Làm gì để bảo vệ trẻ em trước “cạm bẫy rình rập” của ma túy Ngày đăng: 29/04/2021
Vừa qua, vụ việc pha trộn ma túy vào trà sữa bán cho trẻ em khiến dư luận không khỏi bất an và lo lắng, nhất là các bậc phụ huynh, vì trà sữa là loại thức uống phổ biến hiện nay được các em vô cùng yêu thích.

 

 

 

 

 

 

Xuất hiện thủ đoạn mới, tinh vi

Ngày 19/4, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Công an TP.Đà Lạt kiểm tra xe ôtô 7 chỗ đang dừng trước một khách sạn tại đường Tô Hiến Thành, phường 3, TP.Đà Lạt. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có 1 thùng xốp bên trong chứa 15 chai trà sữa. Qua test nhanh, cả 15 chai đều cho phản ứng dương tính với ma túy.

Theo lời khai ban đầu của người điều khiển phương tiện là Nguyễn Thị Thái Dung (23 tuổi, trú phường 8, TP.Đà Lạt), Dung học cách pha chế và mua cần sa từ một người bạn, sau đó về xay cần sa, lọc lấy nước pha trộn với trà sữa. Mỗi ngày, Dung bán khoảng 20 chai cho những thanh, thiếu niên trên địa bàn, giá mỗi chai từ 150.000 - 200.000 đồng (đắt gấp 10 lần giá trà sữa trên thị trường). Để nhiều người biết tới món thức uống gây nghiện này, Dung rao bán trên mạng xã hội và qua bạn bè giới thiệu. Những người dùng trà sữa của Dung sẽ nghiện và trở thành "mối ruột".

Mấy hôm sau, vào khoảng 21h55 ngày 25/4, tại quán nước vỉa hè gần khu vực cổng sau Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, thuộc phường Thanh Bình, TP Hải Dương, các trinh sát Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Hải Dương đã phát hiện 4 nam học sinh THPT có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, gồm: T.C.Đ. (16 tuổi), Đ.Q.H.A. (15 tuổi, đều trú tại phường Cẩm Thượng, TP Hải Dương), Đ.P.Đ. (15 tuổi, trú tại phường Nguyễn Trãi, TP Hải Dương) và N.Đ.M. (16 tuổi, trú tại phường Thanh Bình, TP Hải Dương).

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện đây là loại ma túy dạng lỏng mới xuất hiện trên thị trường với nhiều màu sắc và mùi vị khác nhau. Để sử dụng, các nam sinh này đã tẩm vào thuốc lào rồi dùng điếu cày để hút. Tại hiện trường, công an thu giữ một bộ dụng cụ sử dụng ma túy gồm lọ thủy tinh hình trụ đường kính 1cm, cao 5cm và điếu cày bằng tre.

Qua đấu tranh, nhóm này khai mua loại ma túy trên tại khu vực chợ Thanh Bình, TP Hải Dương của một người đàn ông không quen biết với giá 150.000 đồng/lọ.

Hai vụ việc trên ngay lập tức trở thành tâm điểm của dư luận, kèm theo nỗi bất an của nhiều người, nhất là các bậc phụ huynh có con em "mê" trà sữa. Em N.T.H.H - học sinh trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.Đà Lạt, chia sẻ, em rất thích món trà sữa vì hương vị thơm ngon. Mỗi tuần, em cùng nhóm bạn thân đến quán trà sữa để thưởng thức 2,3 lần. Nhưng em không biết trong trà sữa có pha chế chất gì. “Hôm qua, em có đọc báo biết thông tin chị Dung bán trà sữa trộn cần sa, em thấy rùng mình và không biết những người uống trà sữa của chị có bị nghiện ma túy không?” - em H lo lắng.

Anh Tạ Văn Tiến (ngụ TP.Đà Lạt) bày tỏ quan điểm, những người pha chế, bán trà sữa biết là chất độc nguy hiểm đến sức khỏe của học sinh, vì lợi nhuận mà họ bất chấp như vậy thì quá ác độc.

