Hội thảo đánh giá đầu kỳ Dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” Ngày đăng: 23/06/2020
Ngày 22 và 23⁄6⁄2020, tại Quảng Ninh, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam (World Vision Việt Nam) phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo chia sẻ kết quả và tham vấn ý kiến về Khảo sát đầu kỳ và Chiến lược hỗ trợ lấy đối tượng đích làm trung tâm; tăng cường phối hợp trong hỗ trợ nạn nhân mua bán người và người có nguy cơ là nạn nhân.

 

 

 

Tham dự hội thảo có đại diện Cục Cảnh sát hình sự, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an), Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Tổng đài quốc gia 111 (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), Phòng Di cư quốc tế (Bộ Ngoại Giao), Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển và các tổ chức quốc tế, tổ chức Phi chính phủ tại Việt Nam (IOM, UN-ACT) và 5 tỉnh, thành phố thực hiện dự án (Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình).

Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động của World Vision Việt Nam, hướng tới mục tiêu: (1)Triển khai các can thiệp và hoạt động của Dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” phù hợp với bối cảnh tại từng địa phương nhằm cung cấp các hỗ trợ toàn diện và dài hạn, dựa trên nhu cầu của các nhóm đối tượng đích khác nhau của Dự án; và (2) Thúc đẩy và tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành tại tỉnh và liên tỉnh thông qua việc chia sẻ, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm.

Trong khuôn khổ kế hoạch Lĩnh vực tác động 3 của Dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại”, các kết quả chia sẻ tại Hội thảo được thu thập và tổng hợp từ chuỗi tham vấn cộng đồng thực hiện trong năm 2019 tại 5 tỉnh, thành phố thực hiện dự án; các khảo sát đầu kỳ do các tư vấn độc lập tiến hành tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Ninh; các cuộc phỏng vấn sâu đại diện cán bộ thuộc các Bộ, ban ngành trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người (từ tháng 2 năm 2020 đến nay).

Các đại biểu thảo luận

Dự thảo Báo cáo khảo sát đầu kỳ gồm các nội dung: (1) Báo cáo tổng quan về thực trạng yếu tố nguy cơ và hệ quả của mua bán người (đối tượng có nguy cơ cao, các yếu tố thúc đẩy nguy cơ, các xu hướng gây khó khăn cho quản lý di cư và hỗ trợ nạn nhân). Thực trạng về khung pháp lý, mạng lưới và hiệu quả dịch vụ hỗ trợ nạn nhân mua bán người. Đề xuất về nâng cao năng lực trong phòng chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân; (2) Báo cáo rà soát chính sách; (3) Báo cáo khảo sát nhu cầu năng lực của cán bộ; (4) Báo cáo rà soát dịch vụ hỗ trợ đối tượng đích.

Dự thảo chiến lược Hỗ trợ lấy nạn nhân làm trung tâm hỗ trợ các nhóm nạn nhân mua bán người/người có nguy cơ là nạn nhân nhằm phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng.

Hai hợp phần trên nằm trong Dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” (TMSV) được tài trợ bởi Bộ Nội vụ, Vương quốc Anh. Dự án là một trong những nỗ lực hợp tác giữa các tổ chức Di cư Quốc tế, tổ chức Tầm nhìn Thế giới, Hội đồng Anh và các cơ quan chính phủ Việt Nam với mục tiêu giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của các cá nhân và cộng đồng đối với nô lệ thời hiện đại, trong đó, bao gồm cả mua bán người. Dự án thông qua hợp tác nhiều bên, hướng đến việc thay đổi hành vi, thúc đẩy các cơ hội sinh kế thay thế, tăng cường tiếp cận với hệ thống tư pháp địa phương cũng như các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân. Cách thức tiếp cận sẽ giúp tối đa hóa những nỗ lực chung trong việc giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và có nguy cơ trở thành nạn nhân của mua bán người và nô lệ thời hiện đại.

Trong khuôn khổ Dự án này, Tổ chức World Vision Việt Nam thực hiện Đề án 3: Hỗ trợ phục hồi và tái hòa nhập cho nạn nhân của mua bán người thông qua việc xác định, bảo vệ, hỗ trợ và tái hòa nhập thành công cho nạn nhân/ người có nguy cơ bị mua bán theo từng trường hợp cụ thể trong thực tế.

Với các kết quả trên, cùng với những ý kiến được các đại biểu chia sẻ tại Hội thảo làm cơ sở để World Vision Việt Nam phát triển và hoàn thiện Chiến lược hỗ trợ lấy đối tượng đích làm trung tâm, hướng tới thực hiện các mục tiêu thuộc lĩnh vực tác động 3 của Dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại”.

Được biết, tổ chức World Vision tại Việt Nam là tổ chức cứu trợ và nhân đạo Cơ đốc, hoạt động thông qua các chương trình cứu trợ, phát triển và vận động chính sách nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng, đặc biệt là trẻ em ở vùng sâu vùng xa, sống trong hoàn cảnh nghèo khó, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, dân tộc hay giới.

Từ năm 1988, World Vision Việt Nam đã tổ chức các hoạt động cứu trợ khẩn cấp, sau đó chính thức mở văn phòng đại diện ở Hà Nội vào năm 1990. Từ đó đến nay, World Vision Việt Nam đã phối hợp với chính phủ và người dân Việt Nam triển khai các hoạt động tại 37 huyện của 19 tỉnh, thành phố trên cả nước, cùng các tổ chức phi chính phủ quốc tế khác trong việc thực hiện các chương trình cứu trợ, phát triển và vận động chính sách ở các cộng đồng còn đang gặp nhiều khó khăn./.

Như Ngọc