Hội thảo về “Bản chất, dự phòng, điều trị nghiện ma túy” Ngày đăng: 06/11/2019
Từ ngày 4-6⁄11⁄2019, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phối hợp với Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC) tổ chức Hội thảo về “Bản chất, dự phòng, điều trị nghiện ma túy”. Ông Lê Văn Khánh, Phó Cục trưởng Cục PCTNXH chủ trì Hội thảo. Tham dự hội thảo còn có ông Nguyễn Cửu Đức, hàm Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo-Văn xã (Văn phòng Chính phủ), bà Anja Busse, điều phối viên Chương trình toàn cầu của UNODC, bà Karen Peter, điều phối viên khu vực Châu Á- Thái Bình Dương của UNODC, bà Ngô Kiều Lan, điều phối viên dự án UNODC tại Việt Nam, ông Vũ Huy Hoàng, Trưởng đại diện Cục Quản lý điều trị nghiện chất và sức khỏe tâm thần Hoa Kỳ tại Việt Nam (SAMHSA). Ngoài ra, tham dự Hội thảo còn có trên 30 đại biểu đại diện Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Chi cục PCTNXH thành phố Hà Nội, Trường Đại học Lao động Xã hội, Viện Khoa học Lao động- Xã hội, Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng…

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Văn Khánh đánh giá cao việc tổ chức Hội thảo về “Bản chất, dự phòng, điều trị nghiện ma túy” cho đội ngũ cán bộ quản lý thuộc các cơ quan có nhiệm vụ hoạch định chính sách về lĩnh vực dự phòng và điều trị nghiện ma túy của Việt Nam cũng như sự tham gia của các đại biểu.

Ông Lê Văn Khánh phát biểu tại Hội thảo

Tại Việt Nam, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai nhiều giải pháp từ tuyên truyền giáo dục, thuyết phục đến cơ chế chính sách, pháp luật nhằm phòng, chống ma túy, huy động các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện đồng bộ cả 3 mục tiêu: giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy và đã thu được những kết quả nhất định, góp phần làm giảm lây truyền HIV và các bệnh truyền nhiễm khác. Tuy nhiên, tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ ngày càng khó kiểm soát hơn. Theo báo cáo của Bộ Công an, 6 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng đã bắt 12.280 vụ với trên 19.500 đối tượng phạm tội ma túy. Số người nghiện liên tục tăng, đến nay, cả nước đã có trên 230.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Ngoài nghiện các chất dạng thuốc phiện, người nghiện ma túy tổng hợp dạng Amphetamin, đặc biệt là Methamphetamin dạng đá đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều, gây khó khăn cho việc kiểm soát của các cơ quan chức năng. Một bộ phận người sử dụng ma túy tổng hợp bị rối loạn tâm thần và có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội.

Ông Nguyễn Cửu Đức phát biểu tại Hội thảo

Để ứng phó với tình hình ma túy ngày càng phức tạp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về tăng cường phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới, trong đó có giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy. Thực hiện sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ cũng đã và đang tổng kết đánh giá, xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong đó, quy định và áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy.

Tại Hội thảo này, ông Lê Văn Khánh hy vọng những kiến thức, kinh nghiệm về mô hình dự phòng và điều trị nghiện hiệu quả mà các chuyên gia trao đổi sẽ giúp cho các bộ, ngành có thêm những lựa chọn, cân nhắc trong việc tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật về phòng, chống, kiểm soát ma túy trong tình hình hiện nay.

Toàn cảnh Hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã được đại diện UNODC giới thiệu, trao đổi về các nội dung như: đối tượng dễ bị tổn thương khi bắt đầu sử dụng ma túy; các can thiệp và chính sách dự phòng dựa trên bằng chứng; làm thế nào để thực hiện dự phòng dựa trên bằng chứng; điều trị dược lý; điều trị tâm lý xã hội; phòng ngừa các hậu quả về sức khỏe và xã hội của việc sử dụng ma túy và rối loạn sử dụng chất; xây dựng chính sách, lập kế hoạch chiến lược và điều phối dịch vụ.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Triệu Mạo