Vai trò của gia đình trong phòng, chống mua bán người Ngày đăng: 20/07/2021
Mặc dù số vụ mua bán người phát hiện trên địa bàn Thành phố Hà Nội không nhiều, nhưng do đặc điểm là đầu mối của nhiều tuyến giao thông đi các tỉnh nên Hà Nội trở thành địa bàn trung chuyển của các vụ mua bán người sang Trung Quốc và một số quốc gia khác. Tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn Thành phố có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn của tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức, cấu kết chặt chẽ, hình thành các đường dây tội phạm mua bán người liên tỉnh, xuyên quốc gia.

Tội phạm mua bán người lợi dụng sự kém hiểu biết, thiếu thông tin của nạn nhân, sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường; người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có nghề nghiệp và mong muốn có việc làm thu nhập cao, một số khác là các cô gái mới lớn do đua đòi, chơi bời để lừa gạt. Đối tượng tội phạm nhằm tới chủ yếu là nữ giới, ở độ tuổi từ 18 đến 25 tuổi, đa số là người ngoại tỉnh. Nạn nhân bị mua bán qua biên giới chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt là sang Trung Quốc (chiếm trên 75%), phần lớn phụ nữ khi bị bán sang Trung Quốc là để làm vợ hoặc đưa vào các ổ mại dâm; nạn nhân khi đã bị lừa bán thường khó được phát hiện, giải cứu trở về  (Từ năm 2012 đến tháng 6 năm 2021, Hà Nội đã phát hiện, khám phá 52 vụ mua bán người, mua bán trẻ em, bắt giữ 111 đối tượng, có 111 nạn nhân bị lừa bán; trong đó có 44 vụ mua bán người, mua bán trẻ em sang Trung Quốc (chiếm 85,7% tổng số vụ khám phá). Khởi tố 52 vụ án, 107 bị can).

Qua công tác điều tra, khám phá của lực lượng Công an đã phát hiện các phương thức, thủ đoạn mà tội phạm mua bán người thường sử dụng để lừa gạt người bị hại: Các đối tượng tiếp cận, làm quen với các cô gái mới lớn ở các vùng nông thôn, dân trí thấp, gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, con cái không có điều kiện học hành, bỏ học, không có công ăn việc làm ổn định.... dễ bị dụ dỗ, lôi kéo đến làm việc tại các cở sở kinh doanh nhạy cảm (nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, quán karaoke, massage, cắt tóc gội đầu, các dịch vụ thư giãn, giải trí có liên quan đến tình dục...), hoặc đưa ra nước ngoài sau đó ép buộc lao động làm việc khổ sai, trả lương thấp, không trả lương, lạm dụng tình dục. Chúng bán họ vào các động mại dâm hoặc làm vợ bất hợp pháp để thu lợi nhuận. Lợi dụng các hoạt động giới thiệu việc làm, môi giới hôn nhân và cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, đi du lịch, thăm nhân, xuất khẩu lao động... để lừa nạn nhân ra nước ngoài. Đặc biệt bọn tội phạm còn lợi dụng công nghệ thông tin như điện thoại di đông, internet (chat trên các mạng xã hội, game...) để tán tỉnh các cô gái, giả vờ yêu đương, kết bạn rồi dụ dỗ lên biên giới đi mua hàng hóa, đi chơi, hoặc tìm việc làm... sau đó chúng đưa nạn nhân qua biên giới rồi bán cho các đối tượng bên kia biên giới để ép bán dâm hoặc đưa vào các cở sở sản xuất, kinh doanh để bóc lột sức lao động, ép làm những công việc nặng nhọc, bị đánh đập, bị lạm dụng tình dục, không được trả lương hoặc trả lương rất thấp và không cho về Việt Nam. Một số đối tượng lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của nạn nhân giả vờ yêu đương, sau đó đẩy họ vào con đường sa ngã hoặc bị lệ thuộc để cưỡng ép, mua chuộc, đe dọa buộc họ làm theo ý định của chúng. Đến các khu công cộng như các vườn hoa, công viên… để tìm kiếm các em nhỏ lang thang, bán báo, đánh giày, trẻ em đường phố, gái mại dâm… để dụ dỗ, bắt cóc mang đi bán. Làm quen với những phụ nữ có con nhỏ mới sinh, lợi dụng họ sơ hở để chiếm đoạt con, dùng giấy tờ giả mạo để đem bán các cháu hoặc chúng sử dụng đồng bọn lân la tới các vùng quê, các bệnh viện, các cơ sở khám bệnh tư nhân để phát hiện trẻ em lỡ có thai hoặc gia đình trục trặc, khó khăn về kinh tế, sinh con ngoài ý muốn... để gạ gẫm, lừa gạt, thu gom trẻ sơ sinh sau đó đem bán kiếm lời. Lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý của các nhà thờ, nhà chùa, nhà tình thương... có nuôi trẻ em, lập hồ sơ trẻ bị bỏ rơi để hợp pháp hóa bán các cháu. Các đối tượng thông qua nhóm: “Hội cho và nhận con nuôi” ,“Hội hiếm muộn con” trên mạng xã hội Facebook để thu thập thông tin, tìm kiếm những người phụ nữ sinh con nhưng không có nhu cầu nuôi để gặp gỡ thỏa thuận việc nhận con nuôi. Sau khi nhận được những đứa trẻ này, các đối tượng mang đi bán để hưởng lợi. Ngoài ra, xuất hiện tội phạm mua bán nội tạng (mua bán thận) thông qua hình thức hiến tặng...

