệnh tật, nhân thân, hoàn cảnh gia đình…để phục vụ công tác cai nghiện hiệu quả.

Tóm lại, tăng cường quản lý người nghiện không chỉ là phát hiện sớm người sử dụng ma túy, người nghiện để có số liệu tiệm cận với số người thực tế mà quan trọng hơn là tăng cường các giải pháp tổng thể về giảm cung, giảm cầu, giảm hại, về dự phòng, điều trị, cai nghiện, quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ để từ đó giảm dần người nghiện ma túy trong xã hội.

Biện pháp gì để tăng cường quản lý

Thứ nhất là làm tốt hơn việc phát hiện người sử dụng ma túy, người nghiện trên cơ sở củng cố các biện pháp mang tính hành chính kết hợp với các biện pháp xã hội.

Các biện pháp hành chính do công an và các lực lượng chức năng, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các nguồn tin, rà soát, nắm bắt, thống kê ở từng tổ dân phố, khu dân cư, phối hợp với các cơ quan, đơn vị phát hiện (ví dụ, thử test nhanh với các lái xe đường dài, tăc xi, người đang điều trị Methadone, người trong các vũ trường, người không có nơi cư trú ổn định, người trong chương trình quản lý sau cai…). Các biện pháp hành chính cần phải củng cố, có những cách làm mới và  thường xuyên liên tục, nâng cao tính trách nhiệm của tập thể, cá nhân được giao nhiệm vụ.

Tuy nhiên, biện pháp hành chính có nhiều hạn chế do những quy định cứng của luật pháp và thiếu nguồn lực để triển khai, đặc biệt là phát hiện người mới sử dụng ma túy. Do vậy, các biện pháp xã hội cần được phát huy. Từng cá nhân, gia đình, nhân dân trong tổ dân phố, các đoàn thể xã hội, các NGO, các tổ chức xã hội dựa vào cộng đồng, Đội công tác xã hội tình nguyện, giáo viên trong các trường học, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị… khi phát hiện bất cứ cá nhân nào có biểu hiện liên quan đến sử dụng ma túy thì “không ngần ngại” làm rõ hoặc báo ngay cho các cơ quan chức năng để có các bước tiếp cận sau đó. "Dựa vào dân" là quan điểm không mới nhưng trong vấn đề này, hàng triệu tai mắt của quần chúng- những người gần gũi và am hiểu tình hình trên mỗi địa bàn là ưu thế lớn.

Để các biện pháp xã hội thành thực chất cần bổ sung cơ chế, chính sách kết hợp với vận động để mỗi cá nhân, đơn vị đều được nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tự tin, không e ngại, thuận tiện trong việc thông báo cho các cơ quan chức năng hay cán bộ xã hội. Đồng thời, những cơ quan, cán bộ này phải được trang bị kiến thức, điều kiện để tiếp cận, xử lý thông tin tốt nhất.

Thứ hai: các giải pháp hỗ trợ đóng vai trò quan trọng vì chỉ phát hiện mà không có hệ thống giải pháp hỗ trợ căn cơ thì việc phát hiện không có nhiều ý nghĩa.

Đó là chương trình dự phòng nghiện cho người có nguy cơ cao và người sử dụng ma túy được xây dựng, triển khai bài bản và chủ yếu thực hiện tại cộng đồng. Tại 1 số nước chia làm 3 cấp độ (Dự phòng phổ cập-Dự phòng chọn lọc-Dự phòng chỉ định), trong đó, ở đây chú trọng người ở cấp độ 2 và 3. Trên cơ sở sàng lọc và bằng chứng khoa học, người sử dụng ma túy được đưa vào các chương trình phòng ngừa khác nhau bao gồm các hoạt động tư vấn, tâm lý, y học, giải trí, thể thao và chương trình sinh hoạt nhóm…Các hoạt động này có sự kết hợp giữa các cán bộ chuyên môn về điều trị nghiện và cán bộ, cộng tác viên nơi người sử dụng ma túy làm việc, học tập, sinh sống. Can thiệp dự phòng nhưng không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của họ. Trong suốt quá trình đó, việc quản lý không thể lơi lỏng. Mặt khác, việc đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ dự phòng nghiện sẽ là công việc mất nhiều công sức.

Trong thực tế, việc phát hiện, phân loại người sử dụng và người nghiện không đơn giản, phải có thời gian và nghiệp vụ. Kiểm tra tại một vũ trường, lực lượng công an có thể phát hiện hàng trăm người dương tính với ma túy nhưng sau đó chỉ xử phạt hành chính và cho về. Với những trường hợp phát hiện lớn như vậy, nên chăng xem xét, trình Chính phủ, Quốc Hội cho phép thực hiện một chương trình thí điểm, tạm thời đưa họ vào cơ sở xã hội trong một thời gian xác định (cơ sở tiếp nhận phân loại người nghiện không có nơi cư trú nhất định) để sàng lọc, phân loại (người sử dụng, người nghiện) để có biện pháp hỗ trợ thích hợp.

Đó là các giải pháp nâng cao hiệu quả, mang đậm tính khoa học trong điều trị, cai nghiện theo Đề án đổi mới công tác cai nghiện. Mỗi người nghiện điều trị theo 1 một chương trình kế hoạch riêng trên cơ sở phân tích mọi yếu tố của chủ thể nghiện. Một mạng lưới các dịch vụ điều trị, cai nghiện tự nguyện đa dạng, tiện ích, hoạt động thiết thực, đáp ứng nhu cầu cai nghiện. Dù điều trị thay thế hay cai nghiện đều chú trọng đến chăm sóc sức khỏe, giải quyết các vấn đề tâm lý và các biện pháp xã hội khác.

Đó là các biện pháp quản lý (hay chăm sóc) sau cai nghiện được tổ chức trên nền tảng xã hội giảm cơ bản sự kỳ thị với tinh thần nhân ái, có sự phân công phối hợp chặt chẽ của các lực lượng xã hội của cộng đồng, của gia đình trong việc động viên, khích lệ tinh thần, bỏ qua những lỗi lầm quá khứ của người nghiện, hỗ trợ, trợ cấp khó khăn, dạy nghề, tạo sinh kế ổn định.

Đó là các biện pháp theo dõi, phản ứng trấn áp kịp thời, đưa ngay vào cơ sở cai nghiện để bảo đảm an toàn cho nhân dân đối với những người nghiện manh động gây rối trật tự, những người “ngáo đá” có những hành vi đe dọa sức  khỏe, an ninh của cộng đồng.

Tăng cường quản lý người nghiện là một chương trình cần thiết nhưng đòi hỏi trách nhiệm cao của các cơ quan chức năng và xã hội, có chương trình và hệ thống giải pháp đồng bộ, đổi mới, có đầu tư nguồn lực tương xứng thì nhất định sẽ thành công./.

Lê Hiền