Phong trào “Tình nguyện viên giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và hòa nhập cộng đồng” phát huy tích cực vai trò của tình nguyện viên trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội Ngày đăng: 10/07/2018
Ngày 08⁄6⁄2015, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định số 769⁄QĐ- LĐTBXH về Kế hoạch thực hiện phong trào “Tình nguyện viên giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và hòa nhập cộng đồng”. Tại các tỉnh, thành phố, Phong trào đã được hưởng ứng nhiệt tình, phát động rộng rãi tới các xã, phường, thị trấn. Đội tình nguyện đã vận động các tổ chức, đoàn thể, cá nhân tham gia vào phong trào và đạt được nhiều kết quả tích cực góp phần xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội.

Ban đầu, việc tiếp cận để vận động, tuyên truyền, tư vấn cho người nghiện ma túy cai nghiện, người sau cai nghiện gặp nhiều khó khăn do bản thân những người này mặc cảm với quá khứ, tự kỳ thị bản thân, họ e ngại, dè dặt, khép mình khi tiếp xúc với những người khác và thường né tránh. Để cho những người này thực sự cởi mở, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, đòi hỏi người tình nguyện viên phải phá bỏ được rào cản tự kỳ thị, mang lại cho người nghiện sự tin cậy, gần gũi, tin tưởng, từ đó mới có thể giúp đỡ, tư vấn, hỗ trợ họ về tinh thần, kết nối với các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, cá nhân học nghề, tìm việc hoặc các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, vay vốn xây dựng cuộc sống mới, hòa nhập cộng đồng. Với sự nhiệt tình, kiên trì, tình nguyện viên ở các Đội tình nguyện đã có được sự tin yêu của người yếu thế và đồng hành cùng họ trong hành trình đoạn tuyệt quá khứ sai lầm tìm đến cuộc sống mới. Đội tình nguyện các xã, phường, thị trấn ở Hà Nội đã vận động và tạo điều kiện giúp đỡ 2.353 lượt người cai nghiện tự nguyện trong cơ sở, 520 lượt người cai nghiện tại cộng đồng, 2.790 người tham gia điều trị thay thế bằng Methadone. Các tình nguyện viên tỉnh Bạc Liêu đã tiếp cận, tư vấn, truyền thông, vận động cho 1.433 lượt người nghiện ma túy và gia đình có người nghiện ma túy lựa chọn các hình thức cai nghiện phù hợp với điều kiện gia đình, 406 lượt người bán dâm, nạn nhân bị mua bán trở về được cung cấp các kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, dự phòng lây nhiễm HIV, giới thiệu, cung cấp các dịch vụ trợ giúp xã hội. Tại Kiên Giang, tình nguyện viên tiếp cận trên 500 người có nguy cơ cao là những người đi làm ăn xa, người thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường phức tạp về ma túy, người không có việc làm... để tuyên truyền hỗ trợ phòng ngừa sử dụng ma túy trái phép. Đặc biệt, tại Phú Thọ, 90% Đội tình nguyện đã thành lập Đội văn nghệ xung kích, có các bài hát, tiểu phẩm về phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS để tuyên truyền.

Một điều quan trọng đối với người sau cai là cần có công việc ổn định, có thể nuôi sống bản thân, không phụ thuộc vào người khác. Với lợi thế là những người sống trên cùng địa bàn, tình nguyện viên đã cung cấp thông tin về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tâm lý, pháp lý, kết nối với các tổ chức, cá nhân giới thiệu các chương trình dạy nghề, truyền nghề, vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế phù hợp với khả năng, điều kiện cụ thể của từng người. Nhiều Đội tình nguyện tại các tỉnh đã tích cực, chủ động kết nối với các doanh nghiệp, thành lập các nhóm, câu lạc bộ trong việc tạo việc làm cho những người cai nghiện thành công để họ ổn định cuộc sống.

Đội tình nguyện của các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Phú Thọ, Hòa Bình, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Kiên Giang, Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, Bến Tre, Vĩnh Long đã hỗ trợ, giúp đỡ hàng trăm người cai nghiện thành công có công ăn, việc làm ổn định, vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội và các chương trình khác với số vốn lên đến hàng tỷ đồng. Tiêu biểu là Hà Nội tạo việc làm cho 979 người, Đồng Nai giới thiệu việc làm cho 699 người, 322 người sau cai nghiện ma túy tại thành phố Hồ Chí Minh có việc làm. Ninh Bình giới thiệu việc làm cho 55 người sau cai, 22 người được dạy nghề, hỗ trợ 19 người chăn nuôi; Kiên Giang dạy nghề, tạo việc làm cho 30 người....

Không chỉ vậy, người sau cai nghiện còn được vận động, hỗ trợ tham gia các hoạt động xã hội. Ở các tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Bến Tre, Hậu Giang..., Đội tình nguyện đã tạo sân chơi cho họ bằng cách thành lập các câu lạc bộ, nhóm tự lực để những người được giúp đỡ cùng nhau có những buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao, động viên nhau về tinh thần, hỗ trợ về kinh tế. Tại Hải Phòng, những người cai nghiện tiến bộ được Đội tình nguyện mời tham gia chia sẻ về tác hại của ma túy trong các buổi tuyên truyền, đợt sinh hoạt hè cho đoàn viên thanh niên. Nhờ đó, giúp họ tự tin, xóa dần mặc cảm, sự tự kỳ thị của bản thân. Đồng thời, xây dựng cái nhìn tích cực, tin tưởng hơn của cộng đồng. Đã có những người cai nghiện thành công, có nhiều đóng góp tích cực trong các hoạt động cộng đồng được ghi nhận, trở thành tình nguyện viên đội tình nguyện, hoặc tham gia tổ bảo vệ dân phố, trở thành công an viên, được kết nạp Đảng...

Thông qua việc thực hiện Phong trào “Tình nguyện viên giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và hòa nhập cộng đồng” đã góp phần xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy, đảm bảo trật tự an toàn xã hội./.

HH