Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để hỗ trợ người nghiện ma túy, người bán dâm hiệu quả Ngày đăng: 22/05/2017
Ngày 19⁄5⁄2017, Đoàn kiểm tra, giám sát của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Khóa 14 do đồng chí Đặng Thuần Phong- Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của quốc hội làm Trưởng đoàn đã làm việc với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH) về việc thực hiện pháp luật phòng, chống HIV⁄AIDS, ma túy, mại dâm giai đoạn 2011-2016. Tham gia đoàn kiểm tra, giám sát có đại diện Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Vụ Các vấn đề xã hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Y tế. Về phía Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội có đồng chí Nguyễn Trọng Đàm- Thứ trưởng, đại diện lãnh đạo Cục PCTNXH, Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ; đại diện các phòng thuộc Cục.

Báo cáo tại buổi kiểm tra, giám sát, đồng chí Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cho biết:

Về công tác phòng, chống mại dâm, hơn 10 năm qua, Chính phủ, Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm đã có những chỉ đạo mạnh mẽ trong công tác phòng, chống mại dâm, đặc biệt là trách nhiệm quản lý địa bàn của chính quyền địa phương, chỉ đạo xử lý nghiêm các địa bàn để xảy ra tình trạng mại dâm gây bức xúc trong cộng đồng. Công tác phối hợp liên ngành đã tạo nên sự đồng bộ, thống nhất trong triển khai các hoạt động. Hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng và hiệu quả. Hoạt động thí điểm mô hình, hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm tiếp cận với các dịch vụ xã hội tại cộng đồng bước đầu có hiệu quả.

Tuy nhiên, do Pháp lệnh phòng chống mại dâm đã ban hành hơn 10 năm nên đã bộc lộ những hạn chế nhất định: một số quy định trong Pháp lệnh không còn phù hợp với quan điểm mới về quyền công dân, quyền con người theo Hiến pháp năm 2013. Khái niệm về mại dâm (mua dâm, bán dâm) hiện nay không bao quát được hết các hành vi mua, bán dâm trong thực tế; vấn đề xử lý hành chính, hình sự đối với các hành vi liên quan đến mại dâm quy định trong Pháp lệnh không còn phù hợp với các văn bản luật mới ban hành (Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự, Luật Phòng, chống mua bán người)... Ngân sách đầu tư cho công tác phòng, chống mại dâm thấp; nhiều tỉnh, thành phố không bố trí hoặc bố trí rất ít kinh phí cho công tác này, trông chờ chủ yếu vào kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương.

Về công tác phòng, chống ma túy: hệ thống văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung năm 2008 đã được ban hành tạo hành lang pháp lý cho công tác cai nghiện ma túy, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trong thời gian qua.

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống ma túy vẫn còn một số những bất cập. Cụ thể là: Điều 103 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định trong thành phần hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải có giấy xác định tình trạng nghiện. Trên thực tế không xác định được nghiện do người nghiện không hợp tác để có được các triệu chứng như hướng dẫn. Nghị định 56/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định “người không có nơi cư trú ổn định là người không có nơi ở cố định mà thường xuyên đi lang thang, thực tế không xác định được thế nào là thường xuyên đi lang thang dẫn đến việc vận dụng khác nhau giữa các địa phương. Pháp luật quy định “hành vi vi phạm không thuộc xã, phường mà người vi phạm cư trú, cơ quan lập hồ sơ trong 15 ngày phải xác định nơi cư trú”, tuy nhiên, trong thời gian xác định nơi cư trú không có chế tài quản lý người vi phạm gây khó khăn cho cơ quan lập hồ sơ. Chưa có sự tương thích giữa Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định người chấp hành xong quyết định cai nghiện bắt buộc được trả về địa phương trong khi Luật Phòng, chống ma túy quy định người chấp hành xong quyết định phải áp dụng biện pháp quản lý sau cai từ 1 đến 2 năm. Luật Phòng, chống ma túy quy định cai nghiện bắt buộc cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi, trong khi, Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ áp dụng biện pháp này cho người từ 18 tuổi trở lên.

Về công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, Luật Phòng, chống ma túy quy định: “người nghiện phải tự khai báo và đăng ký cai nghiện tại gia đình, cộng đồng”, thực tế, gần 20 năm không có người nghiện nào tự khai báo và đăng ký với chính quyền để cai nghiện.

Quy định người nghiện đi cai nghiện tự nguyện phải có đơn và giấy tờ tùy thân gửi cơ sở cai nghiện và trong thời hạn 7 ngày, Giám đốc cơ sở cai nghiện quyết định cho cai nghiện. Đồng thời khi tiếp nhận người cai nghiện, cơ sở cai nghiện phải thông báo cho chính quyền địa phương nơi người cai nghiện cư trú, dẫn đến không khuyến khích được người nghiện đăng ký đi cai nghiện tự nguyện.

