Mua bán người trong nước và nạn nhân là nam giới tăng cao Ngày đăng: 08/05/2023
Theo báo cáo của Bộ Công an, trong kỳ báo cáo (2018-2022), cả nước đã phát hiện 440 vụ với 876 đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người, với 1.240 nạn nhân bị mua bán và nghi bị mua bán. Trong các vụ án liên quan mua bán người có 744 nạn nhân là nữ, 275 nạn nhân nam, 841 nạn nhân trên 16 tuổi và 178 nạn nhân dưới 16 tuổi. Về mục đích phạm tội, 19 vụ liên quan bóc lột tình dục, 132 vụ cưỡng bức lao động, 04 vụ lấy bộ phận cơ thể nạn nhân, 239 vụ vì mục đích vô nhân đạo khác.

 

Mua bán trẻ sơ sinh "núp bóng" các tổ chức mang danh thiện nguyện tự phát

Tại phiên giải trình việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức sáng 08/5/2023, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhấn mạnh, thời gian gần đây, tình hình tội phạm mua bán người đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp; thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, đối tượng nạn nhân cũng mở rộng, không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà cả nam giới, trẻ sơ sinh, bào thai, nội tạng... Đáng lưu ý, các cơ quan chức năng phát hiện ngày càng nhiều vụ mua bán người trong nước để ép nạn nhân làm mại dâm hoặc cưỡng bức lao động gây bất an, lo lắng trong nhân dân.

Từ thực tế đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, cần phải đánh giá chính xác về thực trạng, làm rõ trách nhiệm các cơ quan, tổ chức có liên quan và có giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới.

Phó Chủ nhiệm UBTP Mai Thị Phương Hoa

Báo cáo tại phiên họp, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cho biết, tình hình mua bán người ở trong nước, đối tượng là nam giới có xu hướng tăng lên. Bên cạnh đó, xuất hiện tình trạng mua bán thai nhi, có dấu hiệu để cưỡng bức lao động trên tàu cá là nam giới.

Ở một số nơi nổi lên tình trạng mua bán trẻ sơ sinh núp bóng tinh vi các tổ chức mang danh thiện nguyện tự phát. Ngoài ra, Việt Nam không những là nơi xuất phát tội phạm nguồn mà còn là địa bàn trung chuyển mua bán người từ một số nước trong khu vực đi nước thứ ba.

Cũng theo Phó chủ nhiệm Mai Thị Phương Hoa, thời gian qua tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm mua bán người diễn ra phức tạp, ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng với tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, mang tính vô nhân đạo... Ngày càng xuất hiện nhiều đường dây phạm tội mua bán người với các thủ đoạn "việc nhẹ, lương cao", tổ chức cho nạn nhân vượt biên để ép buộc làm việc bất hợp pháp trên nước bạn, muốn về nước phải trả một khoản tiền chuộc lớn. Hoặc lợi dụng thủ tục đơn giản trong việc kết hôn với người nước ngoài, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, du lịch, thăm thân... để tổ chức cho nạn nhân ra nước ngoài, sau đó thu giữ giấy tờ, bán sang tay nhiều chủ để cưỡng bức lao động, cưỡng bức mại dâm...

Ngoài ra , tội phạm còn lợi dụng quy định về hiến ghép tạng, các đối tượng tìm gặp các nạn nhân khó khăn về kinh tế có nhu cầu bán nội tạng, thương lượng mua với giá rẻ, làm giả giấy tờ, sau đó bán cho người bệnh với giá cao.

Về nguyên nhân, bên cạnh các nguyên nhân khách quan thì còn có một số nguyên nhân chủ quan như công tác quản lý nhà nước, xã hội trên một số lĩnh vực còn sơ hở; một số bộ, ngành, địa phương còn xem nhẹ việc phòng, chống mua bán người cũng như việc hỗ trợ nạn nhân trở về...

Trong kỳ báo cáo, các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành giải cứu và phối hợp giải cứu cho 352 nạn nhân; tiếp nhận, xác minh nạn nhân từ nước ngoài trở về 545 nạn nhân; có 288 người được cấp giấy xác nhận nạn nhân; 86 nạn nhân được lực lượng Công an chuyển giao cho địa phương. 

