Dự phòng nghiện là một công việc cấp bách Ngày đăng: 16/01/2020
Trước tình hình ma túy diễn biến phức tạp, gia tăng số người nghiện ở nhiều địa phương thì việc xây dựng và triển khai chương trình Dự phòng nghiện có thể coi là một công việc cấp bách hiện nay.

 

 

 

Chưa có chương trình tổng thể chiến lược dự phòng nghiện

Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: dự phòng nghiện là hoạt động phòng ngừa; cai nghiện là hoạt động khắc phục hậu quả của nghiện ma túy.

Những năm qua, Việt Nam đã thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa với rất nhiều hoạt động mang tính chất “dự phòng nghiện” như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, cùng nhiều hình thức đa dạng khác (pano, apphich, tờ rơi, sách mỏng, triển lãm, chiếu phim, mittinh, thi tìm hiểu chính sách, pháp luật…).

Đặc biệt, có sự vào cuộc của các Bộ, ngành, chính quyền các cấp, tổ chức chính trị xã hội đã tuyên truyền cho đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên (HSSV), người lao động, bà con vùng biên giới… thông qua việc thực hiện tốt Đề án “Phối hợp truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm đến năm 2020” theo Quyết định số 2140/QĐ-TTg ngày 30/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, để hỗ trợ, giúp đỡ nhóm người có nguy cơ cao, không mắc nghiện ma túy, nhiều địa phương đã lồng ghép với các chương trình kinh tế - xã hội, phân công đoàn viên, hội viên, tình nguyện viên Đội công tác xã hội tình nguyện, những người có uy tín trong cộng đồng như cựu chiến binh, già làng, trưởng bản, trưởng tộc khuyên nhủ, kèm cặp… Các hoạt động truyền thông, tư vấn, hỗ trợ trên đã góp phần giảm nguy cơ nghiện ma túy, giảm áp lực cho công tác điều trị, cai nghiện.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Lập, chúng ta chưa có một chương trình tổng thể, một chiến lược dự phòng nghiện. Công tác phòng ngừa mới thiên về truyền thông và tư vấn. So với nhiều nước, cách tiếp cận, các nội dung về dự phòng còn chưa có chiều sâu với nhiều hoạt động can thiệp đa dạng như: giáo dục kỹ năng sống cho thanh thiếu niên; biện pháp can thiệp tại gia đình, nhà trường, nơi làm việc; hệ thống cung cấp dịch vụ về dự phòng nghiện…

Cần sự phối hợp để xây dựng chương trình tổng thể

Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập cho biết, Dự phòng nghiện là chương trình lớn của phòng, chống ma túy, là công việc khoa học, công phu, bài bản, cần có sự kết hợp giữa các nhà khoa học, các Viện nghiên cứu, trường đại học, người làm chính sách và người trực tiếp làm công tác phòng chống ma túy, đồng thời, việc triển khai phải tiến hành từng bước, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, trực tiếp tác động đến từng gia đình, từng học sinh và phụ huynh, thanh thiếu niên, nhà trường, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp…, với nhiều hoạt động rất đa dạng, đòi hỏi sự thống nhất nhận thức và vào cuộc của cả xã hội, có cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực quốc gia cần thiết để thực hiện.

Để xây dựng chương trình dự phòng nghiện cần có kế hoạch nghiên cứu, tham khảo các tài liệu, mô hình của các nước trên thế giới, sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế và chắt lọc, vận dụng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của nước ta trên cơ sở phát triển các hoạt động phòng ngừa có hiệu quả đã và đang thực hiện.

“Việc xây dựng và triển khai chương trình Dự phòng nghiện có thể coi là một công việc cấp bách hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu đề xuất chính sách, pháp luật về Dự phòng nghiện ma túy theo chuẩn Quốc tế và đề xuất Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma túy theo hướng sửa đổi Chương cai nghiện và bổ sung nội dung dự phòng nghiện ma túy. Các việc cần làm là: Xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu; Triển khai thí điểm mô hình; Xây dựng cơ chế, chính sách; Chuẩn bị các nguồn lực; Đào tạo giảng viên và cán bộ dự phòng; Phát triển tổng thể chương trình...”, Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập nhấn mạnh./.

Phương Đông