Những cơ sở ban đầu cho việc hình thành Tòa ma túy trong hệ thống TAND Việt Nam Ngày đăng: 20/04/2018
Việc thành lập Tòa ma túy ở Việt Nam dự kiến sẽ góp phần làm giảm đáng kể tình trạng sử dụng ma túy và tái phạm tội, nâng cao sức khỏe cho người nghiện ma túy, tiết kiệm chi phí trong quá trình truy tố, thi hành án phạt tù và các chi phí liên quan đến tòa án khác.

Tổng quan về Tòa ma túy    

Tòa ma túy được ra đời để giải quyết vấn đề quá tải trong các nhà tù, nhưng quan trọng hơn cả là xử lý tận gốc nguyên nhân phạm tội do nghiện ma túy gây ra. Đây được coi là một bước tiến trong nền Tư pháp Hoa Kỳ. Thay vì xét xử những người nghiện ma túy phạm tội phi bạo lực (tàng trữ ma túy bất hợp pháp, lừa đảo, trộm cắp...) tại Tòa hình sự thông thường, người phạm tội được Cơ quan tiền xét xử căn cứ trên các tiêu chí phân loại (phạm tội lần đầu, tội phạm ít nghiêm trọng, tiền sử nghiện ma túy...) tư vấn để tham gia Chương trình Tòa ma túy (hướng dẫn, giám sát, hỗ trợ người nghiện điều trị nghiện ma túy) với sự tham gia của thẩm phán, cảnh sát, dịch vụ tư vấn điều trị nghiện, tư vấn tâm lý, giám sát cộng đồng để giảm tỉ lệ tái nghiện và tái phạm tội, bảo đảm tối đa quyền của người nghiện ma túy nhưng đồng thời có chế tài xử lý nghiêm khắc nếu họ không tuân thủ quyết định điều trị nghiện của Tòa ma túy.

Tòa ma túy đầu tiên được ra đời ở Miami, Florida, Hoa Kỳ vào năm 1989 để đáp ứng với tình hình sử dụng cocain gia tăng của thành thị. Đến nay đã có hơn 2.800 Tòa ma túy ở Hoa Kỳ và khoảng 40 Tòa ma túy ở 23 quốc gia khác trên thế giới như Achentina, Úc, Bỉ, Canada, Anh, New Ziland…

Trong 28 năm qua, các nghiên cứu về Toà ma túy, bao gồm hơn 100 đánh giá chương trình và ít nhất năm tổng hợp phân tích khoa học nghiêm ngặt, đã cho thấy bằng chứng rõ ràng rằng Tòa ma túy làm giảm đáng kể tình trạng phạm tội và lạm dụng chất gây nghiện và tiết kiệm chi phí hơn bất kỳ hình thức giam giữ hoặc biện pháp tư pháp nào khác.

Tòa ma túy làm giảm tình trạng sử dụng ma túy và tái phạm tội trong và sau khi hoàn thành chương trình điều trị; nâng cao sức khỏe và đời sống cho đối tượng; tiết kiệm chi phí trong quá trình truy tố, thi hành án, phạt tù và các chi phí liên quan đến tòa án khác; đem lại các lợi ích xã hội như giảm tình trạng sử dụng ma túy về lâu dài, tăng tỷ lệ có việc làm, giáo dục và gia đình hòa thuận.

Cùng với những tác động đã được chứng minh về tình hình tội phạm, Tòa ma túy cũng đã được chứng minh có hiệu quả kinh tế. Những nghiên cứu gần đây đã tính toán được chi phí tiết kiệm trung bình từ 3.000 đô la đến 13.000 đô la Mỹ trên mỗi đối với mỗi đối tượng tham gia Tòa ma túy do giảm được chi phí giam giữ tập trung, giảm chi phí bắt giữ và xét xử các đối tượng tái phạm tội cũng như các tổn hại khác do những người này gây ra nếu không tham gia chương trình này. Hàng năm có khoảng 120.000 người tham gia Tòa ma túy ở Hoa Kỳ, tiết kiệm được hơn 1 tỉ đô la mỗi năm.