Tuy nhiên, theo bà Hoa, số vụ phạm tội mua bán người được phát hiện, điều tra, xử lý còn ít so với tình hình thực tế. Thậm chí, số lượng các vụ án bị khởi tố về các tội mua bán người ít hơn so với giai đoạn trước. Giai đoạn từ năm 2012 - 2020, trung bình khởi tố 162 vụ/1 năm; giai đoạn từ năm 2018 - 2022, trung bình khởi tố 77,2 vụ/1 năm.

Các vụ án mua bán người được phát hiện chủ yếu qua đơn thư tố giác của người bị hại hoặc gia đình nạn nhân. Chất lượng điều tra còn có mặt hạn chế, còn 56 bị can phạm tội mua bán người bỏ trốn phải truy nã.

"Có những vụ án xảy ra trong thời gian dài, phạm tội có tổ chức, nhiều đối tượng cấu kết cùng thực hiện tội phạm với nhiều nạn nhân bị mua bán, trong đó có nhiều người dưới 16 tuổi nhưng không được kịp thời phát hiện", bà Hoa nêu.

Thời gian tới, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề xuất nhiều giải pháp, trong đó có việc đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)... Cùng với đó, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, các tỉnh biên giới.

Vẫn tiềm ẩn nguy cơ

Tại phiên giải trình, ông Dương Khắc Mai, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Đắk Nông nêu ý kiến, qua khảo sát ở một số tỉnh cho thấy, hiện nay chúng  ta mới chỉ chú trọng phòng, chống mua bán người qua biên giới nhưng lại chưa thực sự chú trọng mua bán người trong nước.

Ông cũng cho rằng, pháp luật của chúng ta còn khá dễ dãi với việc kết hôn có yếu tố nước ngoài cũng như nuôi con nuôi; kiểm soát vấn đề này chưa chặt chẽ. Vì vậy, rất mong Bộ Tư pháp với trách nhiệm của mình sẽ có kiến nghị đề xuất sửa luật, có quy định chặt chẽ hơn.

Liên quan tới thủ đoạn của tội phạm mua bán người, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc thông tin, có 55 vụ lợi dụng môi giới hôn nhân, 57 vụ lợi dụng môi giới người đi lao động nước ngoài và 282 vụ cới thủ đoạn khác.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Tấn Dũng

Trước câu hỏi có hay không nguy cơ tiềm ẩn mua bán người qua hoạt động đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng, ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH khẳng định là có.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH thông tin thêm, trong thời  gian qua, Bộ đã chủ động nghiên cứu, trình ban hành, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về lao động đi làm việc ở nước ngoài, cũng như các chỉ đạo, điều hành cụ thể; hệ thống pháp luật về lao động thể hiện rõ về quan hệ lao động, quy định liên quan người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng cũng rất cụ thể, hàng loạt văn bản hướng dẫn chi tiết được ban hành nhằm bảo vệ quyền lợi cho lao động.

Bộ cũng đang chỉ đạo rà soát và sắp tới doanh nghiệp nào không đủ tiêu chí, điều kiện thì cương quyết rút giấy phép, “không thể để thiếu tiêu chí này, tiêu chí nọ hay có nhiều vi phạm”. Cùng với đó tăng cường tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, xử ý kịp thời.

Giải đáp băn khoăn về tiềm ẩn nguy cơ từ kết hôn với người nước ngoài, nuôi con nuôi, nhất là báo cáo nghiên cứu đánh giá rằng thủ tục còn đơn giản, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi nhấn mạnh, hồ sơ thực hiện là rất chặt chẽ, rõ thẩm quyền, sơ hở nếu có là ở khâu tổ chức thực hiện và phối hợp phòng, chống, trong đó cái khó là hợp tác xuyên quốc gia.

Đề cập giải pháp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, phải tập trung tuyên truyền để nâng cao kiến thức pháp luật về hôn nhân với người nước ngoài; xúc tiến tương trợ tư pháp, bảo hộ công dân. Đồng thời, hoàn thiện pháp luật về nuôi con nuôi cũng là vấn đề cần chú trọng. Đặc biệt, phải có sự phối hợp theo dõi kiểm tra tình hình sau khi thực hiện cho nhận con nuôi để phát hiện; phòng, chống hành vi mua bán trẻ em./.

NC (t/h)