Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người tại Bắc Giang Ngày đăng: 13/10/2016
Triển khai Đề án III thực hiện các giải pháp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về , Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Giang đã tham mưu cho UBND tỉnh lồng ghép với các chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phòng, chống tệ nạn xã hội, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em.

Sở LĐTBXH đã phối hợp tổ chức tập huấn về công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân; một số kỹ năng như quản lý ca, chuyển tuyến quản lý, sử dụng đồng vốn hiệu quả, tiếp cận giúp đỡ nạn nhân bị mua bán trở về, hỗ trợ lập kế hoạch, theo dõi đánh giá hoạt động sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt và hỗ trợ tâm lý cho trên 1500 lượt cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã và các thành viên nhóm tự lực. Thành lập 6 nhóm tự lực thu hút 150 nạn nhân và người có nguy cơ cao tự nguyện tham gia. Thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương có nhóm tự lực tổ chức chiếu phim lưu động, xây dựng tiểu phẩm văn nghệ về đề tài mua bán người nhằm cung cấp kiến thức, sự hiểu biết về phương thức, thủ đoạn mua bán người. Kết nối, chuyển tuyến 06 nạn nhân học nghề tại Ngôi nhà Bình Yên, 01 tại Haga; hỗ trợ học văn hóa, học nghề cho 04 nạn nhân; tìm kiếm, tạo việc làm cho 02 nạn nhân. Tổ chức tư vấn, trợ giúp pháp lý cho 45 lượt nạn nhân, hỗ trợ khó khăn ban đầu cho 18 nạn nhân với tổng số tiền 36.000.000 đồng. Phối hợp với Tổ chức phi chính phủ AAT, UNIAP, SHARE và tổ chức IOM hỗ trợ vốn sinh kế cho 157 lượt nạn nhân với số tiền 1.191.000.000 đồng; hỗ trợ 30 con lợn (nái giống) cho 15 nạn nhân với tổng trị giá 91.320.000 đồng; song song với việc hỗ trợ vốn sinh kế đã có 98 thành viên Nhóm tự lực được tặng thẻ BHYT khám chữa bệnh.

         Chi Cục phòng, chống tệ nạn xã hội phối hợp với cơ quan chức năng xây dựng cuốn sổ tay về kiến thức đi làm ăn xa; phòng, chống mua bán người, thông báo địa chỉ cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, sinh hoạt nhóm tự lực; in cấp phát hàng vạn tờ rơi và làm mới nhiều panô, áp phích phòng, chống mua bán người.

Để nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ, tiếp nhận nạn nhân giai đoạn 2016 – 2020, Sở LĐTBXH phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung thực hiện một số nội dung sau:

- Tổ chức nghiên cứu, rà soát, đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy trình tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; đảm bảo theo hướng bình đẳng giới, phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương; chú ý quan tâm đến nhu cầu, đặc điểm của các nhóm thụ hưởng khác nhau, đặc biệt là trẻ em.

- Thống kê, lập hồ sơ quản lý nạn nhân bị mua bán, bao gồm: số nạn nhân tự trở về, được giải cứu, số được trao trả, tiếp nhận, số nghi là nạn nhân (thông qua xuất khẩu lao động, du lịch, kết hôn với người nước ngoài); xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm thực hiện hỗ trợ phù hợp; bảo đảm nguyên tắc kịp thời, chính xác, an toàn; bảo mật thông tin, bảo hộ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của nạn nhân theo quy định của pháp luật.

- Nâng cấp hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân tại Trung tâm Công tác xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân và tại cộng đồng; thống nhất hoạt động kết nối, chuyển tuyến, chia sẻ thông tin; duy trì và nhân rộng mô hình Nhóm tự lực tại cộng đồng.

- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người; thực hiện lồng ghép nội dung phòng, ngừa mua bán người vào chương trình phòng, chống tội phạm, phòng, chống tệ nạn xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em, chương trình vì sự tiến bộ của phụ nữ và chương trình khác về phát triển kinh tế - xã hội gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; biểu dương các cơ quan, tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến, mô hình hiệu quả.

Hà Quảng

Chi cục PCTNXH Bắc Giang