Phòng, chống ma túy: trọng tâm là công tác phòng ngừa Ngày đăng: 14/11/2020
Sáng 13⁄11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục Kỳ họp thứ 10, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) hiện được xây dựng với bố cục gồm 8 chương, 69 điều, quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.

Đa số ý kiến nhấn mạnh, trong công tác phòng, chống ma túy, việc phòng ngừa và dự phòng vẫn là chính, đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Hơn nữa, đầu tư cho công tác phòng ngừa là đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước. Nhà nước bảo đảm kinh phí thực hiện đối với các dịch vụ cơ bản cho người cai nghiện ma túy; các địa phương theo phân cấp quản lý, quan tâm bố trí nguồn ngân sách cho hoạt động này; cá nhân và gia đình người nghiện ma túy có trách nhiệm tham gia, đóng góp. Tuy nhiên, dự thảo luật có quá ít các quy định về công tác phòng ngừa ma túy, trong khi phòng ngừa tội phạm mới là chính, chứ không chỉ là đấu tranh, không chỉ bắt giữ, làm sao phải ngăn chặn, giảm được nguồn cung ma túy, tiếp đến làm giảm nguồn cầu. Do đó, nhiều ý kiến đề nghị, quá trình xây dựng luật cần tham khảo kinh nghiệm một số nước trên thế giới để bổ sung những quy định về phòng nghiện, mua bán trái phép ma túy nhằm giúp người dân, cộng đồng xã hội nhận thức rõ hơn về sự nguy hiểm của ma túy, nhất là đối với giới trẻ.

Nhấn mạnh hiệu quả công tác tuyên truyền trong phòng, chống ma túy và tội phạm ma túy, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) và một số đại biểu đề xuất thiết kế một chương về tuyên truyền, phòng, chống ma túy, quy định rõ nội dung, cách thức tuyên truyền gắn với từng đối tượng trong xã hội. Mặt trận Tổ quốc và từng tổ chức chính trị - xã hội cần tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền tác hại của ma túy đối với các hội viên, đoàn viên, công nhân, người lao động. Công tác tuyên truyền phải được giao nhiệm vụ cụ thể và có sự giám sát chặt chẽ, được quy định ngay trong luật thì mới thật sự phát huy hiệu quả.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) và nhiều đại biểu cho rằng, việc quy định như dự thảo luật chưa thể hiện tính thống nhất, đồng bộ về trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan chuyên trách trong việc thực hiện nhiệm vụ. Bởi tội phạm ma túy hoạt động tinh vi, nguy hiểm, nhưng chỉ cơ quan chuyên trách thuộc lực lượng công an nhân dân được luật quy định chủ trì thực hiện các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy; các cơ quan chuyên trách thuộc bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan lại không được luật hóa quyền hạn, trách nhiệm và được tiến hành các biện pháp nghiệp vụ cụ thể. Để công tác phòng, chống ma túy đạt được hiệu quả, các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, trong khu vực, địa bàn quản lý của mình, cần được giao quyền chủ động nhưng đồng thời cần phối hợp với nhau thực hiện các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hoạt động bất hợp pháp liên quan ma túy.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị cần có quy định rõ hơn trong dự án luật về trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái trong công tác phòng chống ma túy. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét lại mô hình cai nghiện tại nhà vì đã xảy ra nhiều vụ việc rất nguy hiểm khi người nghiện lên cơn, ngáo đá, không kiểm soát được hành vi đã hành hung, đâm chém chính người thân của mình. “Tôi cho rằng, cần phát huy mô hình cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện, đây là mô hình cai nghiện an toàn và hiệu quả”, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nêu vấn đề.

Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) thì cho rằng, cần đa dạng hóa các loại hình cai nghiện để người cai nghiện và gia đình của người cai nghiện có nhiều sự lựa chọn và cảm thấy thoải mái, qua đó mang lại hiệu quả cai nghiện.

Lo ngại về tình trạng tái nghiện hiện nay tỉ lệ rất lớn, Đại biểu Huỳnh Cao Nhất (Bình Định) đề nghị dự án Luật cần có giải pháp hỗ trợ, quản lý, giám sát sau cai nghiện một cách hiệu quả hơn; đặc biệt cần có những hỗ trợ về sinh kế cho người sau cai nghiện cũng như những biện pháp để người sau cai nghiện dễ dàng tái hòa nhập với cộng đồng.

Đại biểu Mùa A Vàng (Điện Biên) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định nghiêm cấm, có chế tài nghiêm khắc đối với hành vi vận chuyển ma túy thuê trong dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Bởi thực tế, với sức hút siêu lợi nhuận từ ma túy, rất nhiều người nghèo đã liều mình vận chuyển ma túy thuê để rồi rơi vào con đường tù tội./.

N.N (t/h)