Một số thủ đoạn lừa nạn nhân của tội phạm mua bán người hiện nay Ngày đăng: 23/08/2017
Hiện nay, nạn mua bán người đã trở thành vấn đề toàn cầu, không quốc gia nào ngoại lệ. Theo báo cáo của Tổ chức Nhập cư thế giới (IOM), trên thế giới hiện có khoảng 17,5 triệu người là nạn nhân của tội phạm buôn người, 46 triệu người đang sinh sống trong cảnh nô lệ, bị cưỡng bức lao động hoặc bị bán làm nô lệ tình dục, gần 10 nghìn ca ghép nội tạng trái phép mỗi năm.

Ở Việt Nam, tội phạm mua bán người đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở tất cả các tỉnh, thành phố, trong đó chủ yếu là các tỉnh, huyện, xã biên giới. Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện trên 6000 nạn nhân bị lừa, ép buộc mua bán, trong đó số vụ mua bán người được phát hiện chủ yếu là tại các địa phương: Hà Giang, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lai Châu… Nạn nhân của tội phạm mua bán người không chỉ có phụ nữ, trẻ em mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, mua bán bào thai, mua bán nội tạng. Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội rất đa dạng, thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên qua nghiên cứu cho thấy, chủ yếu nạn nhân bị mua bán do bị “lừa” mà khi phát hiện đã ở tình trạng “khó có thể trốn thoát”.

Nghiên cứu các vụ mua bán người đã bị các cơ quan chức năng đấu tranh làm rõ cho thấy: Các đối tượng phạm tội mua bán người sử dụng rất nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt khác nhau để lừa nạn nhân, trong đó, chúng thường sử dụng một số thủ đoạn chủ yếu sau:

Thứ nhất, lừa nạn nhân dưới danh nghĩa giúp họ tìm việc làm

Lợi dụng sự cả tin của các nạn nhân, các đối tượng phạm tội mua bán người thường vẽ ra một viễn cảnh làm việc nhàn hạ, lương cao để lừa nạn nhân. Bị hại trong các vụ việc này thường là những người có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế hoặc những người từ tỉnh lẻ lên thành phố đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm cao.

Ngày 13/5/2017, tại thành phố Móng Cái, Đồn Biên phòng Bắc Sơn phối hợp Đội Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ hai đối tượng Bùi Thị Nga và Bùi Văn Chung đang đưa Nguyễn Thị H. là người cùng quê sang bán cho một người phụ nữ bên Trung Quốc với giá 20 triệu đồng. Tại cơ quan điều tra, Bùi Thị Nga và Bùi Văn Chung đã khai nhận do quen biết từ trước, lợi dụng sự nhẹ dạ của chị H, hai đối tượng Chung và Nga đã dùng thủ đoạn hứa tìm cho chị H công việc nhẹ nhàng với mức lương khoảng 20 triệu/tháng và được về thăm nhà khi nào muốn, sau đó đã lừa bán chị H. sang Trung Quốc.

Từ các vụ việc đã được các lực lượng chức năng điều tra, khám phá cho thấy: Để thực hiện được thủ đoạn này, các đối tượng phạm tội thường dựa vào mối quen biết từ trước với nạn nhân: có thể là họ hàng, bạn bè thậm chí là những người ruột thịt như vụ đối tượng Phạm Thị Thu Hằng (sinh năm 1986, trú tại Hạ Lý, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng) bằng thủ đoạn vờ xin việc làm để lừa bán 3 nạn nhân sang Trung Quốc trong đó có cả chị ruột của Hằng. Sau đó, các đối tượng tìm mọi cách để lấy lòng tin của nạn nhân, móc nối với một số đồng bọn để tạo một vỏ bọc là “người tử tế” để dẫn được nạn nhân đến địa điểm thực hiện hành vi mua bán.

Thứ hai, làm quen với các nạn nhân, vờ yêu đương rồi đem bán

Thực hiện thủ đoạn này, các đối tượng thường nhắm đến nạn nhân là phụ nữ, đặc biệt là các phụ nữ quá lứa, nhỡ thì hoặc cuộc sống gia đình đổ vỡ, bị tổn thương về tình cảm nên có tư tưởng chán nản, bi quan, thất vọng; các em nữ ở tuổi mới lớn chưa có nhiều kinh nghiệm sống... Trong hoàn cảnh đó, các đối tượng tìm cách tán tỉnh bằng những lời đường mật, luôn thể hiện sự ga lăng để lấy lòng tin của nạn nhân. Khi “con mồi” đã cắn câu, các đối tượng sẽ tạo ra các hoàn cảnh khác nhau như vờ đi thăm người thân, đi du lịch… để đưa nạn nhân sang bên kia biên giới để bán.

