Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai công tác phòng, chống ma túy trong trường học năm 2021 Ngày đăng: 23/06/2021
Ngày 22/6, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học và hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2021. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu của Bộ và 63 Sở GD&ĐT.

 

 

 

 

 

Tệ nạn ma túy trong học đường ngày càng phức tạp

Tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) Bùi Văn Linh cho biết: Tệ nạn ma túy hiện đang là vấn đề phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt đời sống - xã hội và để lại hậu quả nặng nề về kinh tế, sức khỏe công cộng, trật tự, an toàn xã hội và đe dọa an ninh quốc gia.

Tính đến cuối năm 2020, theo thống kê của Bộ Công an, cả nước có 235.012 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế, số người nghiện và nghi nghiện ở nước ta còn cao hơn. Điều đáng nói là thành phần người nghiện rất đa dạng và đang trong độ tuổi rất trẻ. Trong đó, có cả người nghiện là học sinh, sinh viên. Ma túy đã và đang hủy hoại tương lai của nhiều thanh thiếu niên, lấy đi cơ hội giúp họ trở thành công dân có ích cho đất nước và đang đe dọa cuộc sống bình yên của hàng triệu người khác.

Trong bối cảnh tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy đang diễn biến phức tạp với nhiều yếu tố khó lường, đặc biệt là ngày càng xuất hiện nhiều loại chất hướng thần mới rất nguy hiểm, công tác phòng, chống ma túy nói chung, bảo vệ thế hệ trẻ trước sự tấn công của tệ nạn ma túy là nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết.

Nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 36-CT/TƯ ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về việc tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như khảo sát, đánh giá thực trạng về công tác phòng, chống ma túy trong trường học; đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội cho thanh, thiếu niên, cán bộ đoàn, hội, đội của các nhà trường…

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận chỉ ra thực trạng của tệ nạn ma túy trong trường học mà Dự án "Chung tay bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy" đặt ra, chỉ ra những thách thức, nguy hại của các loại ma túy đối với HSSV, từ đó hiến kế những giải pháp để triển khai 5 nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ giao cho Bộ GD&ĐT.

Bộ tài liệu Kỹ năng phòng, chống ma túy

Chính thức triển khai bộ tài liệu chuyên sâu về kỹ năng phòng, chống ma túy

Một trong những điểm mới đáng chú ý trong công tác phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội trong trường học năm 2021 là triển khai bộ tài liệu Kỹ năng phòng, chống ma túy. Đây là lần đầu tiên, học sinh trên cả nước có một bộ tài liệu mang tính chuyên sâu, giúp các em không chỉ nhận thức rõ tác hại của ma túy mà còn được hướng dẫn chi tiết về kỹ năng phòng ngừa các nguy cơ, tình huống ứng phó với tệ nạn ma túy. Tài liệu gồm 4 cuốn, dành cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo viên và phụ huynh, do Viện Nghiên cứu và ứng dụng phòng chống ma túy (Viện PSD) biên soạn, được Bộ GD&ĐT thẩm định, phê duyệt.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ phối hợp với một số địa phương tổ chức thí điểm xét nghiệm chất ma túy cho học sinh, sinh viên trong trường học và khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; triển khai dự án “Cùng chung tay bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy” từ nay tới năm 2025 và kế hoạch can thiệp phòng ngừa nghiện ma túy cho học sinh, sinh viên…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh nêu rõ các cơ sở giáo dục căn cứ vào diễn biến của dịch COVID-19 lựa chọn tổ chức các mô hình tuyên truyền giáo dục cho HSSV sao cho phù hợp để hưởng ứng tháng hành động phòng chống ma túy 2021 với chủ đề “Vì sức khỏe của mọi người, hạnh phúc của mọi nhà - Hãy tránh xa ma túy”.

Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Viện PSD chủ động tham mưu với chính quyền địa phương triển khai hiệu quả 5 nhóm nhiệm vụ đã có kế hoạch chi tiết về phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học.

Tổ chức khảo sát để có những đánh giá đúng thực trạng về công tác phòng chống ma túy trong trường học; tổ chức các chương trình tuyên truyền tập huấn công tác phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm cho HSSV, các cán bộ đoàn đội; xã hội hóa các chương trình tuyên truyền giáo dục để nâng cao kiến thức kĩ năng phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học; triển khai bộ tài liệu kĩ năng phòng chống ma túy, tổ chức tập huấn cho giáo viên, cha mẹ học sinh, học sinh.

Đồng thời, phát huy tính chủ động sáng tạo của cán bộ quản lí của các thầy cô trong việc lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục về phòng chống ma túy tệ nạn xã hội vào các nội dung học chính khóa và các hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa của nhà trường đảm bảo phù hợp hiệu quả với HSSV.

Ngoài ra, ngành GD&ĐT các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban ngành đoàn thể, tạo mối gắn kết giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho HSSV, điều tra xử lí kịp thời nghiêm minh các vụ việc vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy tệ nạn xã hội liên quan đến HSSV.

Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn, hội, đội trong trường học để tổ chức các hoạt động lồng ghép nội dung phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, các diễn đàn, tọa đàm để thu hút được đông đảo HSSV tham gia tích cực nhất./.

Như Ngọc