CẦN HÀNH ĐỘNG QUYẾT LIỆT HƠN, MẠNH MẼ HƠN ĐỂ BẢO VỆ THẾ HỆ TRẺ KHỎI HIỂM HỌA MA TÚY Ngày đăng: 21/06/2016
Phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm tại cuộc Mít tinh hưởng ứng Tháng hành động phòng chống ma túy, Ngày quốc tế phòng chống ma túy 26⁄6 do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định phối hợp tổ chức ngày 17⁄6 đã nhấn mạnh muốn bảo vệ thế hệ trẻ khỏi hiểm họa ma túy các cấp, các ngành cần hành động quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống ma túy.

Nghị quyết mới tại Kỳ họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tháng 4 năm 2016 đã  định hướng các giải pháp mới trong công tác phòng, chống ma túy đó là: đảm bảo sự cân bằng và toàn diện trong cách tiếp cận ma túy, trong đó, đặt con người là trọng tâm, đề cao vấn đề sức khỏe cá nhân và cộng đồng, trật tự an toàn xã hội liên quan đến lạm dụng các chất gây nghiện và hướng thần, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên.

Theo báo cáo của Bộ Công an, đến cuối năm 2015, cả nước có hơn 200.000 người nghiện ma túy, ở mọi thành phần xã hội và lứa tuổi, song chủ yếu ở lớp trẻ: 76% trong số người nghiện ma túy có độ tuổi dưới 35; 60% số người sử dụng ma túy lần đầu ở độ tuổi dưới 25, trong đó 8% sử dụng ma túy lần đầu ở độ tuổi dưới 18. Ngoài nghiện thuốc phiện, heroin, thì nghiện ma túy tổng hợp dạng Amphetamine, đặc biệt là Methamphetamine (ma túy đá), Cocaine, Cần sa, “cỏ Mỹ” và các chất hướng thần khác đã và đang xuất hiện ngày càng tăng, (nhiều nơi chiếm  hơn 50% số người điều trị tại các Cơ sở cai nghiện).

Công tác điều trị, cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy là một công việc khó khăn và phức tạp, lâu dài, đòi hỏi thực hiện nhiều giải pháp y tế, tâm lý, xã hội. Để nâng cao hiệu quả công tác điều trị, cai nghiện ma túy Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020, đến nay, đã có hơn 50/63 tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện đề án. Hàng chục Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội đã chuyển đổi thành Cơ sở cai nghiện tự nguyện. Số người cai nghiện tự nguyện cuối năm 2015 đã chiếm gần 60% tổng số người được cai, tăng gấp đôi so với mức trung bình của nhiều năm trước. Gần 50.000 người được điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Các tỉnh, Thành phố như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Sơn La, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hải Dương, Nam Định, Lâm Đồng....là những địa phương đi đầu trong việc xây dựng các mô hình cai nghiện mới thân thiện.

Mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm chỉ đạo, các ngành, các cấp triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ để thực hiện giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại nhằm đẩy lùi tệ nạn ma túy. Tuy nhiên, tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ ngày càng khó kiểm soát ảnh hưởng nghiệm trọng đến trật tự, an toàn xã hội.

Để đấu tranh phòng, chống ma túy có hiệu quả và bảo vệ thế hệ trẻ khỏi hiểm họa ma túy, chúng ta cần hành động quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn với nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện, cụ thể như sau:

1. Cần tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng đặc biệt là lớp trẻ về tác hại của ma túy; cần phải tìm ra phương thức tuyên truyền phù hợp, hiệu quả nhằm đến đối tượng là học sinh, sinh viên ở trong trường học, doanh nghiệp, ở cộng đồng, nhất là nhóm thanh niên chưa có việc làm hoặc lao động tự do, nhóm có nguy cơ cao. Tổ chức nhiều mô hình sinh hoạt nhóm, CLB, lồng ghép nội dung hoạt động phòng, chống ma túy với các chuyên đề thường xuyên khác trong các nhà trường, tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh ở địa phương, cơ sở, phát động phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, trường học, xã, phường không có ma túy.

2. Nâng cao năng lực tự phòng tránh cho đoàn viên thanh niên để thanh thiếu niên có kỹ năng và lối sống lành mạnh không bị bạn bè xấu lôi kẻo, rủ rê vào lối sống buông thả, đua đòi, kiên quyết nói không với ma túy.

3. Tuyên truyền nâng cao nhận thức các kỹ năng giáo dục, quản lý con cái của các bậc phụ huynh để ngăn ngừa con các không sa vào tệ nạn ma túy, có kỹ năng phát hiện những biểu hiện khác thường trong cuộc sống của con cái để có biện pháp ngăn chặn phòng ngừa tệ nạn ma túy.

4. Các cấp xã, phường, thị trấn cần tăng cường quản lý địa bàn, quản lý hộ tịch hộ khẩu , tạm trú tạm vắng, lực lượng công an xã là nòng cốt, huy động sự phố hợp tham gia của các tổ chức Chính trị xã hội và của người dân trong việc giúp đỡ người nghiện cai nghiện, tìm việc làm hòa nhập cộng đồng, tổ chức  Đội công tác xã hội tình nguyện, các tổ tư vấn cai nghiện, tổ chức tốt việc cai nghiện tại cộng đồng cho người nghiện tại địa phường.

5. Các tỉnh , thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện, tăng cường công  tác cai nghiện tại cộng đồng, tổ chức các điểm tư vấn, điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone và các phương pháp khác. Khẩn trương chuyển đổi Trung tâm cai nghiện bắt buộc thành các cơ sở hỗ trợ điều trị nghiện tự nguyện, cơ sở hỗ trợ điều trị nghiện tổng hợp , đa chức năng. Phát triển trung tâm công tác xã hội để cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tư vấn cho người nghiện và các nhóm yếu thế khác.

6. Triển khai thực hiện các chương trình và chính sách an sinh xã hội, nhất là chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, các chính sách về dạy nghề tạo việc làm, xuất khẩu lao động để thanh niên có cơ hội tự tạo việc làm, tự lập xây dựng cuộc sống mới tránh xa ma túy./.

                                                                                                     CNP