Gia Lai: Công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm có nhiều điểm sáng Ngày đăng: 09/11/2019
Tiếp tục chương trình, kế hoạch kiểm tra, ngày 08⁄11⁄2019, Đoàn công tác của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm (UBQG), do ông Đoàn Hữu Bẩy, Ủy viên Thư ký, Phó vụ trưởng Vụ Khoa giáo-Văn xã (Văn Phòng Chính phủ) làm trưởng đoàn, đã đi kiểm tra và làm việc với UBND tỉnh Gia Lai về công tác phòng, chống HIV⁄AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm trên địa bàn tỉnh.

Làm tốt công tác tuyên truyền và quản lý người nghiện

Theo thống kê, tính đến ngày 14/6/2019, toàn tỉnh Gia Lai có 1.059 đối tượng liên quan ma túy (tăng 9 người so với năm 2015), trong đó, có 982 người nghiện, sử dụng ma túy (297 người vừa nghiện, sử dụng ma túy vừa nghi vấn tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy) và 77 đối tượng nghi vấn tàng trữ, mua bán hoặc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (giảm 01 đối tượng so với cuối 2018); có 815 đối tượng tại cộng đồng xã hội (trong đó có 637 người nghiện) tại 135/222 xã phường, thị trấn của 17/17 huyện, thị xã, thành phố (tăng 09 địa bàn so cuối 2018); 136 đối tượng trong nhà tạm giữ; 108 người tại Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh. Tỷ lệ nữ giới liên quan đến ma túy có xu hướng tăng (có 82 đối tượng nữ, chiếm tỷ lệ 7,74% và tăng 0,76% so tỷ lệ nữ giới liên quan ma túy cuối năm 2018); tỷ lệ đối tượng trong độ tuổi thanh, thiếu niên giảm nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao trong số đối tượng liên quan ma túy (có 623 đối tượng trong độ tuổi thanh thiếu niên, chiếm 58,82%, giảm 5,8% so cuối năm 2018).

Trên địa bàn tỉnh có 2.052 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm có điều kiện, trong đó, 952 cơ sở lưu trú khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, nhà cho thuê; 245 nhà hàng Karaoke và cơ sở massage; 05 cơ sở vũ trường; 850 cơ sở loại hình kinh doanh khác như nhà hàng ăn uống, quán cà phê, cắt tóc gội đầu thư giãn.

Số nhân viên lao động tại các cơ sở kinh doanh là 1.560 người (số nhân viên có hợp đồng lao động 980 người, 580 lao động thử việc; số nhân viên nữ: 630 người; số nhân viên là người ngoại tỉnh: 420 người). Số cơ sở nghi vấn có liên quan đến tệ nạn mại dâm 04 cơ sở; 12 đối tượng nghi vấn liên quan đến việc chứa mại dâm. Số nhiễm HIV phát hiện mới năm 2019 là 56 người, số người nhiễm HIV lũy tích trong toàn tỉnh là 1.527 người (trong tỉnh: 1.105 người, ngoại tỉnh: 422 người). Bệnh nhân AIDS phát hiện mới là 07 người, số bệnh nhân AIDS lũy tích trong toàn tỉnh là 493 người (trong tỉnh: 394 người, ngoại tỉnh: 99 người). Đặc biệt, tình trạng đối tượng sử dụng ma túy trong cơ sở kinh doanh lưu trú, quánInternet, Karaoke, quán bar... xảy ra nhiều, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên nhưng chưa được xử lý triệt để; một số vụ có đông người tham gia.

Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục PCTNXH trao đổi ý kiến với địa phương

Theo bà RCom Sa Duyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - TBXH tỉnh Gia Lai, tuy không phải là điểm nóng về ma túy và tệ nạn ma túy nhưng tội phạm và tệ nạn ma túy  trên địa bàn tỉnh diễn biến ngày càng phức tạp; số vụ phát hiện, bắt giữ có chiều hướng gia tăng; trung bình mỗi năm tăng từ 10-30% số vụ.

Công tác phòng, chống tệ nạn ma túy luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo. Tất cả các huyện, thị xã, thành phố đều thành lập Ban Chỉ đạo và kiện toàn đến cấp xã để thống nhất chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phòng chống tệ nạn xã hội nói chung và cai nghiện phục hồi nói riêng. Nhiều huyện, thành phố, thị xã đã quan tâm, chỉ đạo, có cách làm sáng tạo, năng động, đầu tư mạnh mẽ các nguồn lực cho công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng như: huyện Chư Sê, thị xã Ayun Pa, thành phố Pleiku,...

Mặc dù tỷ lệ tái nghiện còn cao song các hoạt động hỗ trợ giúp đỡ người cai nghiện tại gia đình và cộng đồng ngày càng được tăng cường như thăm hỏi, chăm sóc sức khỏe, tư vấn chống tái nghiện và hỗ trợ học nghề tạo việc làm… Hoạt động tạo việc làm được chú trọng hơn thông qua Chương trình xóa đói giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn. Công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng gắn với quản lý địa bàn, không để tồn tại các tụ điểm mua bán ma túy và hạn chế số người nghiện mới phát sinh. Nhận thức của người dân về tác hại của ma túy, mại dâm, HIV/AIDS đã được nâng lên rõ rệt; sự kỳ thị của cộng đồng không còn phổ biến như trước đây.

Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng chống ma túy tại các khu vực, địa bàn trọng điểm phức tạp, các nhóm nguy cơ cao tiếp tục được đẩy mạnh. Chú trọng lồng ghép các nội dung tuyên truyền, giáo dục về phòng chống ma túy với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, truyền thông qua mạng xã hội về hiểm họa của ma túy. Phát động sâu rộng và đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm ma túy, xây dựng khu dân cư không có tội phạm ma túy, tệ nạn xã hội. Giúp đỡ người nghiện đi cai nghiện tại gia đình và cộng đồng và làm tốt công tác quản lý sau cai nghiện. Chú trọng tuyên truyền các tấm gương người tốt, việc tốt, gương cai nghiện thành công và thông tin hiệu quả mô hình điều trị cai nghiện bằng Methadone...

