Hà Nội: ''Trợ lực'' cho Đội công tác xã hội tình nguyện Ngày đăng: 30/07/2021
Đội công tác xã hội tình nguyện đã có nhiều hoạt động thiết thực góp phần không nhỏ vào công tác phòng, chống tệ nạn xã hội ở cơ sở, được thành phố Hà Nội quan tâm xây dựng, thực hiện. Tuy nhiên, một số Đội hoạt động chưa thực sự hiệu quả, nên cần được “trợ lực” để hoạt động tốt hơn.

Nhiều hoạt động thiết thực

Nhiệm vụ chính của Đội công tác xã hội tình nguyện là tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy, mại dâm, giảm lây nhiễm và tác hại của HIV/ AIDS, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại cộng đồng; tham gia quản lý, tư vấn, giáo dục, cảm hóa, vận động, hỗ trợ người nghiện ma túy cai nghiện; người bán dâm hoàn lương, nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng. Ngoài ra, Đội công tác xã hội tình nguyện có trách nhiệm phối hợp với các lực lượng chức năng của địa phương phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS và mua bán người…

Tình nguyện viên của các Đội công tác xã hội tình nguyện là những người nhiệt tình, tâm huyết, có uy tín, nắm rõ hoàn cảnh gia đình và những vấn đề liên quan đến người nghiện, người sử dụng ma túy và các nhóm đối tượng khác, nên họ được ví như “cánh tay” nối dài của các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội ở cơ sở. Hiện tại, 579/579 xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hà Nội đã có Đội công tác xã hội tình nguyện, với gần 4.400 tình nguyện viên. Riêng năm 2020, các Đội công tác xã hội tình nguyện đã tiếp cận, tuyên truyền trực tiếp cho hàng chục nghìn lượt hộ gia đình có người trong diện nguy cơ cao vi phạm tệ nạn xã hội; cấp phát hơn 100.000 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS.

Lực lượng tình nguyện viên cũng thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương, Câu lạc bộ quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng (Câu lạc bộ B93) tổ chức tư vấn cho bản thân người nghiện và gia đình họ về tác hại của ma túy, lợi ích của việc cai nghiện, các hình thức cai nghiện để họ có sự lựa chọn phù hợp. Nhờ đó, năm 2020, các địa phương đã vận động và tạo điều kiện giúp đỡ 2.373 người nghiện ma túy tham gia điều trị cai nghiện. Anh H.T.S, phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) cho hay: “Lắng nghe các tình nguyện viên tư vấn, tôi nhận ra cuộc sống có nhiều điều tốt đẹp ở phía trước. Vì thế, một lần nữa tôi quyết tâm điều trị cai nghiện tại cộng đồng”.

Từ đầu năm 2021 đến nay, các Đội công tác xã hội tình nguyện trên địa bàn thành phố tiếp tục triển khai nhiều hoạt động, nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của ma túy, nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy, phòng, chống tái nghiện. Trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn thành phố tổ chức được hơn 1.000 buổi tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn xã hội, thu hút gần 30.000 lượt người tham gia; đưa gần 2.800 người đi cai nghiện ma túy, đạt hơn 68% kế hoạch cả năm. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng tình nguyện viên các Đội công tác xã hội tình nguyện.

Cần tạo điều kiện để hoạt động hiệu quả

Hiệu quả hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện đã khẳng định trong thực tế. Tuy nhiên, ở thời điểm này, Đội công tác xã hội tình nguyện tại một số địa phương hoạt động kém sôi nổi hoặc tạm dừng hoạt động. Chẳng hạn tại Phú Xuyên, toàn huyện chỉ có 13/27 Đội công tác xã hội tình nguyện hoạt động.

Lý giải nguyên nhân, đại diện nhiều xã, thị trấn ở Phú Xuyên cho rằng, do nguồn kinh phí bố trí cho công tác phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung, Đội công tác xã hội tình nguyện nói riêng chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động trong thực tiễn. Hơn nữa, không ít tình nguyện viên kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, nên khó bố trí thời gian tham gia các hoạt động của đội…

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Mạnh Huy cho biết, hằng năm, huyện đều cấp kinh phí cho công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, trong đó có chế độ hỗ trợ cho các tình nguyện viên của Đội công tác xã hội tình nguyện. Ở cấp cơ sở, nguồn kinh phí này được chi chung, hoặc chi riêng theo từng nội dung, từng công việc, không có địa phương nào không được bố trí kinh phí. Huyện Phú Xuyên cũng khuyến khích các địa phương cân đối nguồn ngân sách, để có thêm kinh phí cho các Đội công tác xã hội tình nguyện hoạt động.

Những năm gần đây, thành phố yêu cầu 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hà Nội thành lập và duy trì hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện. Thành phố hỗ trợ kinh phí theo năm cho các Đội công tác xã hội tình nguyện và chế độ thù lao theo tháng cho các thành viên tham gia. Theo Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội Phùng Quang Thức, các địa phương không thể lấy lý do thiếu kinh phí hoặc không có kinh phí mà dừng hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện. Lực lượng này cần được trợ lực để hoạt động hiệu quả, không chỉ bằng sự quan tâm, đầu tư kinh phí, mà còn bằng sự động viên, khích lệ tinh thần từ chính quyền cấp cơ sở.

Ông Phùng Quang Thức cho biết thêm, dưới góc độ quản lý, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống tệ nạn xã hội cho các lực lượng có liên quan, trực tiếp là tình nguyện viên các Đội công tác xã hội tình nguyện.

Thực tiễn cho thấy, nơi nào Đội công tác xã hội tình nguyện hoạt động hiệu quả, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thì nơi đó giảm nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội, giảm tác hại do ma túy. Chẳng hạn như xã Đông Xuân (huyện Sóc Sơn) đã giảm số người nghiện ma túy từ hơn 30 người có hồ sơ quản lý vào năm 2011, xuống còn 8 người ở thời điểm hiện nay. Tại huyện Phú Xuyên, xã Châu Can cũng đạt nhiều kết quả khả quan trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội nhờ Đội công tác xã hội tình nguyện ở xã này được quan tâm về nhiều mặt để hoạt động tốt…

K.D (Theo Hà Nội Mới)