Bối cảnh cấp bách trong nước và những ưu điểm của Tòa ma túy trên thế giới là những cơ sở để nghiên cứu mô hình Tòa ma túy nhằm xây dựng một mô hình có chức năng, nhiệm vụ tương tự, phù hợp với điều kiện Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý và điều trị cho người nghiện ma túy, giảm tỉ lệ tái phạm tội, đồng thời bảo đảm các quyền cơ bản của công dân.

Cơ sở lý luận của việc thành lập Tòa ma túy trong hệ thống Tòa án nhân dân ở Việt Nam

Sau khi Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 được ban hành, cơ cấu tổ chức hệ thống Tòa án đã có những thay đổi. Các Tòa chuyên trách được tổ chức ở Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện mà không được tổ chức ở Tòa án nhân dân tối cao nữa.

Nhằm nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc, tạo điều kiện phân công, bố trí, sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Toà án, ngày 21/1/2016 Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư số 01/2016/TT-CA quy định việc tổ chức các Toà chuyên trách tại Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương. Việc tổ chức các Toà chuyên trách tại Toà án nhân dân cấp tỉnh và Toà án nhân dân cấp huyện phải đáp ứng được các điều kiện sau: số lượng vụ việc mà Toà án thụ lý, giải quyết thuộc thẩm quyền của Toà chuyên trách phải từ 50 vụ/năm trở lên; có biên chế Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Toà án đáp ứng yêu cầu tổ chức Toà chuyên trách. Trường hợp tại Toà án không đáp ứng đủ điều kiện tổ chức Toà chuyên trách thì không tổ chức Toà chuyên trách nhưng phải bố trí Thẩm phán chuyên trách để giải quyết. Theo Thông tư số 01/2016/TT-CA thì thẩm quyền của các Toà chuyên trách được quy định cụ thể như sau:

Toà hình sự xét xử các vụ án hình sự, trừ các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà gia đình và người chưa thành niên; xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Toà án nhân dân trong trường hợp tại Toà án đó không tổ chức Toà xử lý hành chính, trừ trường hợp việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà gia đình và người chưa thành niên;

Toà dân sự giải quyết các vụ việc dân sự; giải quyết các vụ việc kinh doanh thương mại, phá sản, lao động, hành chính trong trường hợp tại Toà án đó không tổ chức Toà kinh tế, Toà lao động, Toà hành chính;

Toà kinh tế giải quyết các vụ việc kinh doanh thương mại, phá sản;

Toà hành chính giải quyết các vụ án hành chính;

Toà lao động giải quyết các vụ việc lao động;

Toà gia đình và người chưa thành niên giải quyết các vụ việc sau: các vụ án hình sự mà bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc các vụ án hình sự mà bị cáo là người đã đủ 18 tuổi trở lên nhưng người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác; xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Toà án nhân dân đối với người chưa thành niên; các vụ việc hôn nhân gia đình theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Toà xử lý hành chính xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Toà án nhân dân, trừ những việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà gia đình và người chưa thành niên.

Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, có hai mô hình Tòa chuyên trách mới được cho phép thành lập trong hệ thống Tòa án Việt Nam, đó là Tòa gia đình và người chưa thành niên và Tòa xử lý hành chính. Tòa gia đình và người chưa thành niên được thành lập xuất phát từ những đặc thù về tâm sinh lý của trẻ em, người chưa thành niên đòi hỏi phải hoàn thiện hệ thống pháp luật để có những biện pháp xử lý và những thủ tục tố tụng riêng biệt; đồng thời xuất phát từ tình hình người chưa thành niên vi phạm pháp luật nói chung và người chưa thành niên phạm tội nói riêng vẫn chiếm tỷ lệ cao, tái phạm và nghiêm trọng. Một căn cứ nữa của việc thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên là ngày càng có nhiều trẻ vị thành niên bị xâm hại cần có những biện pháp pháp lý để hỗ trợ, bảo vệ từ phía Tòa án, đặc biệt là những trường hợp bị xâm hại về tình dục, bóc lột sức lao động, bạo hành trong gia đình.

