CÓ NÊN BỎ CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ SAU CAI NGHIỆN? Ngày đăng: 18/09/2017
Được đưa vào Luật Phòng, chống ma túy, sau tổng kết thí điểm tại 7 tỉnh, thành phố nhưng đến nay có nhiều ý kiến đề nghị dừng chính sách quản lý sau cai nghiện. Nên bỏ hay sửa đổi, bổ sung để tiếp tục thực hiện là vấn đề cần làm rõ.

Từ thí điểm công phu, chính sách rõ ràng…

Hội nghị tổng kết, đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết 16/2003/QH11của Quốc Hội về “Thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, TP khác” đã khẳng định: những kết quả đạt được rất đáng khích lệ, nâng cao và làm chuyển biến quan điểm, nhận thức và sự đồng thuận của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, bản thân người nghiện và gia đình họ, từ đó, xác định trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân, đơn vị; góp phần kiềm chế tốc độ gia tăng người nghiện mới, giảm tội phạm hình sự, tác động tích cực tới tình hình an ninh trật tự xã hội ở địa bàn, tạo điều kiện thu hút đầu tư và phát triển kinh tế xã hội. Chỉ riêng TP HCM trong 5 năm, 42.713 lượt người theo học các lớp văn hóa; 31.403 lượt người được dạy nghề, thông qua lao động sản xuất truyền nghề cho 6.570 lượt người; 17.279 người hoàn thành khóa học được cấp giấy chứng nhận nghề, trong đó dạy nghề dài hạn tương đương bậc 3/7 cho 1.700 người, giải quyết việc làm cho 13.771 người sau cai tái hòa nhập cộng đồng, 687 người tái nghiện (chiếm tỷ lệ 6% tổng số người tái hòa nhập cộng đồng).

Trên cơ sở tổng kết, quản lý sau cai (QLSCN) được đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống ma túy (2008). Luật và Nghị định của Chính phủ quy định  QLSC có 2 hình thức: Quản lý tại cơ sở quản lý sau cai nghiện (CSSCN) cho những người có nguy cơ tái nghiện cao; những người còn lại QLSCN tại nơi cư trú. Thời gian quản lý 1-2 năm với nội dung chính: Quản lý, hướng dẫn, giúp đỡ phòng, chống tái nghiện; hỗ trợ học nghề, tìm việc làm và tham gia các hoạt động xã hội để hoà nhập cộng đồng đối với người được quản lý tại nơi cư trú/ Quản lý, tư vấn, giáo dục, dạy nghề, lao động sản xuất và chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng đối với người được quản lý tại CSQLSCN.

Tóm lại, QLSCN có hai nội dung: Quản lý/ Các hoạt động thuộc về tâm lý, xã hội (nội dung chủ yếu).

Đến thực hiện

Với  quản lý ở CSSCN, 7 năm qua, nhiều tỉnh, thành phố đã có nhiều nỗ lực  đầu tư cơ sở vật chất, cán bộ, tổ chức hoạt động có đổi mới so với giai đoạn cai nghiện, tạo môi trường trong sạch cho NSC phục hồi. Một số người ở CSSCN, thậm chí, sau thời gian đó đã tự nguyện xin ở lại tiếp tục lao động sản xuất, được cơ sở bố trí làm "thầy giáo" giúp người cai nghiện.

Tuy nhiên, phần lớn CSSCN mới nặng về biện pháp quản lý (thường rất khô cứng). Các nội dung về tâm lý-xã hội không đạt mục tiêu: nghề được dạy nghèo nàn, không phù hợp cho họ tìm kiếm việc làm sau này; việc làm ở CSSCN thu nhập rất thấp, không ổn định; các hoạt động tư vấn không được nâng cao so với giai đoạn trước; điều kiện ăn ở, sinh hoạt, văn hóa cải thiện chưa nhiều, sự kết nối với chính quyền, cộng đồng nơi người SCN trở về gần như không có…, dẫn đến, có cảm giác  là quản lý SCN chỉ là việc kéo dài thời gian CN tập trung, gây tâm trạng bức xúc (Luật quy định quản lý SCN từ 1-2 năm nhưng hầu hết địa phương quyết định 2 năm). Dù kéo dài tối đa (cai và sau cai) đến 4 năm nhưng tỉ lệ tái nghiện vẫn cao. Luật xử lý vi hành chính ban hành sau này (2012) lại không quy định việc quản lý SCN nên nhiều địa phương ngập ngừng không biết có tiếp tục thực hiện QLSCN nữa hay không, do vậy, số người tham gia ngày càng ít đi. Hiện nay, chỉ còn hơn chục tỉnh,TP thực hiện.

