Cai nghiện ma túy vẫn là vấn đề cần quan tâm Ngày đăng: 15/07/2022
Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến ngày 30/4/2021, toàn tỉnh Bạc Liêu có 1.708 người sử dụng trái phép chất ma túy (1.206 người nghiện và 502 người nghi nghiện), trong đó, số người sử dụng trái phép chất ma túy sống tại cộng đồng là 1.263 người, số học viên đang cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy 352 người; số người nghiện ma túy trong Trại tạm giam, Nhà tạm giữ 93 người.

 

 

 

 

Tội phạm và tệ nạn ma túy trở thành mối quan tâm sâu sắc của toàn xã hội

Trong những năm qua, do tác động trực tiếp của tình hình tội phạm ma túy trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là khu vực “tam giác vàng”, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta diễn biến rất phức tạp, nhất là trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. Hậu quả do ma túy gây ra hết sức nặng nề về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh trật tự, đe dọa cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân; là một trong những nguyên nhân, nguồn gốc phát sinh tội phạm, hủy hoại sức khỏe, làm suy thoái nhân cách, đạo đức và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Thời gian qua, cai nghiện ma túy luôn được các cấp các ngành từ trung ương đến địa phương quan tâm: Đảng có văn bản chỉ đạo; Quốc hội thì điều chỉnh, bổ sung, ban hành Luật phòng chống ma túy; Chính phủ, Bộ ngành trung ương ban hành nghị định, thông tư, chỉ thị, quy định, hương dẫn, kế hoạch; tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề; triển khai thực hiện,...Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhìn chung tình hình sử dụng trái phép các chất ma túy được kiểm soát, quản lý ngày càng tốt hơn; công tác cai nghiện ma túy cũng có chuyển biến tích cực hơn.

Đối với Bạc Liêu, người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng tăng; xâm nhập mạnh, sâu vào vùng nông thôn và người nghiện ma túy ngày càng trẻ hóa (889/1.206 người, chiếm tỷ lệ 73,71% ). Tình hình sử dụng trái phép chất ma túy gây ảo giác, loạn thần chiếm 2,32% trong tổng số người nghiện, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên đã dẫn đến nhiều hệ lụy trong xã hội, gây tâm lý lo lắng cho người dân, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự xã hội. Người nghiện ma túy chuyển dần sang sử dụng các loại ma túy tổng hợp, chiếm tỷ lệ 97,51% trong tổng số người nghiện ma túy (1.176/1.206 người). Sử dụng ma túy trái phép đã xâm nhập vào vùng nông thôn ngày càng tăng, đây là điều quan ngại, cần phải quan tâm, có biện pháp, giải pháp tích cực ngăn chặn. Hàng năm có từ 200 đến 250 lượt người hoàn thành thời gian cai nghiện ma túy tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bạc Liêu về tái hòa nhập cộng đồng, nhưng trong số này có trên 80% tái nghiện ma túy. Về phân loại xã, phường, thị trấn theo Quyết định số 3122/2010/QĐ-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an, tính đến ngày 30/4/2021 toàn tỉnh Bạc Liêu có 10 địa bàn không có tệ nạn ma túy; 54 địa bàn có tệ nạn ma túy (13 địa bàn loại III; 41 địa bàn không phải trọng điểm ma túy).

Phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống và cai nghiện ma túy

Phát biểu tại Lễ Mít tinh hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy; Ngày quốc tế phòng, chống ma túy và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy năm 2022, ngày 23/6/2022,  Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đánh giá, chỉ ra những chuyển biến tích cực chung về công tác phòng chống, cai nghiện ma túy. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những vấn đề cần quan tâm tập trung thực hiện tốt hơn, đó là tình hình số người nghiện ma túy vẫn tiếp tục gia tăng. Theo thống kê, hiện nay, toàn quốc có hơn 217.059 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; 59.537 người sử dụng trái phép chất ma túy, đặc biệt là trong giới trẻ không chỉ ở thị thành mà đã lan vào vùng sâu ở nông thôn; ngày càng nhiều người sử dụng loại ma túy tổng dẫn đến hệ lụy rất lớn như bị loạn thần, “ngáo đá”có khả năng gây ra các vụ phạm tội hoặc vi phạm pháp luật của những người sử dụng loại ma túy này; sử dụng nhiều chất ma túy mới chưa có trong danh mục quản lý của cơ quan chức năng...

Theo tinh thần phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương cần kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống, giữa giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy, coi trọng công tác phòng, ngừa tội phạm và tệ nạn ma túy, công tác cai nghiện và quản lý người nghiện, quản lý người sau cai nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, nhất là quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép ma túy tổng hợp bị loạn thần,“ngáo đá”có khả năng gây ra các vụ phạm tội hoặc vi phạm pháp luật.

Mặc dù đã được Quốc hội điều chỉnh, bổ sung, ban hành Luật; Chính phủ, Bộ ngành trung ương, địa phương ban hành nghị định, thông tư, chỉ thị, quy định, hướng dẫn, kế hoạch về phòng chống ma túy, nhất là Chỉ thị 25/CT-TTg ngày 05/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu, đó là thuốc điều trị cai nghiện ma túy.

