“Công tác cai nghiện ma túy chưa bao giờ là dễ dàng với bất kỳ địa phương nào” Ngày đăng: 21/04/2023
Đó là ý kiến phát biểu của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) Đào Ngọc Dung tại Hội nghị triển khai công tác phòng, chống ma túy năm 2023 do Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm (UBQG) tổ chức ngày 21/4/2023

 

 

 

 

 

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã nêu những khó khăn, vướng mắc nhất của các cơ sở cai nghiện ma túy công lập hiện nay. Theo Bộ trưởng, ma túy là vấn đề nhức nhối, trong đó, công tác cai nghiện ma túy chưa bao giờ là dễ dàng với bất kỳ địa phương nào.

Theo Bộ trưởng, đầu tiên đó là tình trạng quá tải. Hiện nay, theo thóng kê của Bộ LĐ-TBXH, trên 50% cơ sở cai nghiện ma túy công lập bị quá tải gấp 2 – 4 lần so với công suất quy định. Không những thế, nhiều cơ sở xuống cấp không bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị tối thiểu để phục vụ công tác cai nghiện ma túy theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị

"Đa số các vụ 'vỡ' cơ sở đều ở phía Nam vì quá tải, không có sự phân khu. Bài học ở Đồng Nai, Vũng Tàu đã cho thấy điều đó", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lấy ví dụ.

Hơn nữa, tỷ lệ thanh niên, người nghiện ma túy đá, hướng thần trong các cơ sở cai nghiện ma túy gia tăng nhanh. Trong khi đó, đội ngũ viên chức, người lao động tại các cơ sở cai nghiện ma túy thiếu về số lượng; chưa được chuẩn hóa theo các quy định về đội ngũ viên chức; chưa được đào tạo, tập huấn chuyên sâu khoa học về cai nghiện ma túy.

"Có cơ sở cai nghiện công suất tới 1.000 học viên, nhưng chỉ có 60 cán bộ. Một người trông mấy chục người, là rất khó khăn. Ngoài ra, lực lượng cán bộ y tế trong các cơ sở cai nghiện ma túy hiện nay rất trống vắng, hầu như không ai muốn làm bác sĩ, y sĩ ở đó, nhiều cơ sở phải cử y sĩ đi đào tạo trở thành bác sĩ", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu thực trạng.

Do chính sách thu hút, chế độ đãi ngộ đối với viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở cai nghiện ma túy chưa tương xứng với áp lực, yêu cầu, nhiệm vụ, công việc nên khó thu hút được lao động làm việc lâu dài, đặc biệt độ ngũ y, bác sĩ.

Thời gian tới, Bộ LĐTB&XH sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, người làm công tác cai nghiện ma túy; chính sách trợ cấp ưu đãi theo nghề đối với người làm công tác cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy và tại cộng đồng; tăng cường năng lực, đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố bố trí nguồn lực để nâng cấp, sửa chữa, bổ sung trang thiết bị, phương tiện cho các cơ sở cai nghiện ma túy công lập, các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và có cơ chế hỗ trợ từ ngân sách trung ương bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng, chống ma túy, cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

Đối với 3 tỉnh chưa có cơ sở cai nghiện (Hậu Giang, Đắc Nông, Kon Tum) cần quan tâm, đầu tư xây dựng cơ sở cai nghiện ma túy để phục vụ công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh. Trước mắt, có thể sử dụng một trụ sở có sẵn nào đó để cải tạo, nâng cấp lên.

Bộ trưởng cũng mong muốn có các cấp ngành, địa phương quan tâm đến công tác cai nghiện cho trẻ em nghiện ma túy, lao động trị liệu tại cơ sở cai nghiện để tăng sức khỏe, thu nhập, tạo sự phấn khởi cho học viên cũng như chú ý tới công tác quản lý sau cai nghiện.

"Vẫn phải kết hợp cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và cơ sở cai nghiện, không thể vì trong sạch địa bàn mà bằng mọi cách đưa tất cả vào cơ sở cai nghiện", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TBXH, hiện cả nước có 110 cơ sở cai nghiện ma túy, trong đó, có 97 cơ sở cai nghiện ma túy công lập, 13 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện ngoài công lập. Trên 50% cơ sở cai nghiện ma túy có quy mô dưới 500 học viên; trên 20% cơ sở cơ quy mô từ 500-1.000 học viên; gần 32% cơ sở có quy mô từ trên 1.000 học viên.

Từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/12/2022, các cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên cả nước đã tổ chức cai nghiện cho 63.253 người, trong đó, số tiếp nhận mới là 31.010 người, số tự nguyện đăng ký cai nghiện là 9.820 người; 171 người dưới 18 tuổi; số chuyển từ năm 2021 sang là 31.812 người, số tái hòa nhập cộng đồng là 33.886 người.

Năm 2022, các cơ sở cai nghiện ma túy công lập đã tổ chức dạy nghề, truyền nghề cho 7.023 người cai nghiện; tổ chức dạy văn hóa cho 1.221 người./.

NC (Theo Chinhphu.vn)