Tăng cường rà soát, kịp thời phát hiện, triệt xóa diện tích trồng cây có chứa chất ma túy. Đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa không để xảy ra tình trạng tái trồng các loại cây có chứa chất ma túy, đẩy mạnh công tác đấu tranh trấn áp và tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu quả đấu tranh, điều tra, bắt giữ các đường dây, tổ chức, tụ điểm, đối tượng phạm tội về ma túy, ngăn chặn việc thẩm lậu ma túy từ bên ngoài vào địa bàn. Đa dạng hóa các hình thức điều trị, cai nghiện ma túy, tăng cường công tác quản lý, giáo dục, phòng ngừa tái nghiện nhằm hạn chế gia tăng người nghiện mới, chú trọng công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho người cai nghiện.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng kiến nghị, Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi Luật Phòng chống ma túy cho phù hợp nhất quán với luật hành chính, cụ thể tại các điều khoản: Khoản 1 Điều 27 Luật Phòng chống ma túy, Khoản 2 Điều 28 Luật Phòng chống ma túy, Khoản 1 và 2 Điều 29 Luật Phòng chống ma túy, Điều 33 Luật Phòng chống ma túy, Điều l31 Luật Xử lý vi phạm hành chính; xem xét, sửa đổi bổ sung Điều 8, Điều 11, Điều 12 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Đề nghị sửa đổi là không giao cho gia đình quản lý, xét nhiệm dương tính với ma túy thì lập hồ sơ trong ngày để họp xét đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên qua đến công tác phòng, chống ma túy để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương ban hành chính sách tổng thể, đầy đủ các nội dung chi cho công tác phòng chống ma tuý đáp ứng yêu cầu: Dễ tuyên truyền, triển khai và dễ kiểm tra, kiểm soát trong triển khai thực hiện, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Bộ Chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống và kiểm soát ma tuý giai đoạn 2018- 2020 và những năm tiếp theo.

Ngoài ra, cần có cơ chế đặc thù riêng với công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma tuý và mại dâm ở các vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc ít người, miền núi.

Sử dụng, bố trí nguồn lực, đầu tư, nâng cấp cơ sở cai nghiện

Sau khi đi kiểm tra Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy, Cơ sở điều trị Methadone của tỉnh và nghe báo cáo của địa phương, ông Đoàn Hữu Bảy, Trưởng Đoàn kiểm tra đánh giá, Gia Lai đã làm tốt công tác chỉ đạo và điều hành quan tâm thực hiện thường xuyên, đồng bộ và kiện toàn, thường trực đến thôn bản. Công tác truyền thông làm rất tốt. Các mặt công tác phòng chống rất tốt, nhiều địa bàn không có tệ nạn xã hội.

Ông Nguyễn Hữu Bẩy - Trưởng Đoàn kết luận buổi làm việc

Tuy nhiên, vấn đề mới nổi lên hiện nay là tình hình sử dụng ma túy tổng hợp gia tăng, có ở khắp các địa phương trong cả nước. Việt Nam đã cam kết với Liên hợp quốc về việc thực hiện mục tiêu 90-90-90 và chấm dứt đại dịch AIDS trước năm 2030. Với kết quả thực hiện can thiệp điều trị bằng methadone của Gia Lai, Đoàn công tác ghi nhận và đánh giá cao, nhất là việc tổ chức tuyên truyền tốt, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nghiện ma túy, thực hiện đạt 100% người điều trị ARV có thẻ BHYT. Đây là những điểm sáng cần nhân rộng.

Mặc dù không phải tỉnh trọng điểm về ma túy, mại dâm, song dự báo có nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Là địa phương có tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm hơn 44%, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao; chịu nhiều sức ép như vấn đề di dân tự do, kiểm soát, theo dõi, can thiệp y tế. Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh Gia Lai cần tập trung chủ động phòng, ngừa tốt hơn. Ngoài ra, tỉnh cũng cần trao đổi, học tập kinh nghiệm của một số địa phương khác làm tốt công tác phòng chống AIDS, phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm như Sơn La, Hà Giang, Hà Nội, Lai Châu, TP. Hồ Chí Minh.

Đoàn công tác kiến nghị với địa phương một số nội dung sau:

- Nghiên cứu thành lập mới một số cơ sở cấp phát thuốc điều trị thay thế bằng methadone và duy trì hoạt động bền vững chương trình này, giảm số đối tượng ra khỏi chương trình, chú ý các trường hợp sử dụng đồng thời các loại ma túy khác.

- Quản lý tốt đối tượng người nghiện tại gia đình, cộng đồng, hỗ trợ cơ sở cai nghiện ma túy, phòng ngừa xảy ra trường hợp vỡ cơ sở, đặc biệt trong tình hình số đối tượng cai nghiện bắt buộc có liên quan tới tội phạm, nhất là trong thời điểm tổ chức đại hội Đảng các cấp.

- Đề nghị tỉnh thực hiện đúng, không chuyển nguồn kinh phí đầu tư công trung hạn của Trung ương khi được phân bổ.

- Chủ động triển khai Chỉ thị 36-CT/TW, Nghị quyết 30 của Chính phủ, Nghị quyết của Quốc hội để ban hành chương trình, kế hoạch hành động thực hiện, trong đó, dự báo tốt tình hình, bố trí cân đối nguồn ngân sách của địa phương để thực hiện tốt công tác phòng chống AIDS, phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm./.

Như Ngọc