Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống ma túy, cai nghiện ma túy Ngày đăng: 24/12/2016
Ngày 23⁄12⁄2016, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống ma túy. Đến dự và chỉ đạo hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cùng dự có Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Vũ Đức Đam, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương; Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội; Ủy ban VHTTNNĐ của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Tòa án nhân dân tối cao, các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Tài chính, Y tế, Lao động- Thương binh và Xã hội, Công an, Giao thông vận tải, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Về phía địa phương có Thường trực thành ủy, tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tòa án nhân dân tỉnh, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra về ma túy, Giám đốc Trung tâm phòng, chống AIDS, Chi cục trưởng Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội.

Theo báo cáo của các ngành chức năng, tính đến hết năm 2016, cả nước có 210.751 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (tăng 11.613 người so với cùng kỳ năm 2015); trong đó trên 60% sử dụng ATS, một số địa phương tỷ lệ người sử dụng ATS cao như: Đồng Nai 87%, Đà Nẵng 85% và An Giang là 76%... người sử dụng ma túy tổng hợp có rối loại tâm thần và một số có hành vi vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.

Theo báo cáo của các địa phương đến tháng 12/2016 tất cả các địa phương đã hoàn thành việc sơ kết 3 năm thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện theo kế hoạch công tác năm 2016 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Qua sơ kết và báo cáo của các địa phương cho thấy những kết quả tích cực:

- Đến nay 100% các tỉnh, thành phố có Kế hoạch hoặc Đề án triển khai thực hiện đổi mới công tác cai nghiện của địa phương (năm 2014: 45 tỉnh; năm 2015 tăng 4 tỉnh; năm 2016 tăng thêm 14 tỉnh, thành phố riêng các tỉnh Nghệ An, Ninh Thuận, Hưng Yên, Hà Giang, Tuyên Quang không ban hành kế hoạch tổng thể mà ban hành từng kế hoạch riêng lẻ theo nhiệm vụ để thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh).

- Thực hiện Nghị quyết số 98/NQ - CP ngày 27/12/2014 của Chính phủ, các địa phương đã tiến hành sắp xếp giảm bớt số Trung tâm và chuyển đổi  Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (Trung tâm 06) thành các cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy. Tính đến tháng 12/2016, cả nước còn 110 cơ sở cai nghiện ma túy công lập (giảm 13 cơ sở so với năm 2015, chuyển đổi sang chức năng khác: cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần….).

Cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện: Theo báo cáo của các địa phương trong 3 năm 2014-2016, cả nước đã tổ chức cai nghiện cho 66.552 lượt học viên (Cơ sở công lập: 42.502 lượt học viên, cơ sở ngoài công lập: 11.240 lượt học viên, quản lý sau cai 12.810 lượt học viên), trong đó: Cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án trong 3 năm đã tiếp nhận cai cho 28.340 học viên, tăng dần qua các năm: Năm 2014: 6.373 học viên; năm 2015: 5.253 học viên; năm 2016:16.714 học viên; Cai nghiện tự nguyện cho 14.162 học viên: năm 2014: 3.105 học viên; năm 2015: 7.587 học viên; năm 2016: 3.470 học viên.

Điều trị thay thế bằng thuốc Methadone trong cơ sở cai nghiện ma túy: Năm 2014 điều trị cho 1.039 học viên; năm 2015 điều trị cho 1.434 học viên; năm 2016 điều trị cho 2.434 học viên. Tại thời điểm cuối năm 2016, các cơ sở công lập đang điều trị, cai nghiện cho 22.618 người, chiếm 10,7% tổng số người nghiện có hồ sơ quản lý.

Cai nghiện tại Cơ sở ngoài công lập: Cả nước hiện có 22 cơ sở cai nghiện ma túy trong 3 năm (2014 – 2016) đã tổ chức cai nghiện cho 11.240 lượt học viên (năm 2014: 1.320 lượt học viên; năm 2015: 4.620 lượt học viên; năm 2016: 5.300 lượt học viên. Các cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập chủ yếu chỉ thực hiện giai đoạn cắt cơn, giải độc, thời gian cai nghiện chủ yếu từ 20 đến 30 ngày. Các chế độ, chính sách ưu đãi đối với cơ sở cai nghiện dân lập như: giảm thuế, ưu đãi thuê đất, kinh phí cho người đi cai nghiện tự nguyện, chế độ đào tạo đội ngũ cán bộ… đều chưa được hỗ trợ, các địa phương còn chưa tạo điều kiện để thành lập cơ sở tư nhân.

Cai nghiện tại gia đình và cộng đồng: Tính đến năm 2016, có 26 tỉnh, thành phố thực hiện cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng. Trong 3 năm đã tổ chức cai nghiện cho 12.793 người (năm 2014: 4.714 người; năm 2015: 4.513 người; năm 2016: 3.566 người). Nhìn chung công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng gặp nhiều khó khăn, số người được cai nghiện giảm dần, nguyên nhân cơ bản do: người nghiện và gia đình có người nghiện ma túy chưa tự khai báo, không hợp tác để tổ chức cai; cán bộ chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa chuyên nghiệp, chưa được đào tạo bài bản; nhiều tỉnh, thành phố chưa quyết liệt triển khai và không có kinh phí để thực hiện.

