Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm và làm việc với tỉnh Tây Ninh Ngày đăng: 23/02/2020
Sáng ngày 21⁄02⁄2020, Đoàn công tác của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội do đồng chí Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm làm trưởng đoàn cùng đại diện lãnh đạo Vụ Khoa giáo văn xã (Văn phòng Chính phủ), lãnh đạo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTBXH), Cục Người có công, Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Vụ Kế hoạch- Tài chính,...đến thăm và làm việc tại tỉnh Tây Ninh. Tiếp và làm việc với Đoàn có Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh; Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành đơn vị hữu quan…

Trong chuyến công tác, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đến thăm, tìm hiểu, nắm tình hình và lắng nghe những tâm tư của học viên cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Tây Ninh; thăm và tặng quà các gia đình chính sách có công với cách mạng; làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh về tình hình thực hiện công tác Lao động, Người có công và Xã hội của địa phương.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh đã báo cáo kết quả thực hiện công tác Lao động, Người có công và Xã hội của địa phương. Theo đó, hiện tỉnh Tây Ninh có trên 43.000 người được công nhận và giải quyết chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Trong đó, có gần 10.000 đối tượng hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên với số tiền trên 16 tỷ đồng/tháng. Trong những năm qua,  UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa; đảm bảo các chế độ chính sách cho đối tượng người có công theo quy định của Nhà nước.

Toàn cảnh buổi làm việc

Ngoài ra, tỉnh vận động từ nguồn xã hội hóa trên 36,2 tỷ đồng (từ năm 2017 đến 2019) chăm lo hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà tình nghĩa cho 1.058 hộ và trợ cấp cho đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo khó khăn trong cuộc sống. Đến nay, cơ bản đã hoàn thành xong việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng. Hiện nay, tỉnh không còn đối tượng người có công thuộc hộ nghèo theo chuẩn Trung ương; duy trì 95/95 xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ; sửa chữa, tu bổ các nghĩa trang và công trình ghi công liệt sĩ…

Ông Nguyễn Thanh Ngọc- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh phát biểu tại buổi làm việc

Bà Võ Thanh Thủy - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện địa bàn tỉnh còn 435 hồ sơ cần đề nghị giải quyết chế độ chính sách, trong đó, ngành LĐ-TB&XH còn 334 trường hợp, ngành quân đội còn 73 trường hợp, ngành công an còn 5 trường hợp, ngành nội vụ còn 20 trường hợp. Thời gian qua, Sở đã cùng các cơ quan chức năng tích cực xem xét giải quyết vấn đề trên theo đúng quy định. Kết quả cho thấy: 367/435 trường hợp không có cơ sở giải quyết nên đã hoàn trả hồ sơ, 65/435 trường hợp có thể xem xét giải quyết, trong đó, có 4 trường hợp liệt sĩ, 42 trường hợp thương binh, theo Quyết định số 290 có 14 trường hợp và Quyết định 57 có 5 trường hợp. Tuy nhiên, việc giải quyết 65 trường hợp vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình rà soát hồ sơ, lý lịch. Sở kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH cùng các cơ quan chức năng cho ý kiến chỉ đạo để thực hiện giải quyết dứt điểm.

Bà Võ Thanh Thủy- Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh báo cáo công tác với Bộ trưởng và Đoàn công tác

Về công tác giảm nghèo, trong những năm qua, bên cạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, giải pháp, thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách, dự án giảm nghèo cho hộ nghèo, người nghèo. Đến cuối năm 2019, tổng số hộ nghèo và cận nghèo của tỉnh là 5.269 hộ/13.384 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 1,69%, phấn đấu đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%.

Cùng với đó, Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn 1,01% tổng số trẻ em (2.477 em/244.996 em).

Về công tác lao động việc làm và Giáo dục nghề nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến 31/12/2019, toàn tỉnh có 5.730 doanh nghiệp được cấp giấy đăng ký kinh doanh, trong đó 32 doanh nghiệp có vốn nhà nước, 249 doanh nghiệp FDI và hơn 5.400 doanh nghiệp dân doanh. Tổng số lao động làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh là 259.085 người. Trong công tác giải quyết việc làm, bằng nhiều biện pháp tỉnh đã huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư, khuyến khích thành lập doanh nghiệp tạo nhiều việc làm mới, kết quả chỉ tiêu việc làm tăng thêm vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Trong giai đoạn 5 năm 2016-2020 ước thực hiện tạo việc làm tăng thêm cho 95.075 lao động, vượt 11,85% so chỉ tiêu nhiệm kỳ (85.000 lao động). Tuyển sinh đào tạo nghề đạt được 35.390 học viên. Số học sinh, sinh viên tốt nghiệp 27.669 học viên.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác lao động, người có công và xã hội trên địa bàn tỉnh Tây Ninh vẫn còn nhiều khó khăn: Số người nghiện ma túy tăng cao, đến cuối năm 2019 là 4.741 người; lưu lượng học viên cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy bình quân 500 – 600 học viên, công tác quản lý, điều trị người nghiện ma túy tại cộng đồng chưa hiệu quả; Việc triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo ở các địa phương chưa đồng bộ. Chất lượng nguồn lao động của tỉnh còn thấp chưa đáp ứng những yêu cầu cơ bản của nhà tuyển dụng nhất là những doanh nghiệp có thu nhập khá, việc làm ổn định và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng được nhân lực có tay nghề cao. Các ngành nghề thu hút nhiều lao động của tỉnh phát triển chưa đa dạng, phong phú chỉ tập trung một số lĩnh vực như: May mặc, chế biến nông sản và sản xuất nông nghiệp… nên chưa đáp ứng nhu cầu tìm việc của người lao động, nhất là lực lượng sinh viên mới ra trường.

