Cục PCTNXH làm việc với đoàn công tác Myanmar về can thiệp giảm tác hại và điều trị nghiện ma túy Ngày đăng: 06/10/2017
Ngày 5⁄10⁄2017, tại trụ sở Cục PCTNXH, ông Lê Văn Khánh- Phó Cục trưởng Cục PCTNXH chủ trì, cùng lãnh đạo các phòng nghiệp vụ trong Cục đã tiếp đoàn công tác Myanmar do ông Kyaw Sann- Thành viên hạ viện, Ủy viên thường trực Ủy ban Thẩm định pháp luật và các vấn đề đặc biệt của Nghị viện Myanmar làm trưởng đoàn. Cùng tham dự buổi làm việc về phía Myanmar còn có đại diện thành viên Hội đồng đánh giá các vấn đề pháp lý và các vấn đề đặc biệt của Nghị viện, thành viên Hạ viện, đại diện tổ chức International HIV⁄AIDS Alliance Myanmar, đại diện nhóm tự lực của người sử dụng ma túy, bán dâm, HIV⁄AIDS tại Myanmar. Tại buổi làm việc, hai bên đã cùng trao đổi và chia sẻ về công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy.

Trao đổi với đoàn Myanmar, ông Lê Văn Khánh cho biết, công tác phòng, chống ma túy và cai nghiện phục hồi ở Việt Nam đang thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại trong phòng, chống ma túy. Riêng về lĩnh vực cai nghiện phục hồi, Việt Nam cũng đã ban hành một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, với các chính sách như đa dạng hóa các hình thức và biện pháp cai nghiện: cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; cai nghiện tự nguyện và bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy; điều trị thay thế bằng methadone. Từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ký Quyết định 2596/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020 với mục tiêu giảm cai nghiện bắt buộc và tăng cường cai nghiện tự nguyện.

Theo thống kê của Bộ Công an Việt Nam, tính đến ngày 15/5/2017, số người nghiện có hồ sơ quản lý là 219.479 người, tăng 8.764 người so với năm 2016 (210.715 người). Điều đáng lo ngại là đa số người mới sử dụng ma túy bị phát hiện đều sử dụng ma túy tổng hợp, các chất hướng thần thay vì heroin. Các cơ sở cai nghiện ma túy hiện đang quản lý, điều trị, cai nghiện cho: 31.109 học viên; cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 3.566 người; quản lý tại nơi cư trú 22.837 người. Ngoài ra, Việt Nam cũng có 295 cơ sở điều trị thay thế bằng methadone cho trên 53.000 người. Các lực lượng đã phát hiện, bắt giữ 11.834 vụ, 17.680 đối tượng về ma túy, thu giữ 442 kg heroin; 778,5 kg + 347.991 viên ma túy tổng hợp; 81,7 kg thuốc phiện; 84,83 kg cần sa khô; 5.600 kg lá khát; 1,6 kg cocain; 4,73 kg “Cỏ Mỹ), cùng nhiều vật chứng, tài sản có liên quan.

Hướng tới, Việt Nam sẽ nghiên cứu 2 chuẩn quốc tế về dự phòng nghiện và điều trị nghiện để đưa vào áp dụng cho phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam.

Về phía Myanmar, ông Kyaw Sann cho biết, tình trạng buôn bán ma túy rất phức tạp vì gần khu vực Tam giác vàng, ma túy luôn sẵn có, kể cả những vùng xa xôi, hẻo lánh. Cảnh sát Myanmar cũng bắt được nhiều vụ buôn bán, vận chuyển ma túy, tuy nhiên, những người chủ mưu buôn bán ma túy thực sự chưa bao giờ bị bắt hay tìm thấy. Trong các nhà tù của Myanmar hiện nay, 2/3 số tù nhân có liên quan đến ma túy. Myanmar có trên 80.000 người nghiện ma túy. Từ trước đến nay, chính sách về ma túy của Myanmar tập trung vào giảm cung, giảm cầu và trừng phạt, tuy nhiên, hiệu quả không đạt được như mong muốn. Vì vậy, Myanmar đang trong quá trình nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật hướng đến giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại cho phù hợp với thực tiễn và vấn đề nhân quyền./.

T.T