Ngoài ra, việc thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên còn xuất phát từ yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác giải quyết các vấn đề gia đình có liên quan đến quyền và lợi ích của người chưa thành niên; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cha mẹ trong việc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục con là người chưa thành niên.

Bên cạnh Tòa gia đình và người chưa thành niên, Tòa xử lý hành chính cũng được thành lập dựa trên yêu cầu của thực tiễn. Theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính , thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nay thuộc về Tòa án nhân dân cấp huyện. Sự thay đổi trong quy định pháp luật này đồng nghĩa với khối lượng công việc tăng lên đáng kể tại các Tòa án nhân dân cấp huyện, đồng thời đòi hỏi các Thẩm phán cần có kỹ năng chuyên biệt để giải quyết những loại việc này. Vì vậy, việc thành lập Tòa xử lý hành chính như một loại hình Tòa chuyên trách trong hệ thống Tòa án nhân dân là bước đi phù hợp với thực tiễn cũng như phù hợp với yêu cầu của cải cách tư pháp, nhằm đảm bảo những quyết định liên quan đến quyền con người, quyền công dân phải thuộc về cơ quan thực hiện quyền tư pháp.

Việc tổ chức các Tòa chuyên trách trong hệ thống tổ chức Tòa án nhân dân là một việc làm mang tính tất yếu khi mà thực tiễn đời sống luôn biến chuyển qua mỗi giai đoạn, đòi hỏi các thiết chế nhà nước đảm bảo quyền con người, đảm bảo sự ổn định của xã hội cũng phải thay đổi, hoàn thiện theo. Việc tổ chức các Tòa chuyên trách còn có ý nghĩa rất lớn đối với việc chuyên môn hóa trong thực hiện thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân bởi lẽ Thẩm phán các Tòa chuyên trách sẽ chuyên nghiệp hơn về kỹ năng giải quyết, xét xử từng loại án so với việc một Thẩm phán phải giải quyết tất cả các loại án thuộc các lĩnh vực khác nhau.

Giờ đây khi mà tình hình nghiện ma túy đã trở thành một vấn nạn; người nghiện ma túy trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, là nguy cơ tiềm tàng gây nên những bất ổn cho xã hội; khối lượng công việc liên quan đến biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện bởi các Tòa án nhân dân cấp huyện ngày càng có xu hướng tăng lên thì việc thành lập Tòa ma túy như một Tòa chuyên trách trong hệ thống Tòa án nhân dân là bước đi cần thiết. Ngày 23/10/2015, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình đã ký quyết định số 138/QĐ-TANDTC về việc thành lập ban chủ nhiệm và tổ giúp việc Đề án thành lập Tòa ma túy ở Việt Nam do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là chủ nhiệm Đề án, các thành viên gồm đại diện Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan liên quan của Chính phủ.

Việc thành lập Tòa ma túy ở Việt Nam dự kiến sẽ góp phần làm giảm đáng kể tình trạng sử dụng ma túy và tái phạm tội, nâng cao sức khỏe cho người nghiện ma túy, tiết kiệm chi phí trong quá trình truy tố, thi hành án phạt tù và các chi phí liên quan đến tòa án khác, đồng thời, đem lại các lợi ích xã hội khác như tăng tỷ lệ có việc làm sau cai nghiện và giữ mối quan hệ gia đình bền vững; chuyên môn hóa công tác giải quyết các vụ án trong đó việc thực hiện tội phạm xuất phát từ lý do nghiện ma túy nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng giải quyết án; góp phần hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân các cấp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đã được xác định trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng; bảo đảm đáp ứng yêu cầu đổi mới về thủ tục tư pháp đưa người đi cai nghiện bắt buộc và nâng cao chất lượng và hiệu quả điều trị, cai nghiện ma túy mà các tổ chức quốc tế và các tổ chức Liên Hợp Quốc đang khuyến cáo Việt Nam thực hiện.

Nguyễn Cửu Đức

Vụ Khoa giáo - Văn xã ( Văn phòng Chính phủ)