Lấy ý kiến Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo Nghị định quy định chi tiết mộtsố điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy Ngày đăng: 08/07/2021
Ngày 08/7/2021, tại Hà Nội, ông Trần Ngọc Túy, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội chủ trì cuộc họp lấy ý kiến Ban soạn thảo, Tổ biên tập về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Ngọc Túy cho biết: Ngày 30/3/2021, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy (Luật số 73/2021/QH14). Ngày 18/5/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 720/QĐ-TTg về việc Ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Phòng, chống ma túy được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 11, trong đó, phân công Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy. Dự thảo Nghị định gồm 10 chương, 87 Điều tập trung vào các nội dung: quy định chung; quy trình cai nghiện ma túy; cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; điều kiện, thẩm quyền, trình tự thủ tục thành lập, giải thể của cơ sở cai nghiện  ma túy; đăng ký, tiếp nhận cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy; lập hồ sơ và thi hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; quản lý sau cai nghiện ma túy; chính sách của nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy; trách nhiệm thực hiện; điều khoản thi hành.

Cục trưởng Trần Ngọc Túy nhấn mạnh, đây là buổi họp đầu tiên trong khuôn khổ chương trình làm việc của Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự thảo Nghị định, đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ một số nội dung: cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; tiếp nhận cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy; lập hồ sơ và thi hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; quản lý sau cai nghiện ma túy...

Tại cuộc họp, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp cụ thể liên quan đến các vấn đề như: đối tượng và phạm vi áp dụng; cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng; quản lý sau cai nghiện … Đại diện Bộ Tư pháp đặt ra vấn đề việc đưa người chấp hành quyết định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được lập thành biên bản, có sự chứng kiến của đại diện UBND cấp xã và tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, ấp, bản hoặc tương đương. Biên bản được lập thành 3 bản gửi các cơ quan nhà nước như Tòa án nhân dân cấp huyện, công an cấp huyện và cơ quan lập hồ sơ. Tuy nhiên, biên bản này cần được giao cho cả người thi hành hoặc gia đình họ. Đại diện Vụ các vấn đề xã hội của Quốc hội có ý kiến cho rằng, việc học viên không xác định được nơi cư trú và không còn khả năng lao động thì sau khi hết thời hạn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì được đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội tại địa phương nơi cơ sở cai nghiện bắt buộc đóng trụ sở để chăm sóc, điều khoản này cần được điều chỉnh để đảm bảo tính tự nguyện của học viên sau khi hoàn thành thời gian cai nghiện.

Ông Lê Văn Khánh, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội có ý kiến về việc cần phối hợp với Bộ Công an trong việc xác định người không có nơi cư trú ổn định và đặt ra vấn đề về sự tham gia công tác cai nghiện của các tổ chức tôn giáo, làm rõ trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp xã trong việc lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện, quản lý sau cai và tổ chức cai nghiện tự nguyện… Một số đại biểu đưa ra ý kiến cần làm rõ nội hàm về lao động trị liệu và lao động sản xuất trong cơ sở cai nghiện.

Kết thúc buổi làm việc, Ông Trần Ngọc Túy đánh giá cao các ý kiến đóng góp tại cuộc họp và đề nghị bộ phận giúp việc Ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp để nghiên cứu và hoàn thiện Dự thảo Nghị định trước khi lấy ý kiến rộng rãi./.

HH