Giải pháp nâng cao hiệu quả điều trị, cai nghiện tự nguyện trong Cơ sở cai nghiện ma túy công lập Ngày đăng: 02/10/2019
Tại Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống tệ nạn xã hội và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2019, do Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tổ chức tại Lào Cai (8⁄2019) vừa qua, một vấn đề đặt ra được các đại biểu quan tâm là: trong Cơ sở cai nghiện ma túy (CSCNMT) công lập có thể thực hiện tốt công tác điều trị, cai tự nguyện được không?

 

Đổi mới bắt đầu từ việc thay đổi tư duy

Ông Dương Đức Thành, Giám đốc CSCNMT tỉnh Lâm Đồng khẳng định “hoàn toàn có thể làm được”, bởi vì: các Cơ sở cai nghiện ma túy công lập có đầy đủ lợi thế về cơ sở pháp lý, cơ sở vật chất – trang thiết bị và đội ngũ có chuyên môn, thậm chí thực hiện rất tốt công tác cai nghiện theo phương thức tự nguyện. Vấn đề cốt lõi ở đây là những người có trách nhiệm có muốn làm, có dám làm, có dám chịu trách nhiệm hay không.

Ông Thành chia sẻ thêm, giai đoạn 2016 – 2018, đơn vị đã tiếp nhận  1.237 lượt học viên đến cai nghiện tự nguyện. Trong 7 tháng đầu năm 2019, có 404 lượt học viên. Từ tháng 3/2019, Cơ sở cũng đã ngừng tiếp nhận học viên là người ngoại tỉnh do vi phạm quy chế nhiều lần. Theo đánh giá, học viên cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Lâm Đồng có thời gian cai ít nhất là 06 tháng và nhiều nhất là 36 tháng. Số lượng người bệnh tự nguyện đến với Cơ sở ngày càng tăng với con số cai năm sau luôn cao hơn năm trước trên 40%.

Kết quả trong nhiều năm qua, Cơ sở không xảy ra những bất ổn về an ninh trật tự, không bị ảnh hưởng về việc chống đối, bỏ trốn của học viên như những cơ sở khác (kể cả từ nhóm cai bắt buộc – thường xuyên trên 140 người). Đội ngũ bảo vệ, quản lý học viên chỉ chiếm tỷ lệ dưới 20% tổng số đội ngũ nhân viên. Nguồn thu từ cai nghiện tự nguyện luôn cao hơn kinh phí tự chủ do ngân sách cấp, tạo điều kiện tăng thu nhập cho viên chức, tăng đầu tư cho các hoạt động phát triển sự nghiệp.

Những việc đã làm và thành công bước đầu

Làm thế nào để người bệnh tự nguyện đến Cơ sở điều trị nhiều hơn. Trả lời cho câu hỏi trên, những năm qua, lãnh đạo CSCNMT Lâm Đồng đã lựa chọn và quyết tâm thực hiện đổi mới với nhiều giải pháp đồng bộ để khuyến khích và thu hút người nghiện tự nguyện đến với Cơ sở.

Trước hết, Cơ sở mạnh dạn chuyển đổi từ cơ sở cai nghiện bắt buộc sang cơ sở đa chức năng; chuyển đổi triệt để từ biện pháp cai nghiện bắt buộc sang cai nghiện tự nguyện là chủ yếu, từ mô hình cai nghiện tập trung chuyển mạnh sang mô hình cung cấp dịch vụ, trọng tâm là đáp ứng nhu cầu chính đáng của gia đình và bản thân người nghiện. Cùng với đó, xây dựng cơ chế tự chủ tài chính, tự chủ nhân sự, tự chịu trách nhiệm về chất lượng nhiệm vụ được giao. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là tự chủ về nhân sự. Cơ sở cai nghiện ma túy công lập cần được trao quyền chủ động tuyển dụng nhân sự phù hợp với nhiệm vụ đặc thù của cơ sở. Đối với phương án thu phí cai tự nguyện được xây dựng theo hướng nguồn thu phải đủ bù đắp đủ chi phí cho bộ máy nhân sự quản lý - phục vụ, Nhà nước chỉ chi trả cho bộ máy quản lý – phục vụ nhóm học viên cai nghiện bắt buộc. Nói cách khác, nó tương tự như cơ chế đặt hàng.

