Tình nguyện viên Hà Nội tích cực tham gia công tác giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện, hòa nhập cộng đồng Ngày đăng: 19/01/2017
Theo báo cáo của Sở LĐTBXH thành phố Hà Nội, năm 2016, thành phố có 584 Đội công tác xã hội tình nguyện (Đội tình nguyện) với 4.469 tình nguyện viên tham gia công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và phòng, chống lây nhiễm HIV⁄AIDS tại các xã, phường, thị trấn. Hoạt động của Đội tình nguyện đã góp phần tích cực xây dựng phong trào “Toàn dân phòng, chống ma túy”, “Xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm” và nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực đẩy lùi tệ nạn xã hội ra khỏi đời sống cộng đồng. Phần lớn tình nguyện viên đều nhiệt tình, tâm huyết với công việc, sinh sống ổn định trên địa bàn, có uy tín với cộng đồng dân cư nên có nhiều thuận lợi trong việc tiếp cận, quản lý, giúp đỡ người nghiện.

Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2016 của Đội tình nguyện các quận, huyện, thị xã của Sở LĐTBXH, có 369 Đội tình nguyện hoạt động có hiệu quả xếp loại A, 163 Đội tình nguyện hoạt động ở mức trung bình xếp loại B và 08 Đội tình nguyện hoạt động yếu kém xếp loại C, các Đội còn lại đang đánh giá kết quả hoạt động.

Với nhiệm vụ, tiếp cận, tuyên truyền, tư vấn cho gia đình người nghiện và bản thân người nghiện về tác hại của ma túy, lợi ích của việc cai nghiện; vận động người nghiện đăng ký các hình thức cai nghiện. Các tình nguyện viên đã “Vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động, nắm bắt tâm tư và nguyện vọng của người nghiện.  

Năm qua, lực lượng tình nguyện viên trên địa bàn thành phố đã cấp phát trên 120.000 tờ rơi, tờ gấp về phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, tham gia viết 3.435 bài tuyên truyền trên loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn; đã vận động hàng chục vạn hộ gia đình ký cam kết xây dựng gia đình không có tệ nạn ma túy, tệ nạn xã hội; đã phối hợp với lực lượng Công an, Ban bảo vệ dân phố, dân phòng, dân quân tham gia công tác tuần tra rà soát địa bàn công cộng, khu vực giáp ranh phức tạp phòng ngừa phát sinh tụ điểm về tệ nạn ma túy, mại dâm. Thông qua điện thoại và hòm tư tố giác cung cấp từ quần chúng đã nhận được 2.930 tin, thư liên quan đến tệ nạn xã hội trong đó có nhiều tin thư quan quan trọng, kịp thời báo cáo cơ quan chức năng xử lý góp phần phòng ngừa tệ nạn xã hội tại địa bàn.

Trong hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và hòa nhập cộng đồng, lực lượng tình nguyện viên đã tiếp cận tư vấn trực tiếp cho nhiều lượt hộ gia đình có người trong diện có nguy cơ vi phạm tệ nạn xã hội, vận động được 20 người tham gia chấp hành quyết định cai nghiện bắt buộc, 651 người tham gia chương trình điều trị cai nghiện khác nhau, 1.800 người tham gia điều trị Methadone; đề xuất chính quyền địa phương hỗ trợ dạy nghề cho 99 người, tạo việc làm cho 164 người và cho vay vốn kinh doanh 77 người.

Trong số 1.205 người trong diện quản lý sau cai tại nơi cư trú, Ban chỉ đạo các xã, phường, thị trấn đã phân công cho tình nguyện viên và cán bộ các hội, đoàn thể, tổ chức xã hội trực tiếp quản lý, tư vấn, giúp đỡ. Thông qua tiếp cận, động viên, giúp đỡ người sau cai ma túy xóa bỏ mặc cảm, tự tin và tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống tái nghiện, hòa nhập cộng đồng.

Thực hiện nhiệm vụ với phương châm “Vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, tình nguyện viên tăng cường tiếp cận tư vấn trực tiếp cho các gia đình có người nghiện ma túy, người sau cai nghiện, người có nguy cơ dễ mắc nghiện mỗi tháng từ 1 đến 2 lần/người. Tình nguyện viên nắm số người chưa có việc làm, sự di biến động của người nghiện trên địa bàn phụ trách đặc biệt số thanh thiếu niên hư, gia đình có hoàn cảnh éo le, bố mẹ ly thân, ly hôn để thường xuyên tiếp cận tuyên truyền tác hại của tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS và trang bị các kỹ năng phòng tránh. Hàng tháng tổ chức nhận xét, đánh giá quá trình theo dõi quản lý, giúp đỡ số đối tượng sau cai theo quy định Nghị định số 94/2009/NĐ- CP.

Những hoạt động của tình nguyện viên Hà Nội trong công tác tư vấn, giúp đỡ người nghiện ma túy, tham gia quản lý địa bàn đã bước đầu hạn chế được sự gia tăng tệ nạn xã hội tại xã, phường, thị trấn. Nhiều người nghiện và gia đình họ được tư vấn, tuyên truyền về tác hại của ma túy đã tự đăng ký hình thức cai nghiện phù hợp, người sau cai từ trung tâm trở về được quản lý, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm để hòa nhập cộng đồng. Năm 2017, tình nguyện viên tiếp tục thực hiện kế hoạch của Sở LĐTBXH Hà Nội tăng cường công tác tư vấn, hỗ trợ giúp đỡ người nghiện cai nghiện, người sau cai vay vốn tạo việc làm, hòa nhập cộng đồng.

Kim Dung