Sau khi nghe báo cáo tình hình thực hiện pháp luật phòng, chống mại dâm, ma túy và phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS giai đoạn 2011-2016, các thành viên đoàn kiểm tra, giám sát đã đưa ra những câu hỏi nhằm làm rõ hơn kết quả cũng như cơ chế phối hợp thực hiện công tác phòng, chống mại dâm, ma túy, và lây nhiễm HIV/AIDS của Bộ LĐTBXH. Các câu hỏi tập trung vào các nội dung: Số liệu về người bán dâm hiện nay có chính xác không? Việc không đưa người nghiện ma túy, người bán dâm vào Trung tâm có khó khăn gì? Lộ trình xây dựng chính sách về mại dâm cụ thể như thế nào, đã làm đến đâu? Theo báo cáo, hiện tại, công tác cai nghiện đang gặp những khó khăn do bất cập từ các văn bản pháp luật, Bộ đã có dự định sửa đổi chưa, nếu không thì tại sao? Công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng sắp tới sẽ như thế nào? Việc điều trị methadone tại các Trung tâm cai nghiện và trại giam có hợp lý không?.v.v…

Trả lời các câu hỏi của đoàn kiểm tra, giám sát, đồng chí Nguyễn Xuân Lập cho biết:

Đối với số liệu người bán dâm, từ khi thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị quyết 24 của Quốc hội, người có hành vi bán dâm bị lực lượng công an bắt chỉ bị phạt tiền rồi lại thả nên gây khó khăn cho công tác thống kê số liệu. Từ năm 2016, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã phối hợp với tổ chức ILO, CARE để rà soát số người có nguy cơ cao làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện và tiếp cận qua mạng lưới của người bán dâm để thống kê số liệu chính xác hơn.

Đồng chí Nguyễn Xuân Lập báo cáo tại buổi làm việc

Quan điểm và lộ trình xây dựng Luật phòng, chống mại dâm: Luật được xây dựng phải đảm bảo quyền công dân, quyền con người theo quy định của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 và Công ước về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết tham gia. Tiếp tục thể chế hoá nhằm loại bỏ mọi hình thức và hoạt động mại dâm bất hợp pháp ở Việt Nam như bóc lột tình dục, cưỡng bức phụ nữ và trẻ em gái; chính sách, giải pháp mang tính xã hội, nhằm giảm tác hại do hoạt động mại dâm gây ra đối với chính người mại dâm và xã hội và các giải pháp hỗ trợ về pháp lý và sinh kế nhằm góp phần vào sự ổn định, phát triển đất nước. Về tiến độ xây dựng Luật, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã thành lập Ban Nghiên cứu đánh giá chính sách và các mô hình phòng, chống mại dâm trong nước và quốc tế, đồng thời tiếp tục hoàn thiện hồ sơ theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và báo cáo Chính phủ, đưa vào chương trình xây dựng Luật năm 2019 của Quốc hội.

Về công tác cai nghiện, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành sửa đổi một loạt các Nghị định, về cơ bản đã đáp ứng được thực tế. Riêng về cai nghiện tại gia đình cộng đồng gặp rất nhiều khó khăn, về trình độ cán bộ, kinh phí và cơ sở vật chất không đáp ứng cho cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Thực tế có 26/63 tỉnh, thành phố thực hiện, có 9 tỉnh có báo cáo kết quả cụ thể. Sắp tới, việc cai nghiện tại cộng đồng cần phải hiểu là cai nghiện tại các điểm, trung tâm cộng đồng chứ không phải ở tất cả các xã, phường, thị trấn.

Việc điều trị thay thế bằng methadone tại các Trung tâm, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ LĐTBXH đã triển khai thực hiện, còn việc đánh giá thuộc ngành y tế. Tuy nhiên, theo các công ước quốc tế, không nên điều trị tại các cơ sở tập trung, vì điều trị methadone phải là tự nguyện.

Vấn đề sửa đổi những bất cập của một số văn bản, Bộ Lao động đang có kế hoạch làm việc với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, đưa ra những vấn đề còn bất cập trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật phòng, chống ma túy để cùng thống nhất sẽ xây dựng Nghị quyết của Quốc hội hoặc đẩy nhanh tiến độ sửa 2 Luật nói trên. Nghị định cai nghiện tự nguyện, Bộ LĐTBXH đã lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, đang tổng hợp ý kiến các Bộ, ngành và sẽ sớm trình Chính phủ.

