Hợp tác phòng, chống mua bán người giữa Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Việt Nam với cơ quan phòng, chống tội phạm quốc gia Anh Ngày đăng: 10/05/2017
Ngày 9⁄5⁄2017, tại Bộ LĐTBXH, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục PCTNXH, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em và đại diện các phòng nghiệp vụ của Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Cục Trẻ em đã có một buổi làm việc với ông Gary, Trưởng phòng phụ trách phòng, chống mua bán người và bà Katie Gunn, Trưởng Ban phòng, chống nô lệ hiện đại quốc tế và buôn bán người, thuộc Cơ quan phòng, chống tội phạm quốc gia Anh.

Tại buổi làm việc, hai bên cùng thảo luận về vấn đề hợp tác trong phòng, chống mua bán người.

Trao đổi với Đoàn, ông Nguyễn Xuân Lập cho biết, đã tổ chức triển khai thi hành Luật Trẻ em và Luật Phòng, chống mua bán người; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tiến hành khảo sát, thống kê số nạn nhân bị mua bán trở về, tổ chức điều tra hoàn cảnh từng nạn nhân để làm cơ sở cho việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hỗ trợ nạn nhân ổn định cuộc sống, đồng thời huy động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng, tránh kỳ thị, phân biệt đối xử; tăng cường các biện pháp hỗ trợ phòng ngừa theo chức năng nhiệm vụ của ngành thông qua các chương trình xóa đói, giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, từng ban, ngành, đoàn thể của tỉnh được giao nhiệm vụ cụ thể trong việc triển khai thực hiện. Chính quyền, đoàn thể địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo, dụ dỗ của loại tội phạm mua bán người, kiến thức di cư an toàn, việc làm an toàn cho người dân địa phương và người lao động từ các tỉnh, thành phố di cư đến địa bàn.

Với nạn nhân bị mua bán trở về, cơ quan Công an, Y tế, Tư pháp, Phụ nữ địa phương và các ngành liên quan có kế hoạch hỗ trợ kịp thời để họ được tiếp cận với các dịch vụ như pháp lý, y tế, giáo dục, xã hội, việc làm, hòa nhập cộng đồng.

Trong phối hợp với các Tổ chức Quốc tế tại Việt Nam (UN- ACT, IOM, UNICEF, AAT) tổ chức nhiều hội thảo tham vấn xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, xây dựng các mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại một số tỉnh, thành phố như Bắc Giang, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Thanh Hóa, Tây Ninh.

Thực tiễn triển khai cho thấy, công tác phòng, chống mua bán người, đang có những khó khăn, cụ thể, quy định khác nhau về độ tuổi trẻ em Việt Nam và quốc tế, người bị mua bán thuộc nhiều hoàn cảnh khác nhau như gia đình khó khăn về kinh tế, xung đột về tình cảm, nhu cầu về việc làm, nhu cầu về lợi nhuận kinh tế, sự thiếu hiểu biết của người bị mua bán và gia đình họ, Cán bộ thực hiện công tác còn yếu về kiến thức, kỹ năng giúp nạn nhân, họ cần được đào tạo nâng cao năng lực, công tác tuyên truyền phổ biến phòng, chống tội phạm và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán đã có tiến bộ song chưa đạt kết quả mong muốn./

Kim Dung