Đối với quản lý sau cai tại nơi cư trú (SCNNCT), đến thời điểm này có khoảng hơn 26.000 người tại hơn 50 tỉnh, TP.Tại nhiều địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đã phân công người giúp đỡ, hướng dẫn người sau cai nghiện cách ly môi trường ma túy, phòng, chống tái nghiện; tổ chức các Đội công tác xã hội tình nguyện, huy động cộng đồng tham gia quản lý, giúp đỡ; cho vay vốn làm ăn; động viên, khuyến khích người sau cai nghiện tham gia các hoạt động xã hội; tuyên truyền, quản lý, tổ chức chăm sóc, tư vấn, điều trị, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS…, góp phần giúp hàng nghìn người phục hồi sức khỏe, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Cái khó và cũng là điểm yếu của SCNNCT là các hoạt động ở nhiều nơi, ngoài việc quản lý, còn thiếu quan tâm, thực hiện không bài bản, không thường xuyên các nội dung chăm sóc sức khỏe, tâm lý và xã hội. Việc hỗ trợ học nghề, bố trí công ăn việc làm rất khó khăn. Việc huy động cộng đồng QLSCN thiếu nội dung và phân công phối hợp cụ thể (chính quyền, đoàn thể, các tổ chức), thiếu cán bộ hoặc thiếu trầm trọng cán bộ có kiến thức, năng lực tư vấn… Đặc biệt là thiếu cơ chế hoạt động khả thi và kinh phí cho QLSCN. Công tác tuyên truyền, vận động chưa làm cộng đồng giảm nhiều kỳ thị với người CN. Môi trường xã hội còn nhiều ma túy nên gặp không ít khó khăn. Chính vì vậy, số người hòa nhập cộng đồng so với người được cai nghiện chiếm tỉ lệ thấp.

Như vậy, do thực hiện không đảm bảo quy trình, nội dung, chất lượng (mới thiên về quản lý) nên đã tự làm “giảm uy tín” QLSCN. Không nên hoàn toàn “đổ tội” và phủ nhận giá trị của chính sách QLSCN!

Sinh hoạt văn hóa tại cơ sở cai nghiện ma túy

Các nước có quản lý sau cai không?

Trừ Trung Quốc, theo báo cáo gần đây, đã đầu tư xây dựng 70 cơ sở phục hồi sau cai tiếp nhận 50.000 người thì quốc tế không dùng từ " quản lý sau cai" mà chương trình phổ biến là "chăm sóc phục hồi sau cai" (Rehabilitation aftercare), được làm bài bản, bao gồm chăm sóc tiếp theo sau khi một người đã hoàn thành một chương trình cai nghiện, giúp họ phát triển các mô hình sống mới, cho phép họ tạo ra những cách mới để đối phó và những thói quen mới hỗ trợ quá trình hồi phục.

Các số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ tái nghiện có thể lên tới 85% trong năm đầu tiên nếu không chăm sóc sau cai. Với những người có nguy cơ tái nghiện cao, một chương trình chăm sóc sau điều trị ma túy rất quan trọng đối với những nỗ lực của họ để tỉnh táo không dùng ma túy. Các chương trình chăm sóc sau khi có thể bao gồm 12 bước, bao gồm tư vấn và điều trị theo một người hoặc một nhóm. Một chương trình chăm sóc sau cai nghiện có thể giúp làm giảm những căng thẳng khi đối mặt với cuộc sống đời thường khi vừa ra khỏi chương trình cai nghiện và làm giảm đáng kể nguy cơ tái nghiện.

 Chương trình chăm sóc sau cai có thể kéo dài từ vài ngày đến cả đời. Có rất nhiều loại chăm sóc sau cai khác nhau, được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của từng cá nhân, chú trọng các hoạt động  tư vấn, quản lý cảm xúc tiêu cực, đào tạo nghề và các hoạt động giải trí…Chương trình sau cai không phải hoàn toàn là tự nguyện, có nơi theo yêu cầu của Tòa án ma túy.

Các nhà khoa học đã khẳng định, phục hồi là một thách thức, nhưng không phải là không thể. Hàng triệu người đã hồi phục lâu dài sau khi trải qua một giai đoạn nghiện nặng. Giữ cam kết điều trị và tiếp tục với chương trình chăm sóc sau cai là tốt nhất để đảm bảo phục hồi và phòng tránh tái nghiện.

