Tăng cường xã hội hóa công tác hỗ trợ người nghiện ma túy Ngày đăng: 21/04/2023
Đảng, Nhà nước, Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện tham gia đầu tư vào hoạt động cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Trong đó, một số tổ chức tôn giáo đang thực hiện hoạt động hỗ trợ điều trị, cai nghiện ma túy cho người nghiện ma túy. Những hoạt động này cần được đánh giá mức độ hiệu quả thực tế và quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Xung quanh vấn đề trên, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Cao Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội.

 

Phóng viên: Ông có thể cho biết về chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc xã hội hóa các hoạt động giúp đỡ người nghiện ma túy, sau cai nghiện ma túy trong cộng đồng, đặc biệt là với các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay tại Việt Nam?

Phó Cục trưởng Cao Văn Thành:

Trước tiên, chúng ta có thể khẳng định rằng: Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm đến chăm sóc, giúp đỡ những đối tượng an sinh xã hội, những người không may lầm lỡ sa ngã vào tệ nạn xã hội, mà cụ thể là người nghiện ma túy, đặc biệt luôn đề cao xã hội hóa giúp đỡ người nghiện ma túy, điều này được thể hiện trên một số chỉ đạo, văn bản sau:

Một là, ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 36-CT/TW về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, theo đó, có nhiệm vụ, giải pháp là “Tổng kết, đánh giá toàn diện công tác cai nghiện ma túy để có sự điều chỉnh cho phù hợp theo hướng tập trung nguồn lực cho những hình thức cai nghiện có hiệu quả, chú trọng xã hội hóa công tác cai nghiện và tạo việc làm cho người sau cai”.

Hai là, cụ thể hóa Chỉ thị  số 36, trong Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 có chính sách rất cụ thể là “Tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước đầu tư vào hoạt động cai nghiện ma túy, hỗ trợ quản lý sau cai nghiện ma túy, phòng, chống tái nghiện ma túy được miễn, giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.”.

Trung tâm Cơ đốc Gia đình (tỉnh Long An) thành lập với mục đích giúp đỡ người nghiện ma túy

 

Ngoài ra, tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 quy định “Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp có từ 30% số lao động bình quân trong năm trở lên là người khuyết tật, người sau cai nghiện, người nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và có số lao động bình quân trong năm từ hai mươi người trở lên”.

Đối với công tác xã hội hóa công tác cai nghiện ma túy, giúp đỡ người nghiện ma túy, Chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam không phân biệt, tổ chức, cá nhân là thuộc tổ chức nào (kể cả với các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay tại Việt Nam), khi họ đủ điều kiện thì được tham gia, đặc biệt là công tác cai nghiện, giúp đỡ người nghiện ma túy trong cộng đồng, điều này được quy định rõ tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật xử lý vi phạm hành chính về công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

Phóng viên: Thưa ông, sự tham gia, đóng góp của người dân, gia đình, cộng đồng đối với công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy có ý nghĩa như thế nào đối với xã hội nói chung và những người nghiện ma túy nói riêng?

Phó Cục trưởng Cao Văn Thành:

Đối với xã hội nếu có sự tham gia, đóng góp của người dân, gia đình, cộng đồng cho công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai có ý nghĩa rất quan trọng, điều này thể hiện sự quan tâm, chung sức của toàn xã hội, cộng đồng trong việc giúp đỡ người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy. Đồng thời, cũng thể hiện được sự định hướng sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước trong việc xã hội hóa công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện.

Đối với những người nghiện ma túy, nó thể hiện tình thương của gia đình, cộng đồng đối với người nghiện ma túy và người sau cai nghiện, giúp người nghiện được cai nghiện, người sau cai tái hòa nhập cộng đồng, người nghiện không còn cảm thấy bị kỳ thị ngay tại cộng đồng mình sinh sống. Điều này rất quan trọng trong việc giúp đỡ người cai nghiện có thêm quyết tâm, nghị lực để cai nghiện ma túy thành công, người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng bền vững./.

Như Ngọc