Ngày 10/7/2017, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận từ phía Công an Trung Quốc đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Bùi Văn Lịch (sinh năm 1986, hộ khẩu thường trú: Thôn Phú Đa, xã Hào Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) về tội mua bán người theo Quyết định truy nã của Công an tỉnh Cao Bằng. Mặc dù đã có vợ con ở quê, song đối tượng Bùi Văn Lịch vẫn đi tìm các thiếu nữ trẻ để tán tỉnh yêu đương, sau đó tìm cách để bán họ sang Trung Quốc lấy tiền tiêu xài. Từ cuối năm 2010 đến 2012, với thủ đoạn vờ yêu rồi bán, đối tượng Lịch đã lừa bán được 7 phụ nữ ở các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Cao Bằng.

Ngày 27/2/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Yên Bái đã ra quyết định khởi tố hai đối tượng Cư Seo Quang (17 tuổi), Cư Seo Đồng (20 tuổi), cùng trú tại tỉnh Lào Cai, về hành vi mua bán người. Khai nhận với cơ quan Công an, Đồng và Quang cho biết, bằng thủ đoạn làm quen qua mạng xã hội facebook anh ta vờ yêu các nạn nhân rồi lừa bán sang bên kia biên giới kiếm tiền. Để thực hiện hành vi, các đối tượng làm quen cho đến khi tạo được lòng tin với các cô gái và rủ đi chơi tại các chợ giáp biên giới. Tại đây, Đồng và Quang đã ngấm ngầm “bắt tay” với các đối tượng buôn bán phụ nữ khác tại biên giới và bán các “người yêu” một cách dễ dàng. Sau khi nhận tiền xong, hai đối tượng lợi dụng lúc các cô gái ngắm đồ đã lẩn trốn để quay về tiếp tục thực hiện hành vi này với các nạn nhân khác. Cứ thế, nhiều thiếu nữ đã nhanh chóng bị Quang và Đồng lừa bán một cách dễ dàng.

Có thể khẳng định phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt nhưng về mặt bản chất, đa số các vụ lừa nạn nhân nhằm mục đích mua bán đều nhằm vào hai điểm yếu “tình” hoặc “tiền” để đưa nạn nhân vào bẫy. Mặc dù các cấp, các ngành đã quyết liệt vào cuộc; công tác tuyên truyền đã được triển khai rộng khắp trên các tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là các địa phương vùng biên giới nhưng hiện nay số vụ mua bán người vẫn có xu hướng tăng.

Để phòng ngừa, đấu tranh với những loại tội phạm này, trước hết mọi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân không bị mua, bán. Đây là yếu tố cần thiết trong công tác phòng ngừa, tránh tạo môi trường thuận lợi để bọn tội phạm hoạt động. Luôn cảnh giác, đề phòng người lạ hoặc cả người thân đi làm ăn xa trở về hứa hẹn tìm việc hoặc rủ hợp tác làm ăn. Cảnh giác với những lời hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc làm có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar, giúp việc trong nước, nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có. Từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác hoặc không nhận tiền và tự nguyện trả nợ thay của người lạ mới quen biết. Điều tất yếu là luôn nhớ địa chỉ và số điện thoại tin cậy, có thể là của chính quyền, cơ quan, tổ chức, người thân... để có thể liên hệ giúp đỡ khi cần thiết. Đồng thời, tuyên truyền cho những người thân trong gia đình, bạn bè biết và cảnh giác với bọn tội phạm, kịp thời thông báo cho các cơ quan Công an, cơ quan chức năng khi phát hiện các hành vi, đối tượng nghi vấn phạm tội mua, bán người.

Nên cảnh giác với những mối quan hệ quen biết trên mạng, nhất là với những người không rõ ràng về nhân thân, công việc, quan hệ xã hội... Thận trọng với trường hợp tuy mới quen biết nhưng đã tỏ vẻ yêu quý mình, mong muốn gặp mặt. Khi định đi làm ăn xa hay đi chơi, du lịch, nên kể với một số bạn bè hoặc người thân trong gia đình. Nên đặt ra những nghi vấn đối với những trường hợp rủ đi làm ăn lương cao nhưng "phải giữ bí mật" với bất cứ lý do nào. 

Đồng thời cũng nên phải cảnh giác trước những kẻ tuy mới quen trên mạng xã hội, mới xuất hiện ở địa phương, hay mới biết nhau thông qua sự giới thiệu của bạn bè nhưng đã tỏ ra vồ vập, săn đón, hào phóng, tốt bụng…

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động mua bán người. Bên cạnh tuyên truyền về Luật Hình sự, Luật Phòng, chống mua bán người… cần chú trọng tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn, nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm; những dấu hiệu, nguy cơ trở thành nạn nhân và phương thức  phòng, tránh khỏi cạm bẫy của tội phạm mua bán người./.

(Theo Tạp chí CSND)