Bỏ chương trình sau cai sẽ như đi lại bằng một chân.

Như trên đã trình bày, những nơi thực hiện khá tốt QLSCN, nhất là quản lý SCNNCT, đã giúp hàng nghìn người phục hồi. Chính sách QLSCN của ta cũng mang nhiều nội dung "chăm sóc sau cai" như quốc tế. Từ thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế đã khẳng định vai trò và tầm quan trọng không thể thiếu của "chăm sóc sau cai" trong việc phục hồi cho người nghiện. Thực chất, trong"chăm sóc sau cai" của quốc tế cũng bao gồm nội dung "quản lý", (ví dụ, vẫn phải có "quản lý" để người sau cai cam kết tuân thủ các chương trình sau cai).

Với nhận thức mới về nghiện và cai nghiện, trước yêu cầu về tăng cường quản lý người nghiện, trong bối cảnh hòa nhập quốc tế, có lẽ càng không thể bỏ chương trình "quản lý sau cai" mà nên sửa đổi, bổ sung. Có thể nói, thực hiện chương trình sau cai là yêu cầu “sống còn” của cai nghiện. Cai nghiện và sau cai phải gắn bó "như hình với bóng". Bỏ chương trình sau cai trong cai nghiện có thể ví như người ta đi lại chỉ bằng một chân!

Về tên gọi, nên chăng đổi thành “Chương trình chăm sóc sau cai” hay “Chương trình sau cai nghiện” vừa nói lên bản chất của hoạt động này, vừa phù hợp với các chương trình của thế giới, thuận lợi cho các hoạt động giao lưu, đào tạo, hợp tác quốc tế.

Không thể không có quản lý nhưng khái niệm "quản lý" cần xác định lại nội hàm, các giải pháp về "quản lý" cần sửa đổi để vừa đảm bảo quyền con người nhưng vừa phục vụ cho chuyên môn cai nghiện, an ninh trật tự xã hội. Các giải pháp về tâm lý-xã hội (tư vấn, kèm cặp, dạy nghề, kỹ năng sống, phòng chống tái nghiện,  giải quyết việc làm…) đã và đang thực hiện sẽ không bao giờ lạc hậu nhưng cần tổ chức lại, nâng cao chất lượng, mang tính thực tiễn, có tính khả thi. Chúng ta có các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội tại cộng đồng, Đội công tác xã hội tình nguyện…, chắc chắn sẽ tham gia mạnh mẽ nếu chính sách, pháp luật thống nhất về QLSC; nếu chính quyền các cấp quan tâm, có một chiến lược đầu tư, huy động và bố trí để  nguồn nhân lực, tài lực, vật lực dồi dào tương ứng với yêu cầu của cai nghiện và các chương trình sau cai.

Với các mô hình sau cai tập trung nên chăng ưu tiên cho những người đăng ký tự nguyện, giảm các hoạt động lao động sản xuất, cởi mở hơn trong quản lý, tăng các giải pháp về tư vấn, kết nối, các kỹ năng sống, phòng chống tái nghiện; xây dựng các hoạt động của cơ sở mang tính thân thiện.

Mô hình sau cai tập trung cần được xây dựng đa dạng, trong đó, nghiên cứu áp dụng mô hình chuyển tiếp kiểu "Nhà nửa đường" (halfway house)  như của nhiều nước nhưng có cải tiến để phù hợp với nước ta. Đến "Nhà nửa đường"  là những người trở về từ cơ sở cai nghiện bao gồm cả người không có nơi cư trú ổn định hoặc vô gia cư (có nước theo “trát” của Tòa ma túy), thường từ 6 tháng đến 12 tháng, được sống trong một môi trường trong sạch để bắt đầu quá trình hồi phục. Tại đây, cán bộ, điều phối viên có năng lực và kinh nghiệm về cai nghiện và tư vấn thực hiện các can thiệp trợ giúp người sau cai cho đến khi thật chắc chắn mới trở về nhà.

Về tổng thể nhiệm vụ giảm cầu ma túy, chỉ có thể làm giảm người sử dụng, người nghiện ma túy nếu thực hiện tốt ba chiến lược “thế chân kiềng” là: Dự phòng nghiện - Cai nghiện - Chương trình sau cai nghiện./.

Lê Hiền