Điều trị thay thế bằng Methadone: Theo báo cáo của Bộ Y tế đến tháng 11/2016, có 62/63 tỉnh, thành phố (còn Phú Yên chưa triển khai) triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone với 265 cơ sở, điều trị cho 49.964 người (trong đó: năm 2014: 25.000 người, năm 2015: 40.749 người và đến năm 2016: 49.964 người). Hiện nay, việc điều trị thay thế bằng thuốc methadone gắn với trạm y tế cấp xã (điểm cấp phát thuốc chưa được thực hiện) nên mở rộng điều trị Methadone theo kế hoạch của Thủtướng Chính phủ sẽ khó đạt mục tiêu đề ra. Việc kiểm tra, đánh giá chương trình điều trị bằng thuốc methadone chưa được thực hiện nên các tiêu chí về: tuân thủ điều trị, sử dụng kép với ma túy khác, tình trạng bỏ liều, công tác hỗ trợ xã hội…chưa được phản ánh chính xác, khách quan trong các báo cáo.

Cơ sở xã hội (tiếp nhận người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định)

Đến tháng 12 năm 2016, có 27 tỉnh, thành phố đã tiếp nhận 18.512 người, trong đó: 5.191 người xác định được nơi cư trú ổn định và được đưa về địa phương; 316 người không xác định được tình trạng nghiện cũng đã được trả về cộng đồng; 10.422 người được Tòa án xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; 2.583 người đang quản lý tại cơ sở xã hội.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều loại ma túy mới, khó kiểm soát, một số cấp ủy địa phương chưa quan tâm đúng mức, nhiều địa phương triển khai đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy còn chậm; có 14 tỉnh, thành phố đến năm 2016 mới phê duyệt Đề án; nhiều địa phương chưa quyết liệt trong tổ chức triển khai thực hiện, chưa quán triệt đầy đủ tinh thần đổi mới trong cai nghiện ma túy, vẫn làm theo thương thức cũ, một số địa phương lãnh đạo chưa thật sự quan tâm đối với công tác cai nghiện ma túy.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh thành phố thực hiện một số nội dung sau:

- Cần xác định phòng, chống và cai nghiện ma túy là nhiệm vụ cấp bách đồng thời là nhiệm vụ lâu dài của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng, toàn xã hội đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.

- Công tác tuyên tuyền phải được các Bộ, ngành, đoàn thể đẩy mạnh, làm sao để toàn xã hội hiểu biết về nguyên nhân, tác hại,hậu quả của tệ nạn ma túy và có các biện pháp phòng ngừa cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

- Tập trung nỗ lực phòng chống ma túy, cai nghiện ma túy. Quan điểm hướng về cộng đồng, coi người nghiện là người bệnh cần được chữa trị. Cần nhanh chóng nghiên cứu xây dựng tòa án ma túy ở Việt Nam.

- Về nguồn lực, từng địa phương cần bố trí nguồn kinh phí cho mục tiêu phòng, chống và cai nghiện ma túy, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

- Cần bám sát nội dung Chỉ thị 21 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 98 của Chính phủ để tổ chức thực hiện. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện công tác giảm cung, giảm cầu, giảm hại.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh,thành phố phải chủ động chuyển đổi Trung tâm CBGDLĐXH thành cơ sở điều trị nghiện trước quý I/2017.

- Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan tăng cường tấn công tội phạm ma túy, nghiên cứu phương thức đấu tranh hiệu quả.

- Bộ Y tế nghiên cứu phương pháp điều trị, kiểm soát hành vi loạn thần, hoang tưởng khi sử dụng ma túy tổng hợp. Phối hợp với Bộ Công an tiếp tục điều trị Methadone tại trại giam, cộng đồng.

- Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tiếp tục ứng dụng các bài thuốc như Cedemex, Bông sen đã được cấp phép vào cai nghiện ma túy. Lực lượng chức năng cần rà soát đối tượng nghiện ma túy đá để có biện pháp phòng ngừa đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

- Đề nghị Quốc hội, các cơ quan Quốc hội cần tăng cường giám sát về công tác phòng chống ma túy, cai nghiện ma túy, đề xuất sửa luật liên quan, tháo gỡ khó khăn cho công tác phòng chống và cai nghiệnma túy.

- Các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương cần tăng cường truyền thông về phòng chống ma túy, công tác điều trị, cai nghiện ma túy bằng nhiều hình thức, phương tiện để người dân, đặc biệt là lớp trẻ hiểu để phòng ngừa hiệu quả.Đẩy mạnh công tác tuyên truyền,phổ biến pháp luật về  đổi mới công tác cai nghiện góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, gia đình, cộng đồng để có nhận thức mới về người nghiện, công tác cai nghiện và không kì thị, phân biệt đối xử với người nghiện, chung tay hỗ trợ giúp đỡ người nghiện cai nghiện, hòa nhập cộng đồng.

PV