Từ những kết quả đạt được và những khó khăn, hạn chế nêu trên, tỉnh Tây Ninh kiến nghị Chính phủ và Bộ LĐTB&XH xem xét tháo gỡ những khó khăn, cụ thể là sửa đổi, bổ sung các văn ban pháp luật có liên quan về các lĩnh vực nêu trên còn vướng mắc để địa phương có cơ sở giải quyết kịp thời.

Ông Nguyễn Xuân Lập- Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phát biểu tại buổi làm việc

Sau  khi nghe báo cáo của  các Sở, ngành và ý kiến lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung biểu dương và đánh giá cao nỗ lực, đoàn kết, cố gắng phấn đấu, chủ động vươn lên, khắc phục khó khăn và những kết quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tây Ninh đạt được trong thời gian qua. Bộ trưởng cũng vui mừng được biết Đảng bộ chính quyền tỉnh Tây Ninh những năm gần đây dành nhiều sự quan tâm đến kinh tế, an sinh xã hội, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Hệ thống chính trị đoàn kết, giữ vững an ninh, chính trị của địa phương. Trong đóng góp chung đó có một phần quan trọng của ngành LĐTBXH.

Đáng biểu dương, công tác giảm nghèo của Tây Ninh gần đây có những chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo, những người yếu thế, ban hành chuẩn nghèo của Tây Ninh cao  hơn so với bình quân của cả nước,... tỷ lệ hộ nghèo Tây Ninh thấp, hiện còn 0,62, giảm 1,48.

Bộ trưởng cũng cho rằng, quản lý lao động, tạo việc làm của tỉnh Tây Ninh tương đối tốt. Hiện tỉnh thu hút 4.600 lao động nước ngoài. Các vấn đề khác như: Phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ trẻ em được tỉnh quan tâm.

Bộ trưởng cho rằng, các vấn đề cần quan tâm thời gian tới: một là dịch Covid-19 tiếp tục triển khai, không chủ quan, Tây Ninh là tỉnh giáp biên giới, lao động người Trung Quốc nhiều, các con đường đi qua phức tạp. Chú ý những trường hợp người nước ngoài vào lao động phải cách ly, không vì bất kỳ lý do gì mà không cách ly. Đồng thời, tiếp tục coi trọng thực hiện hai chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Nhưng chú ý coi người dân là chủ thể của cách mạng, không chỉ xây dựng hạ tầng mà còn đào tạo nghề cho người lao động, chuyển đổi công việc cho người lao động, rồi thực hiện công nghiệp hóa ở nông thôn,…

Bộ trưởng lưu ý, lĩnh vực người có công tỉnh cần khẩn chương số hóa toàn bộ hồ sơ, thiết lập thiết bị dữ liệu về lĩnh vực của ngành, giao Cục Người có công phối hợp triển khai và hỗ trợ một phần kinh phí, tạo sự đồng bộ giữa Trung ương và địa phương.

Từ những kết quả đạt được, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị tỉnh Tây Ninh tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, đồng thời, thực hiện và hoàn thành tốt những mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của ngành tại địa phương trong năm 2020. Bộ trưởng đề nghị Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh tiếp tục có sự quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt và lưu ý một số nội dung :  

Quan tâm vấn đề an sinh xã hội, phát triển văn hóa xã hội tại địa phương, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, đảm bảo phát triển bền vững, toàn diện, hài hòa giữa kinh tế và xã hội. Đặc biệt, tỉnh cần quan tâm triển khai các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có chất lượng cao để phát triển bền vững. Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông; chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; phân bổ và sử dụng đúng mục tiêu nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và không sử dụng cho hoạt động khác.

Về công tác giảm nghèo, cần chú trọng giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, thực hiện đồng bộ các giải pháp về đầu tư hạ tầng đi đôi với các chính sách hỗ trợ sinh kế cho người dân, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, nhân rộng trong hộ nghèo; tăng cường các giải pháp đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho người lao động, đặc biệt là người dân thuộc các xã đặc biệt khó khăn.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà cho tỉnh Đồng Tháp 

Về lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội, cần chú trọng vai trò của gia đình, nhà trường trong công tác phòng chống tệ nạn ma túy; phải thực hiện cả ba giải pháp giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại. Bộ trưởng cũng cho rằng không nên coi cơ sở cai nghiện là phương thức tốt, đừng vì để trong sạch địa bàn mà mang hết người nghiện vào cơ sở cai nghiện. Bộ trưởng cũng đề nghị Tỉnh đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất Cơ sở cai nghiện ma túy, tạo môi trường sinh hoạt khang trang, sạch sẽ; quan tâm đến đời sống của nhân viên cơ sở; tăng cường công tác phối hợp liên ngành giữa Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội với các ngành chức năng của địa phương để phòng, chống tệ nạn ma túy; không để diễn ra tình trạng người nghiện bỏ trốn khỏi cơ sở cai nghiện.

Về công tác bảo vệ trẻ em, bình đẳng giới, tỉnh cần quan tâm và thực hiện đồng bộ các giải pháp có hiệu quả. Tăng cường công tác thanh tra kiểm tra của các Ngành đối với công tác phòng chống đuối nước và bạo lực, xâm hại trẻ em tại cơ sở, đặc biệt là bạo lực học đường và xâm hại tình dục trẻ em; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, vận động thầy cô giáo về quản lý học sinh trong nhà trường và sự quản lý của gia đình khi trẻ em ở tại gia đình, cộng đồng…

Theo Hải Đăng (Tạp chí LĐXH)