Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 Ngày đăng: 29/08/2016
Ngày 18⁄8⁄2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1640⁄QĐ- TTg về việc phê duyệt mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với quan điểm giảm số lượng, quy mô cơ sở cai nghiện bắt buộc, tăng số lượng, quy mô cơ sở cai nghiện tự nguyện, phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của đất nước; đảm bảo người nghiện ma túy khi có quyết định của Tòa án áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đều có cơ sở cai nghiện để thi hành quyết định; các cơ sở cai nghiện tự nguyện phải gắn kết với cộng đồng. Đa dạng các loại hình cơ sở cai nghiện để người nghiện ma túy tiếp cận với các dịch vụ cai nghiện ma túy theo nhu cầu. Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tổ chức đào tạo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo điều kiện, tiêu chuẩn về cai nghiện ma túy. Khuyến khích phát triển mạng lưới cơ sở cai nghiện tự nguyện theo hướng xã hội hóa nhằm huy động các tập thể, cá nhân đóng góp cho công tác cai nghiện ma túy; nghiên cứu, thí điểm đặt hàng áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở cai nghiện dân lập, cơ sở cai nghiện tự nguyện đủ điều kiện, tiêu chuẩn về cai nghiện ma túy bắt buộc.

Mục tiêu đến năm 2020, giảm số lượng cơ sở cai nghiện có chức năng cai nghiện bắt buộc trong quy hoạch xuống còn 71 cơ sở, giảm quy mô, khả năng cung cấp dịch vụ cai nghiện bắt buộc còn 20.000 người; 52 cơ sở cai nghiện không nằm trong diện quy hoạch có chức năng cai nghiện bắt buộc thực hiện chuyển đổi thành cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện; phấn đấu thành lập tối thiểu 30 cơ sở cai nghiện tự nguyện dân lập; tăng số lượng, quy mô, khả năng tiếp nhận, cung cấp dịch vụ của các cơ sở cai nghiện đáp ứng nhu cầu cai nghiện của 80% số người nghiện có hồ sơ quản lý (tương đương khoảng 200.000 người); 90% cơ sở cai nghiện đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện về cai nghiện theo quy định của pháp luật; nâng cấp 140 cơ sở điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế thành cơ sở cai nghiện tự nguyện; 100% cán bộ công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ sở cai nghiện được đào tạo nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ cai nghiện ma túy theo quy định của pháp luật;

Định hướng đến năm 2030: tiếp tục phấn đấu giảm 50% về quy mô cơ sở cai nghiện có chức năng cai nghiện bắt buộc so với năm 2020; 100% cơ sở cai nghiện đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện về cai nghiện ma túy theo quy định của pháp luật; 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ sở cai nghiện được đào tạo nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ cai nghiện ma túy theo quy định của pháp luật; đặt hàng tổ chức cai nghiện bắt buộc đối với các cơ sở cai nghiện dân lập, cơ sở cai nghiện tự nguyện đủ điều kiện, tiêu chuẩn về cai nghiện bắt buộc.

Để thực hiện những mục tiêu trên các giải pháp cần thực hiện là:

Về cơ chế, chính sách: Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp về cai nghiện bắt buộc phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cai nghiện trong tình hình mới theo hướng: khuyến khích cai nghiện ma túy tự nguyện; áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người sử dụng ma túy có hành vi nguy hiểm cho xã hội; quy định về điều kiện, tiêu chuẩn cán bộ làm việc tại các cơ sở cai nghiện ma túy, về chương trình, giáo trình đào tạo chuyên môn, đào tạo liên tục đối với đội ngũ làm công tác cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy; Quy định về tiêu chuẩn, định mức- kỹ thuật tối thiểu của các cơ sở cai nghiện ma túy thống nhất trong toàn quốc; quy định quản lý, điều hành và tổ chức hoạt động của cơ sở cai nghiện ma túy có chức năng cai nghiện bắt buộc.

Về đầu tư, huy động vốn: Đẩy mạnh xã hội hóa vào cơ sở cai nghiện ma túy, đặc biệt ưu tiên các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện; nhà nước ưu tiên bố trí vốn để đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống cơ sở cai nghiện bắt buộc, những cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện được chuyển đổi từ cơ sở cai nghiện bắt buộc sang cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện ở những tỉnh trọng điểm về ma túy; chưa cân đối ngân sách để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng cai nghiện ma túy; Thu hút các nguồn viện trợ của các tổ chức, cá nhân, Chính phủ nước ngoài thông qua hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, cung cấp các dịch vụ, kỹ thuật điều trị, cai nghiện tiên tiến trên thế giới nhằm nâng cao chất lượng cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy; nhà nước bố trí quỹ đất để thực hiện quy hoạch cơ sở cai nghiện có chức năng cai nghiện bắt buộc theo các tiêu chuẩn, điều kiện đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Về phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động: Xác định vị trí việc làm của cán bộ công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ ở cai nghiện ma túy theo hướng tăng cường người làm việc trực tiếp; giảm số lượng người lãnh đạo, quản lý, phù hợp với mặt bằng chung các nước trong khu vực; đổi mới chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm công tác y tế, tư vấn, giáo dục, dạy nghề cho người nghiện ma úy, bảo đảm phù hợp với đặt điểm tâm lý, sinh lý và khả năng nhận thức của người nghiện ma túy; kinh phí đào tạo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở cai nghiện ma túy theo quy định của pháp luật.

Về kiểm tra bảo đảm yêu cầu chất lượng cai nghiện: xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình kiểm tra chất lượng cán bộ; hoàn thiện hệ thống tiêu chí; tiêu chuẩn kiểm định chất lượng điều trị, cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy; định ký kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy theo các tiêu chí đã ban hành.

Về hợp tác quốc tế: tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, các tổ chức thuộc Chính phủ, Phi chính phủ, các nước nhằm tranh thủ sự hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật và tài chính cho công tác điều trị, cai nghiện ma túy.

T. T