Tăng cường công tác phối hợp trong tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán ở TP Hồ Chí Minh Ngày đăng: 23/05/2023
Ngày 10/5/2023, liên ngành Lao động- Thương binh và Xã hội, Công an, Bộ đội Biên phòng, Sở Ngoại vụ TP Hồ Chí Minh đã ban hành quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

 

 

 

 

 

 

Theo đó, mục đích phối hợp nhằm tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp trong chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của các sở, ngành đối với công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, nhất là việc tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ lấy nạn nhân làm trung tâm, vì quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bị mua bán. Bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của các sở, ngành trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng phối hợp giữa các sở, ngành và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thực hiện công tác này.

Hình thức phối hợp thông qua trao đổi trực tiếp, trao đổi bằng văn bản hoặc các hình thức phù hợp (điện thoại, email,...); tổ chức các cuộc họp liên ngành theo yêu cầu của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp; tổ chức các đoàn liên ngành thực hiện việc tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, giải quyết các vấn đề phát sinh đột xuất; kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả phối hợp thực hiện công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và các hình thức phối hợp khác do các sở, ngành thống nhất thực hiện.

Các nội dung và trách nhiệm phối hợp bao gồm: Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, đề án, dự án, chương trình, kế hoạch liên quan đến công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức thông qua việc xây dựng tờ rơi, phóng sự, video clip, chuyên trang, chuyên mục; tuyên truyền về chính sách pháp luật, công tác chỉ đạo, triển khai và kết quả thực hiện công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và đăng tải, cập nhật trên các phương tiện thông tin, đại chúng, trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội (Fanpage) của các sở, ngành; xây dựng tài liệu, cẩm nang, sách mỏng hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi sở, ngành; chia sẻ các sản phẩm truyền thông, tài liệu với các sở, ngành trong Quy chế phối hợp để phục vụ cho việc tuyên truyền trên các phương tiện, ấn phẩm truyền thông của các bên hoặc tại các Hội nghị, hội thảo, tập huấn, triển lãm... nhằm tránh bị chồng chéo, tiết kiệm nguồn lực và nâng cao hiệu quả truyền thông.

Tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp, trực tuyến, truyền thông tại cộng đồng, đặc biệt hướng đến nhóm nguy cơ cao như phụ nữ, trẻ em gái.

Đào tạo bồi dưỡng cho người làm công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng, chia sẻ tài liệu và tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán cho cán bộ thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, trọng tâm về các kiến thức, kỹ năng tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân dựa trên quyền và sự hiểu biết về sang chấn tâm lý, nhạy cảm giới. Công an, Bộ đội Biên phòng, Sở Ngoại vụ xây dựng, chia sẻ tài liệu và tổ chức tập huấn cho cán bộ thực hiện công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán thuộc ngành mình về những kiến thức chuyên ngành, biện pháp nghiệp vụ và các kỹ năng, tình huống có thể xảy ra trong quá trình tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Tiếp nhận thông tin, tài liệu về nạn nhân; tiếp nhận nạn nhân mua bán, Sở Ngoại vụ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị thuộc Công an Thành phố kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu liên quan đến nạn nhân bị mua bán, các giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam để thực hiện các thủ tục theo quy định hiện hành; chỉ đạo Phòng Lãnh sự phối hợp với Cục Lãnh sự và cơ quan đại diện nước ngoài của các nước mà nạn nhân là công dân (hoặc thường trú) để thực hiện việc xác minh thông tin, tài liệu về nạn nhân và phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Công an Thành phố trong việc trao trả nạn nhân theo quy định.

 Bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua bán và người thân thích: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và xã hội, Trung tâm Hỗ trợ xã hội áp dụng các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua bán và người thân thích của họ theo quy định. Trường hợp cần thiết, khi phát hiện có dấu hiệu không an toàn đối với nạn nhân và người thân thích của họ tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội thì thông tin ngay cho cơ quan Công an cấp quận, huyện, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cùng cấp trên địa bàn để phối hợp trong việc áp dụng các biện pháp bảo vệ. Công an Thành phố chỉ đạo Công an các cấp áp dụng các biện pháp bảo vệ nạn nhân và người thần thích của họ theo thẩm quyền; cử lực lượng phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Hỗ trợ xã hội trong quá trình bảo vệ nạn nhân khi được đề nghị. Bộ đội Biên phòng, áp dụng các biện pháp bảo vệ nạn nhân và người thân thích của họ theo thẩm quyền; cử lực lượng phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Hỗ trợ xã hội trong quá trình bảo vệ nạn nhân khi được đề nghị. Sở Ngoại vụ làm đầu mối liên lạc, kiến nghị Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài áp dụng các biện pháp bảo vệ nạn nhân, người chưa thành niên đi cùng nạn nhân là công dân Việt Nam tại vùng lãnh thổ nước sở tại theo thẩm quyền.

 Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại cho nạn nhân trong quá trình tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm Hỗ trợ xã hội tiếp nhận nạn nhân bị mua bán, bố trí chỗ ăn, ở phù hợp với giới tính, lửa tuổi; hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý, tư vấn học nghề, việc làm,... cho nạn nhân trong thời gian lưu trú tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội; phối hợp với cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nạn nhân cư trú để liên hệ với gia đình hoặc người thân trước khi đưa trở về nơi cư trú; trường hợp trẻ em mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa thì làm thủ tục hưởng chế độ bảo trợ xã hội theo quy định; tổ chức các hoạt động, dịch vụ hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng.

Công an Thành phố chỉ đạo cơ quan công an các cấp thực hiện hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và bố trí chỗ ở tạm thời cho nạn nhân bị mua bán, thông báo cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và phối hợp chuyển tuyến nạn nhân vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội (trường hợp không đủ điều kiện bố trí ăn, ở cho nạn nhân); bố trí phương tiện, cán bộ đưa nạn nhân là người chưa thành niên về nơi cư trú.

Bộ đội Biên phòng Thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, bố trí chỗ ở tạm thời cho nạn nhân bị mua bán (trường hợp nạn nhân tự đến trình báo hoặc do cơ quan Biên phòng giải cứu hoặc phát hiện tại khu vực biên giới, hải đảo, trên biển); trường hợp không đủ điều kiện bố trí ăn, ở cho nạn nhân thì phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện để chuyển tuyến nạn nhân vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội.

Sở Ngoại vụ phối hợp cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí về nước cho nạn nhân bị mua bán; kiến nghị Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) áp dụng các biện pháp bảo hộ công dân theo quy định hiện hành…

TM