Trong thời gian qua, với sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, Hội đồng nhân dân và UBND Thành phố, sự tích cực phối hợp của các Sở, ngành, địa phương trong công tác tuyên truyền, phát động nhân dân tố giác tội phạm, điều tra khám phá các vụ án, cung cấp thông tin và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng... đã góp phần giảm phát sinh tội phạm mua bán người trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, để làm tốt công tác này, ngoài sự nỗ lực của chính quyền địa phương, thì gia đình đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm mua bán người.

Gia đình tuy không phải là thiết chế duy nhất, nhưng có vai trò vô cùng quan trọng trong trách nhiệm giáo dục, bảo vệ thành viên trong gia đình, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Gia đình là thành trì vững chắc để bảo vệ trẻ em trước những rủi ro, nguy cơ bị xâm hại và tội phạm mua bán người. Do vậy, cần làm tốt công tác tuyên truyền tới từng thành viên trong gia đình, người dân về  thủ đoạn mà tội phạm mua bán người thường sử dụng, người dân cần nêu cao cảnh giác để tự phòng ngừa. Đặc biệt, đối với phụ nữ trẻ, trẻ em gái cần thận trọng khi làm quen, tiếp xúc, quan hệ với các nam thanh niên mới quen biết hoặc quen biết qua các mạng xã hội ảo (chat, email, facebook, game online...) vì rất dễ bị các đối tượng lợi dụng lừa gạt. Các gia đình có con em đang ở độ tuổi vị thành niên cần chú ý quản lý việc sử dụng điện thoại, internet của các cháu; phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường để quản lý, nắm được các mối quan hệ bạn bè của các cháu để có sự giáo dục, quản lý; Quan tâm chia sẻ, lắng nghe con em mình; tăng cường giáo dục kỹ năng mềm, tỉnh táo, cảnh giác, thận trọng với các mối quan hệ xã hội; Nắm được các mối quan hệ bạn bè của các cháu để có sự giáo dục, quản lý, phòng tránh bị các đối tượng mua bán người lợi dụng lừa gạt; Người dân cần nắm được các thủ đoạn của tội phạm mua bán người, tránh để tội phạm lợi dụng, trở thành người tiếp tay, giúp sức, đồng phạm với tội phạm mua bán người.

Hưởng ứng ngày “Ngày toàn dân phòng chống mua bán người 30-7” nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người, mỗi cá nhân, mỗi gia đình và các ngành, các cấp cần làm tốt công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm, để mọi người dân nâng cao ý thức phòng ngừa, tham gia tố giác tội phạm để thuận lợi công tác điều tra các vụ án, giải cứu, bảo vệ, xác minh, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong công tác phòng chống mua bán người trên địa bàn Thủ đô.

Lê Thị Thúy – Chi cục PCTNXH Hà Nội