Điều trị, cai nghiện ma túy cho người nghiện: Xã hội cần hỗ trợ những gì? Ngày đăng: 23/03/2018
Thời gian qua, ở nhiều địa phương trong cả nước đã xảy ra một số vụ việc gây rối trật tự, tự hủy hoại bản thân, đe dọa an toàn tài sản, tính mạng của nhân dân do những người sử dụng ma túy tổng hợp và các chất hướng thần gây ra, làm hoang mang dư luận. Câu hỏi đặt ra là liệu nghiện ma túy nói chung và nghiện ma túy tổng hợp nói riêng có điều trị được hay không? Xã hội cần hỗ trợ họ những gì để họ có thể thoát khỏi tình trạng lệ thuộc vào ma túy tổng hợp, chấm dứt được những hành vi nguy hiểm cho mình và nguy hiểm cho cộng đồng?

Cai nghiện ma tuý là một quá trình lâu dài

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), điều trị cai nghiện ma tuý là một phương pháp tiếp cận toàn diện kéo dài qua một loạt các hoạt động can thiệp cụ thể cho tới khi đạt được kết quả cao nhất về thể chất và tâm thần. Như vậy, có thể thấy, cai nghiện ma túy có thể điều trị được nhưng đó là một quá trình lâu dài, chưa xác định được điểm kết thúc.

Ở Việt Nam, cai nghiện ma túy (nói chung) được chia làm 02 giai đoạn chính: cai nghiện và quản lý sau cai, tương ứng với các khoảng thời gian là 2 năm và 5 năm. Sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện, người sau cai nghiện cần tiếp tục được quản lý lâu dài trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng. Trong giai đoạn này, người cai nghiện ma túy thường gặp rất nhiều khó khăn và nếu không được giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời thì họ sẽ rất dễ buông xuôi, đồng thời sẽ tái sử dụng ma túy.

Khó khăn đầu tiên là về tình cảm, tinh thần, bị xa lánh, kỳ thị và phân biệt đối xử. Trong quá trình sử dụng ma túy, người nghiện thường có những hành vi gây ra ức chế, lo ngại cho cộng đồng. Vì vậy nói đến người sử dụng ma túy là nói đến thiệt hại, bệnh tật, căng thẳng, lo âu… nên người sử dụng ma túy bị xã hội xa lánh, kỳ thị là hệ quả tất yếu, không tránh khỏi.

Thứ hai, khó khăn về tâm lý và giao tiếp xã hội. Trong quá trình nghiện, người nghiện chỉ tập trung đối phó với vấn đề sử dụng ma túy của mình, dành toàn thời gian để kiếm tiền mua ma túy, sau khi có ma túy sử dụng thì lại chìm vào cơn phê, cuộc sống chỉ cần ma túy, không cần giao tiếp, không cần quan hệ xã hội, chỉ cần quan hệ với nhóm nghiện là đủ, không cần tư duy. Quy trình này lặp đi lặp lại và kéo dài ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác dẫn đến phần "xã hội" (khả năng giao tiếp, tương tác xã hội) của người nghiện dần dần bị mai một . Như vậy, người nghiện đã tự mình tách dần và cô lập khỏi đời sống xã hội và cộng đồng.

Thứ ba, khó khăn về nghề nghiệp, việc làm và ổn định cuộc sống. Theo kết quả điều tra, khảo sát, phần lớn người sử dụng ma túy có trình độ văn hóa thường là thấp, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm - nhất là việc làm đòi hỏi có sự khéo léo, kỹ thuật cao và tính kiên trì - rất hạn chế. Vì vậy, người sau cai rất khó kiếm được việc làm để ổn định cuộc sống.

Thứ tư, khó khăn về sức khỏe. Sử dụng ma túy, ngoài sự suy nhược cơ thể do bản thân người nghiện thiếu nhu cầu dinh dưỡng, hành vi sử dụng ma túy thường đi kèm với những hành vi nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lao, viêm gan siêu vi B, C, bệnh lây truyền qua đường tình dục và đặc biệt là HIV/AIDS. Những người sau cai chẳng may mắc bệnh sẽ gặp khó khăn nhiều hơn trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng.