Nhiều người còn cho rằng, những người đặt mua loại thức uống này là chỗ thân quen hay là một thủ đoạn mua bán ma túy mới của những “con nghiện” dưới vỏ bọc để qua mặt lực lượng chức năng. Số khác đặt ra một tình huống xấu hơn, lo ngại lâu nay con em mình đã uống phải thứ phá hoại tuổi trẻ này mà chúng không hề hay biết?!

Công an thành phố Hải Dương phát hiện học sinh sử dụng trái phép chất ma túy 

Tiếng chuông cảnh tỉnh cho nhà trường và gia đình

Trên thực tế, thủ đoạn mua bán và sử dụng cần sa, chất ma túy mới hiện nay đang rất tinh vi, núp bóng dưới nhiều dạng thức khác nhau, nhằm qua mặt cơ quan chức năng.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện nay các chất cấm, ma túy núp bóng dưới nhiều hình thức như kẹo lười, tem lưỡi… được đưa vào các hàng quán gần trường học với những tên gọi khó kiểm soát.

Ở tuổi dậy thì các em có những đặc điểm tâm lý “hùa” theo bạn bè, sẵn sàng làm mọi thứ vì bạn bè, thích khám phá chiều theo ý bạn bè. Các em dễ bị lôi kéo, dụ dỗ thử cái này thử cái kia. Giai đoạn nhạy cảm này bố mẹ cần chú ý cảnh báo trước các nguy cơ, nếu con em bị sa ngã thì bố mẹ phải có kỹ năng nhận diện những nguy cơ mà con em mình đang phải đối diện.

Tôi nghĩ cần phải có những nghiên cứu nghiêm túc một cách toàn diện để phát hiện những nguy cơ rình rập con trẻ trước việc xuất hiện tinh vi của chất gây nghiện trên thị trường. Ví dụ như các con phải đối diện với các nguy cơ ấy ở giai đoạn nào, trong những khu vực nào, ở lứa tuổi nào… Phải làm như vậy để mình có chiến lược phòng ngừa với từng nhóm đối tượng ở từng độ tuổi chứ không thể nói chung chung bằng một cái tên “phòng, chống ma túy học đường” như hiện nay được”, PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.

Được biết, các em học sinh ở cuối cấp THCS, đầu cấp THPT luôn muốn khẳng định bản thân, muốn thoát khỏi sự kiểm soát của bố mẹ nên dễ có nguy cơ bị dụ dỗ sử dụng chất cấm. Vì vậy, cần phải tăng cường tuyên truyền pháp luật cho học sinh, cho cả những hàng quán xung quanh nhà trường, còn phía bố mẹ thì tăng cường kiểm soát, để tâm đến những thay đổi của con.

Khi các con sử dụng chất gây nghiện chắc chắn có những dấu hiệu nhất định và việc của phụ huynh là phải nhận diện sớm nó. Nếu các con sử dụng 1-2 lần khó phát hiện thì có thể dựa vào một số đặc điểm về biến đổi tâm sinh lý và những thay đổi trong nhận thức của đứa trẻ, bởi vì chất gây ảo giác khiến đứa trẻ thay đổi thất thường như cáu bẳn thu mình, sợ nước, không thích tham gia các hoạt động đông người, thay đổi thói quen sinh hoạt… thậm chí, phụ huynh có thể tìm hiểu thêm một số dấu hiệu đặc trưng của một số dạng chất ma túy. Ngoài việc bố mẹ phải nhận diện những thay đổi của con, bố mẹ cũng phải có kỹ năng dạy con tự chủ tài chính và có năng lực sử dụng tài chính, quan trọng nhất là các con nhận thức được giá trị đồng tiền”, PGS.TS Nam nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Thành Nam cho biết thêm, hiện nay có nhiều đứa trẻ chủ động sử dụng chất gây nghiện như một cách giải tỏa áp lực của cuộc sống, áp lực trong học tập, thi cử… Vì vậy, bên cạnh việc quản lý chất cấm của các cơ quan chức năng thì cha mẹ cần quan sát thay đổi của trẻ và động viên con em tham gia những hoạt động tích cực, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho các em. Khi không còn áp lực trong cuộc sống thì đứa trẻ không phải khổ sở tìm kiếm những cách giải tỏa stress bằng sử dụng chất cấm./.

Như Ngọc