Cán bộ CSCNMT Lâm Đồng trò chuyện thân mật với học viên và người thân của họ

Thứ hai, xây dựng và thực hiện nguyên tắc làm việc “không cai trị người nghiện mà phải phục vụ nhu cầu chính đáng của họ”; thực hiện phương châm làm việc “rèn thầy trước, luyện trò sau”; quán triệt đối với cán bộ, nhân viên chung một nhận thức: cai nghiện là cung cấp dịch vụ. Chất lượng dịch vụ phải tốt, thì mới tạo được lòng tin, có lòng tin thì khách hàng (người đặt hàng) mới đến, mới tạo được thương hiệu và nguồn thu, có nguồn thu mới nâng cao được thu nhập, có thu nhập tốt mới tạo được đòn bẩy tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ.

Một điều quan trọng nữa là xây dựng hệ thống quy chế cho viên chức, người lao động. Hệ thống quy chế vừa đủ điều chỉnh bộ máy nhân sự khi thực thi nhiệm vụ, vừa bảo đảm làm rõ trách nhiệm cá nhân, gắn thu nhập với hiệu quả công việc cá nhân. Đồng thời, minh bạch, công khai khen thưởng – kỷ luật nhằm tạo được sự đồng thuận cao trong nội bộ. Khi thực hiện, phải chấp nhận việc đào thải một bộ phận nhân sự không thể/không kịp thích nghi với công việc.

Thứ ba, để thực hiện có hiệu quả, giúp công tác quản lý thành công, CSCNMT thực hành tiết kiệm mọi chi phí không cần thiết, trong đó, xây dựng bộ máy tổ chức nhân sự phù hợp theo phương châm: người đứng đầu nhà tù là sĩ quan cảnh sát, người đứng đầu bệnh viện là bác sĩ và người đứng đầu một cơ sở đào tạo –  tạo chuyển hóa con người phải là một ông thầy. Vì vậy, phải tuyển chọn nhân sự được đào tạo về công tác xã hội chứ không phải là một “quản giáo” mẫn cán.

Từ việc tự chủ về tuyển dụng, quản lý và sử dụng nhân sự, Cơ sở đã ưu tiên tuyển dụng 07 viên chức tốt nghiệp ngành công tác xã hội, gồm: 2 thạc sỹ và 5 cử nhân (mặc dù biên chế từ 2012 đến nay chỉ có 17 người). Những nhân sự này được lựa chọn, theo dõi từ khi họ đang học đại học năm thứ 3. Bên cạnh đó, có 3 viên chức tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm, có kinh nghiệm lâu năm trước khi được nhận vào Cơ sở. Hiện nay, các vị trí chủ chốt trong bộ máy tổ chức của Cơ sở đều do các viên chức này đảm nhận. Và, trong ca trực chỉ có 12 người nhưng việc quản lý vẫn đảm bảo suôn sẻ, thuận lợi cho dù học viên có những lúc lên đến trên 360 người.

Thứ tư, thực hiện xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ. Cơ sở cai nghiện ma túy Lâm Đồng luôn nhận thức: muốn tồn tại một cách hữu ích, Cơ sở cai nghiện phải tự nâng cao chất lượng sản phẩm cung ứng cho nhu cầu của cộng đồng.

Hiện nay, CSCNMT Lâm Đồng triển khai 2 nhóm dịch vụ. Một là, nhóm dịch vụ cơ bản gồm: y tế, nâng cao trình độ học vấn, khôi phục nhân cách – tinh thần, hòa nhập cộng đồng. Hai là, nhóm dịch vụ hỗ trợ gồm: việc làm tại chỗ, giải trí – giao lưu, bảm đảm về đời sống, hỗ trợ sau cai nghiện, hỗ trợ cá nhân thực hiện một số nhu cầu chính đáng.

Các dịch vụ đang được người cai nghiện lựa chọn gồm: Điều trị bệnh cơ hội, tư vấn theo quy trình quản lý trường hợp, học nghề gắn với việc làm; các hoạt động văn hóa – thể thao nâng cao, đồng hành sau cai nghiện, đọc sách và thư giãn trong không gian Cà phê sách tại cơ sở. Các dịch vụ được thực hiện theo phương thức công khai và minh bạch: sử dụng dịch vụ nào trả tiền dịch vụ đó, ngược lại, tham gia công việc nào được trả thù lao công việc đó. Các dịch vụ được hình thành trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu và sở thích của học viên.