Hơn chín năm là Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương và Xã hội phụ trách Bảo trợ xã hội, Phòng chống tệ nạn xã hội, tôi chưa thấy có một loại thuốc nào đặc trị về điều trị cai nghiện ma túy. Khi đưa người nghiện ma túy vào Cơ sở cai nghiện ma túy thì chủ yếu dùng nhóm thuốc an thần kinh (ATK) để hỗ trợ làm cho người nghiện ma túy an thần kinh (ngủ) cho qua cơn thèm ma túy, thực hiện biện pháp này trong thời gian nhất định (khoảng hai tuần); rồi tiếp theo là cho lao động, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, học nghề,... nhằm trị liệu phục hồi sức khỏe (mặc dù hiện nay đã có nghiên cứu, người nghiện ma túy là người có bệnh ở não bộ do quá trình sử dụng ma túy, dẫn đến bị suy giảm về cả thể chất lẫn tinh thần nên khả năng tham gia lao động, sinh hoạt bình đẳng trong xã hội rất hạn chế) và nếu người nghiện ma túy có bệnh khác do sử dụng ma túy mà phát sinh (viên gan,đường tiêu hóa, nhiễm HIV/AIDS, tâm thần,...) sẽ được điều trị các bệnh này. Ngày 15/11/2012 Chính phủ ban hành Nghị định số 96/2012/NĐ – CP và ngày 01/7/2016 Chính phủ ban hành Nghị định số 90/2016/NĐ - CP thay thế Nghị định số 96/2012/NĐ - CP quy định về việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế là Methadone. Mười năm qua, thuốc Methadone dùng để thay thế ma túy chứ không phải là thuốc điều trị cai nghiện ma túy, mà điều nguy hại hơn có người không bỏ được ma túy mà nghiện cả ma túy và Methadone (nghiện kép).

Theo Chỉ thị 25/CT-TTg ngày 05/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục dùng thuốc Methadone tiếp thay thế ma túy cho người nghiện ma túy, nhưng đồng thời nghiên cứu, sản xuất các loại thuốc Đông y trong nước (Heantos, Cedenex, Bông sen,...) để sử dụng hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy, nhưng đến nay tiến độ triển khai thực hiện còn rất chậm. Sự rất chậm đó thể hiện: các Bộ ngành chức năng trung ương chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện; chưa được tổ chức hội thảo, tọa đàm, đánh giá rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 90/2016/NĐ - CP của Chính phủ; Chỉ thị 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, để qua đó thực hiện tốt hơn cai nghiện ma túy thời gian tới.

Vấn đề nữa cũng rất cần được quan tâm là biện pháp quản lý, giáo dục tại cộng đối với người nghiện (có hồ sơ quản lý) và có nguy cơ nghiện ma túy (người nghi nghiện) để họ không tiếp tục bị lôi kéo của người sử dụng ma túy trái phép dẫn đến nghiện ma túy. Và điều quan trọng nữa là sự phối hợp triển khai thực hiện tốt hơn vai trò Công tác xã hội, vai trò nhân viên công tác xã hội theo Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg, ngày 25/3/2010 (Đề án 32); Quyết định số 112/QĐ-TTg, ngày 22/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có nội dung phối hợp thực hiện các giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều cho người nghiện ma túy, người đang cai nghiện ma túy, nhất là người sau cai nghiện ma túy về hòa nhập cộng đồng cần phải được quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ thật chân tình, gần gũi của gia đình, người thân, đặc biệt là của Cấp ủy, Chính quyền, Đoàn thể cấp xã (phân công người, nhiệm vụ cụ thể ở gần gia đình người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy) nhằm giúp người sau cai nghiện ma túy ổn định tâm lý, xóa mặc cảm, tham gia lao động sản xuất, tạo nguồn lực (hỗ trợ hướng dẫn phương án sản xuất, kinh doanh hoặc kết nối với các nguồn vốn vay; giới thiệu học nghề miễn phí; giới thiệu việc làm, hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ tham gia các nhóm tự lực - nhóm hỗ trợ xã hội,...) nhằm giúp họ dần ổn định vươn lên trong cuộc sống bản thân, gia đình từ đó có ý thức phòng tránh không tái nghiện ma túy; góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, một nội dung cần quan tâm thực hiện tốt hơn, đó là công tác phối hợp giữa vai trò công tác xã hội với chức năng nhiệm vụ của cơ quan đơn vị; vai trò của nhân viên công tác xã hội với chức năng nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên, người lao động của cơ quan đơn vị Cơ sở cai nghiện ma túy, các đơn vị có liên quan và địa phương; đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ nhất là phân định rõ việc phối hợp, phân định chức năng nhiệm vụ, chế độ chính sách khi thực hiện vai trò công tác xã hội với chức năng nhiệm vụ của cơ quan đơn vị mà hiện tại còn hạn chế.       

Để thực hiện có hiệu quả vấn đề trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Đề nghị các bộ, ngành và địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Luật Phòng, chống ma túy; các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Chỉ thị số 36/CT-BCT ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn thi hành; qua đó, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác phòng, chống ma túy, công tác cai nghiện ma túy và quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy,…Các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, nhất là các quy định mới về công tác xác định tình trạng nghiện, cai nghiện, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, quản lý sau cai; đối tượng tuyên truyền tập trung vào số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy,…

Đồng thời, “ Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy - Vì một cộng đồng khỏe mạnh và an toàn” với mong muốn đạt mục tiêu kiềm chế, từng bước giảm số người nghiện ma túy trên phạm vi toàn quốc, không để phát sinh người nghiện ma túy mới./.

                                                               Nguyễn Hùng Thái

                                   (Nguyên PGĐ Sở LĐTBXH Bạc Liêu)