Kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại tỉnh Đắk Lắk Ngày đăng: 25/09/2024
Ngày 20/9/2024, Đoàn công tác liên ngành do bà Đàm Thị Minh Thu - Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Tham gia đoàn công tác có đại diện Văn phòng Bộ Công an, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biện phòng) và các phòng chuyên môn thuộc Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội. Làm việc với Đoàn kiểm tra có lãnh đạo và phòng chuyên môn thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, đại diện lãnh đạo Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Y tế, Sở Tư pháp, Sở Tài chính và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.

Báo cáo với Đoàn kiểm tra, đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 962 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm (gồm: 609 cơ sở là nhà nghỉ, khách sạn, nhà trọ; 205 cơ sở kinh doanh karaoke và cơ sở massage; 148 cơ sở là quán bia, nhà hàng ăn uống, cắt tóc, gội đầu…) với hơn 600 nhân viên phục vụ; có 58 cơ sở nghi vấn hoạt động mại dâm, số lượng người bán dâm trên địa bàn ước tính khoảng 200 người, số người bán dâm đã được cơ quan chức năng thống kê là 55 người. Tình hình hoạt động mại dâm tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi được che dấu dưới nhiều hình thức nhằm đối phó khi bị phát hiện. Qua công tác nắm tình hình, người mua dâm, người bán dâm tự liên hệ với nhau thông qua các wedsite, các hội nhóm kín, các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook...để thực hiện giao dịch mua bán dâm gây khó khăn cho công tác phát hiện, xác minh và xử lý.

Trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp tỉnh đã tổ chức 8 lượt kiểm tra hành chính đối với 50 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện có nguy cơ cao phát sinh tệ nạn mại dâm; phối hợp với Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh tổ chức kiểm tra đột xuất 8 cơ sở kinh doanh dịch vụ massage và 01 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú; chuyển cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính 04 cơ sở, với số tiền phạt 36.000.000 đồng; tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự 6 tháng đối với 01 cơ sở kinh doanh massage; nhắc nhở, cảnh cáo 45 cơ sở. Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp huyện đã tổ chức kiểm tra 175 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm. Lực lượng chức năng toàn tỉnh đấu tranh triệt phá 13 tụ điểm mại dâm với 65 đối tượng liên quan.

Về công tác cai nghiện ma túy, trên địa bàn tỉnh hiện có 365 người sử dụng trái phép chất ma tuý, 292 người quản lý sau cai nghiện và 865 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó: 211 người nghiện đang ở ngoài cộng đồng và 693 người đang cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy. Người đang cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy. Toàn tỉnh hiện có 35/184 xã, phường, thi trấn không có tệ nạn ma tuý (chiếm 19,02%, giảm 06 xã so với thời điểm cuối năm 2023).

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 01 cơ sở cai nghiện ma túy công lập với công suất tiếp nhận cai nghiện cho 700 người và 03 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện do cá nhân thành lập với công suất tiếp nhận khoảng 500 người. Tuy nhiên, số người đăng ký cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập chưa tương xứng với quy mô, công suất của cơ sở (năm 2023: 105 người, 6 tháng đần năm 2024: 50 người). Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của Cơ sở cai nghiện ma túy công lập chưa đảm bảo theo quy định, hiện tại diện tích phòng ở, phòng vệ sinh trung bình cho 01 học viên sử dụng tại Cơ sở khoảng 4m2/học viên, không đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP. Nguồn nước sinh hoạt tại Cơ sở 2 bị nhiễm phèn nặng, bên cạnh đó các hộ dân xung quanh trồng cây lâu năm như cà phê, sầu riêng sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật rất nhiều, ảnh hưởng đến môi trường không khí và nguồn nước của Cơ sở cai nghiện.

Tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh diễn biến tương đối phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Tội phạm mua bán người hoạt động với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, đối tượng lợi dụng các trang mạng xã hội, internet, điện thoại di động để giới thiệu tạo lòng tin cho người dân sinh sống ở địa bàn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm hoặc việc làm không ổn định đang có nhu cầu, mong muốn tìm việc làm, rồi đưa họ ra nước ngoài; nhiều người dân đặc biệt là người dân tộc thiểu số, ở miền núi có điều kiện kinh tế khó khăn, có nhu cầu trong việc đi lao động, mưu sinh ở địa phương khác, đây là những trường hợp có nguy cơ dễ bị dụ dỗ, mua bán và trở thành nạn nhân. Sau khi nạn nhận được tiếp nhận giải cứu về địa phương đã được lực lượng chức năng phối hợp bảo vệ, tổ chức bàn giao, cung cấp thông tin và thực hiện hỗ trợ theo quy định giúp nạn nhân nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn gặp một số khó khăn:  Cơ sở vất chất của Cơ sở cai nghiện ma túy công lập xuống cấp, chưa được đầu tư đồng bộ theo quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP chưa đáp ứng được tình hình thực tế. Cơ sở cai nghiện ma túy do cá nhân thành lập chưa thu hút được người nghiện đăng ký điều trị tương xứng với quy mô, công suất và mức đầu tư. Cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội chủ yếu là kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi gây nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Kinh phí bố trí cho công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tại các đơn vị và địa phương còn hạn chế; công tác phòng chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân chưa thực sự được quan tâm đúng mức; nguy cơ và diễn biến tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn ngày càng phức tạp, đặc biệt là mua bán người trong nước.

Kết thúc buổi làm việc, bà Đàm Thị Minh Thu Cục trưởng, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội ghi nhận một số kết quả của tỉnh Đắk Lắk đạt được trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội thời gian qua. Đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk báo cáo UBND tỉnh tiến hành kiểm tra, rà soát điều kiện hoạt động và năng lực cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại 03 Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện do cá nhân thành lập để đảm bảo các điều kiện hoạt động theo đúng quy định tại Nghị định số116/2021/NĐ-CP. Rà soát điều kiện cơ sở vật chất, cơ cấu khối công trình, trang thiết bị, nhân sự tại Cơ sở cai nghiện ma túy, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phương án, lộ trình bố trí kinh phí để nâng cấp, sửa chữa, xây mới các khối công trình của Cơ sở cai nghiện ma túy; bố trí trang thiết bị, nhân sự…đảm bảo điều kiện hoạt động tối thiểu của Cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc theo quy định tại Luật Phòng, chống ma túy và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP. Sắp xếp tổ chức các lớp tập huấn về những quy định mới trong công tác phòng chống ma túy, mại dâm; những chính sách, quy định trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán cho cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh./.

Hoàng Hương