Phát biểu tại buổi làm việc, thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm khẳng định, hệ thống văn bản pháp luật về mại dâm đã được ban hành tương đối đầy đủ. Từ khi thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính, Bộ đã tham mưu trình Chính phủ ban hành các chương trình hành động và tập trung vào công tác phòng ngừa và giảm hại. Đồng thời, Bộ cũng ban hành các thông tư nhằm đảm bảo quy định đầy đủ về công tác phòng, chống mại dâm.

Việc không đưa người bán dâm vào Trung tâm Chữa bệnh- Giáo dục- Lao động xã hội đã nhận được sự đánh giá cao của quốc tế, đồng thời đảm bảo thực hiện quyền công dân, quyền con người. Hiện nay, tình hình mại dâm vẫn diễn biến phức tạp là do xu thế của thời đại công nghệ thông tin và những tác động xã hội khác. Mại dâm đứng đường, mại dâm tại các tụ điểm công cộng giảm đi nhưng mại dâm gắn với công nghệ thông tin và yếu tố nước ngoài tăng lên. Mại dâm hoạt động trá hình trong các cơ sở dịch vụ nên việc nắm số liệu, thực hiện công tác giảm hại gặp khó khăn. Càng coi người bán dâm là đối tượng đấu tranh, xóa bỏ thì họ càng giấu mình và không lộ diện. Sắp tới, pháp luật về phòng, chống mại dâm sẽ hướng đến cách ứng xử phù hợp, hướng tới bảo vệ quyền công dân, quyền con người. Tăng cường cung cấp các dịch vụ và đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ về y tế, pháp lý. Đồng thời, xử lý nặng đối với những hành vi bạo lực, bóc lột, xâm hại người bán dâm.

Về lĩnh vực phòng, chống ma túy, đến nay, vẫn còn một số bất cập, có sự chồng chéo giữa các văn bản cũ và mới, cần tiếp tục rà soát và sửa đổi, bổ sung cho đồng bộ. Trong cách tiếp cận và quan điểm tiếp cận có sự khác nhau giữa các Bộ, ngành dẫn đến những khó khăn nhất định. Bộ Công an muốn đưa người nghiện vào Trung tâm cho sạch địa bàn. Ngành Y tế và Lao động tiếp cận người nghiện trên cơ sở người bệnh, cung cấp cho họ các dịch vụ và để họ tự nguyện lựa chọn. Trong khi đó, một số tỉnh, thành phố chưa quan tâm đến công tác này, không bố trí kinh phí và nguồn lực.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Đặng Thuần Phong đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của Bộ LĐTBXH trong việc thực hiện công tác phòng, chống ma túy, mại dâm. Báo cáo đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật về ma túy, mại dâm, HIV/AIDS sát thực tế và đã có những nhận định thẳng thắn về kết quả đạt được cũng như những khó khăn, bất cập trong việc thực hiện. Việc đưa ra phương hướng, giải pháp dựa trên cơ sở các nghiên cứu sâu, sát thực, có tính toán đến nguồn lực. Bộ cũng đã có những nỗ lực nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức; khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện làm việc, đặc biệt là việc thiếu bác sĩ trong các cơ sở cai nghiện. Đã chuyển đổi quan điểm tiếp cận, coi người nghiện là người bệnh, hướng đến công tác dự phòng và chuyển hướng cai nghiện bắt buộc là chủ yếu sang cai nghiện tự nguyện. Về mại dâm, đã chuyển hướng tiếp cận từ cách ly khỏi cộng đồng đến cung cấp dịch vụ y tế, pháp lý giúp họ hòa nhập cộng đồng.

Đồng chí Đặng Thuần Phong cũng đề nghị Bộ LĐTBXH trong thời gian tới cần quan tâm tập trung thực hiện một số nội dung sau: tổng hợp số liệu về người bán dâm và người sau cai nghiện, làm sao nắm được số liệu người cai nghiện thành công, số người tái nghiện; chú trọng tuyên truyền hướng đến nhóm đối tượng đích; nghiên cứu, chỉ đạo, hoàn thiện tổ chức bộ máy và các điều kiện cần thiết đảm bảo thực hiện Đề án 2596 về đổi mới công tác cai nghiện, thu hút cai nghiện tự nguyện và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm; đa dạng hóa, huy động và sử dụng nguồn lực, các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp xã hội và trung tâm cai nghiện tư nhân để huy động họ tham gia vào công tác này; cân nhắc sử dụng việc quản lý thông qua hệ thống đồng đẳng viên để nắm chắc số liệu về người nghiện ma túy, người bán dâm, trên cơ sở đó có cách tiếp cận và hỗ trợ hiệu quả./.

T.H