Nhằm tránh chủ quan, áp đặt trong dịch vụ và phương thức làm việc của cán bộ, nhân viên, CSCNMT Lâm Đồng còn áp dụng một giải pháp quan trọng là xây dựng cơ chế phản biện theo mô hình đánh giá chất lượng bằng việc lấy ý kiến phản hồi của người sử dụng dịch vụ (học viên). Cụ thể: tổ chức đánh giá sự hài lòng của học viên và thân nhân học viên về chất lượng từng dịch vụ; thái độ phục vụ của từng viên chức cung cấp dịch vụ theo định kỳ 6 tháng/lần đối với học viên và 12 tháng/lần đối với thân nhân. Kết quả đánh giá được xử lý trên cơ sở giải trình các các cá nhân cung cấp dịch vụ, có so sánh kết quả kỳ trước, làm căn cứ tham khảo để sắp xếp, đánh giá cán bộ hàng năm.

Bên cạnh đó, Cơ sở đã ban hành Bộ công cụ tiếp nhận và xử lý phản hồi của người sử dụng dịch vụ; thành lập Tổ phản biện của học viên để phản ánh kịp thời chất lượng dịch vụ, qua đó, đề xuất những điều chỉnh cần thiết; duy trì thường xuyên mô hình đối thoại giữa viên chức và học viên. Đối thoại được tổ chức ở nhiều cấp độ (đối thoại với toàn thể học viên, đối thoại giữa học viên từng đội với Ban chỉ huy của đội, nhóm); ở nhiều quy mô khác nhau (quy mô rộng bao gồm tất cả dịch vụ, quy mô hẹp đối với mỗi loại dịch vụ). Qua đối thoại, các bức xúc (nếu có) của học viên đều được lãnh đạo lắng nghe và giải quyết kịp thời, vừa tạo ra sự cộng tác và lòng tin, vừa giải tỏa hầu hết các nguy cơ về mất an ninh trật tự trong đơn vị.

Lãnh đạo Cơ sở còn tổ chức và duy trì mô hình “Một giờ với giám đốc”, “Cà phê với giám đốc”, đây là mô hình có sức hút cao, giúp thu ngắn khoảng cách giữa lãnh đạo với cá nhân học viên, giúp lãnh đạo điều chỉnh kịp thời mô hình hoặc giúp học viên xử lý nhanh các vấn đề cá nhân của mình.

Cùng với đó, Cơ sở còn tổ chức nhiều mô hình truyền thông – tư vấn để quảng bá thông tin, thu hút người nghiện và gia đình đến với Cơ sở, như mô hình Văn phòng tư vấn cai nghiện ma túy (3 văn phòng ở 3 huyện, thành phố trọng điểm về ma túy); mô hình tư vấn đường dây nóng; mô hình lắp dựng pano, cấp phát tờ rơi; mô hình tập huấn và liên kết với các đội xã hội tình nguyện xã, phường; mô hình truyền thông trên mạng xã hội… giúp cộng đồng nằm vững thông tin, từ đó chủ động tìm đến với Cơ sở.

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Đức Thành cho biết thêm, để thực hiện thành công mô hình điều trị, cai nghiện tự nguyện trong CSCNMT công lập, thì điều”cốt tử” phải làm thay đổi quan điểm về cai nghiện, biến hoạt động quản lý cai nghiện thành nơi cung cấp dịch vụ; xây dựng đội ngũ chuyên môn thạo việc; thường xuyên lắng nghe ý kiến phản hồi của khách hàng, chấp nhận phản biện để điều chỉnh giải pháp… là những yếu tố tạo nên sức thu hút người nghiện và gia đình họ tự nguyện đến đăng ký cai nghiện với số lượng ngày càng đông.

Có thể nói, hiệu quả và thành công bước đầu từ mô hình cai nghiện tự nguyện của Cơ sở cai nghiện ma túy Lâm Đồng phù hợp với Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020, theo Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ: “Thực hiện đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị nghiện…”, và có thể là bài học kinh nghiệm cho công tác cai nghiện của các đơn vị khác trong cả nước./.

 Như Ngọc