Theo thống kê của Tổng đài điện thoại quốc gia về bảo vệ trẻ em – số 111, thuộc Cục Trẻ em, trong quý III/2024, đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người đã tiếp nhận 621 cuộc gọi, tăng 30 cuộc so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có 332 cuộc gọi đề nghị cung cấp thông tin chung về hoạt động của đường dây nóng, tình hình mua bán người tại Việt Nam và các vấn đề về di cư, xuất khẩu lao động, việc làm; 265 cuộc gọi đề nghị tư vấn tâm lý, chính sách, các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân mua bán người, tìm kiếm người bị mất tích, trợ giúp nơi tạm lánh, y tế... cho nạn nhân và gia đình nạn nhân mua bán người.
Cũng theo báo cáo, đường dây nóng đã chuyển tuyến nhiều trường hợp có dấu hiệu và nguy cơ là nạn nhân mua bán người, cụ thể: chuyển tuyến sang cơ quan Công an 27 trường hợp; 05 trường hợp sang Bộ đội Biên phòng; 22 trường hợp sang các tổ chức NGO; 10 trường hợp chuyến đến ngành lao động, thương binh và xã hội.
Về giới tính, dân tộc, có 21 nam, 15 nữ; 32 người dân tộc Kinh, 04 người là người dân tộc thiểu số.
Về hình thức bị mua bán, có 10 người bị mua bán sang Campuchia; 05 người sang Lào; 06 người sang Trung Quốc; 03 người sang Myanmar và 12 người bị mua bán trong nước.
Về độ tuổi, có 03 trẻ em dưới 10 tuổi; 01 trẻ em từ 11 – 14 tuổi; 04 trẻ em từ 15 – 16 tuổi; 04 người từ 16 – 18 tuổi và 24 người trên 18 tuổi.
Về mục đích mua bán, có 24 người bị mua bán với mục đích bóc lột sức lao động; 03 người bị bóc lột tình dục; 02 người kết hôn bất hợp pháp; 03 trẻ em liên quan tới việc cho – nhận con nuôi và 02 người bị mất tích./.
Như Ngọc