Điều trị tâm lý, xã hội - điểm then chốt

Như vậy, để giúp đỡ người cai nghiện ma túy nói chung, người cai nghiện ma túy tổng hợp và các chất hướng thần mới nói riêng, theo ông Nguyễn Văn Lập, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐTB&XH Hà Nội, song song với việc tuyên truyền về giảm kỳ thị và phân biệt đối xử, cần hỗ trợ người cai nghiện tham gia các hoạt động xã hội và các hoạt động liên quan tới giá trị tinh thần để dần xóa bỏ mặc cảm và tự kỳ thị.

Bên cạnh đó, đối với các khó khăn về tâm lý và giao tiếp xã hội, người cai nghiện cần được hỗ trợ "điều trị tâm lý, xã hội". Đây là điểm then chốt với phương châm "Giúp người nghiện để người nghiện biết cách tự giúp mình".

Đồng thời, người tái hòa nhập cộng đồng cần được hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm (phù hợp với khả năng và điều kiện thực tế) để ổn định cuộc sống, giảm thời gian "nhàn cư vi bất thiện", dễ dẫn đến sử dụng lại ma túy; hỗ trợ các dịch vụ y tế đối với những người gặp khó khăn hoặc có "vấn đề" về sức khỏe.

Theo Kế hoạch số 56/KH-BCĐ ngày 8/3/2017 của Ban chỉ đạo Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy thành phố Hà Nội về triển khai công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy năm 2017, Hà Nội đang có 34 "Mô hình quản lý - giáo dục, tư vấn giúp đỡ người cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng và phòng, chống tái nghiện - Câu lạc bộ B93". Đây là mô hình được thiết kế đặc biệt để cung cấp các dịch vụ phù hợp cho người sau cai. Câu lạc bộ bố trí sinh hoạt hàng tuần nên sẽ có điều kiện quản lý và giúp đỡ những người sau cai được sâu sát và kịp thời.

Về hoạt động giảm kỳ thị và tạo thu nhập, câu lạc bộ vận động và tổ chức cho hội viên tham dự các sự kiện, các phong trào, các chiến dịch do địa phương tổ chức hoặc tự tổ chức các hoạt động có tính chất cộng đồng; tuyên truyền phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, đặc biệt là công tác cai nghiện và quản lý sau cai; tuyên truyền, vận động cai nghiện tự nguyện; Tuyên truyền, vận động người sau cai tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ;

Tư vấn, định hướng cho hội viên chấp nhận và tìm kiếm việc làm phù hợp với thực tế và năng lực bản thân, chú trọng những nghề dễ học, dễ làm, có thời gian học ngắn, hình thức học đơn giản như kèm cặp, truyền nghề; tổ chức sản xuất tại chỗ nếu địa phương có điều kiện đối với công việc đơn giản như: trông xe, rửa xe, tham gia vào các tổ tự quản, bảo vệ dân phố...

Bên cạnh đó, Câu lạc bộ tổ chức các hoạt động trị liệu, gồm: Giao ban Daytop và các nội dung tập dượt tâm lý, trải nghiệm các tình huống dự phòng chống tái nghiện; tổ chức tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm và tư vấn gia đình các nội dung hỗ trợ tâm lý và các vấn đề khác theo nhu cầu của hội viên, nhu cầu thực tế của từng người và theo điều kiện hoàn cảnh kinh tế xã hội, phong tục, tập quán tại nơi cư trú; tuyên truyền phổ biến pháp luật, giá trị văn hóa truyền thống, cách giao tiếp, ứng xử văn minh, thanh lịch.

Câu lạc bộ cũng thực hiện tuyên truyền các nội dung bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, phòng, chống nguy cơ mắc phải các bệnh lây nhiễm qua đường tiêm chích không an toàn, đường tình dục không an toàn và các nguồn nguy cơ khác; thực hiện giới thiệu, chuyển gửi những người có nhu cầu đến các dịch vụ điều trị (điều trị thay thế bằng Methadone, điều trị ARV…)./.                                 

Theo Tiếng chuông