Hội nghị phổ biến Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp Ngày đăng: 21/08/2019
Ngày 20⁄8, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức Hội nghị phổ biến Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thỏa thuận GCM). Dự và chủ trì hội nghị có ông Vũ Việt Anh, Cục trưởng Cục lãnh sự, ông David Knight, Trưởng Phái đoàn Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam. Tham dự hội nghị có 50 đại biểu đến từ các Bộ, ngành, cơ quan ngoại vụ một số tỉnh, thành phố phía Bắc.

Đây là Hội nghị đầu tiên Bộ Ngoại giao triển khai trong chuỗi các hoạt động tuyên truyền về Thỏa thuận GCM trên toàn quốc trong thời gian tới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phổ biến nội dung của Thỏa thuận GCM đến các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan.

Thỏa thuận GCM ra đời trên cơ sở Tuyên bố New York về người tị nạn và di cư vào tháng 9/2016 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, trong đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác toàn cầu về quản lý di cư. Thỏa thuận GCM được chính thức thông qua tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 73 vào ngày 19/12/2018 với đa số thành viên Liên Hợp Quốc tán thành, Việt Nam đã thông qua Thỏa thuận này. Đây là Thỏa thuận liên chính phủ đầu tiên về di cư nhằm mục đích hướng đến tăng cường quản trị di cư toàn cầu nhằm ứng phó với những thách thức hiện nay của di cư và thúc đẩy sự đóng góp của người di cư đối với phát triển bền vững, qua đó hiện thực hóa mục tiêu "không ai bị bỏ lại phía sau" được nêu tại Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc vì sự phát triển bền vững.

Thỏa thuận GCM gồm 23 mục tiêu tập trung vào các lĩnh vực: (i) Thu thập và sử dụng thông tin; (ii) Thúc đẩy các kênh di cư hợp pháp; (iii) Bảo vệ người di cư lao động; (iv) Phòng, chống mua bán người và đưa người di cư trái phép; (v) Tăng cường hợp tác quốc tế vì di cư hợp pháp, an toàn, trật tự.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Đại sứ Vũ Việt Anh, Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), cho biết: Với việc thông qua Thỏa thuận GCM, các nước thừa nhận hợp tác quốc tế trong lĩnh vực di cư là khuôn khổ hiệu quả nhằm giải quyết các thách thức của di cư và quan trọng hơn, sẽ giúp thúc đẩy di cư hợp pháp an toàn, trật tự, bảo vệ quyền, lợi ích của người di cư. Di cư không chỉ được nhìn nhận ở góc độ an ninh theo cách tiếp cận truyền thống mà còn ở góc độ kinh tế - xã hội như đảm bảo quyền của tất cả người di cư, công nhận vai trò của người di cư đối với sự phát triển của nước đi, nước tiếp nhận, mở rộng các kênh thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn để góp phần chấm dứt tình trạng đưa người di cư trái phép, mua bán người, lao động cưỡng bức….

Việt Nam là nước đi, đồng thời là nước tiếp nhận của di cư quốc tế. Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có 4,5 triệu người. Số lượng công dân Việt Nam ra nước ngoài ngày càng nhiều: Mỗi năm có hơn 100.000 lao động di cư ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng có thời hạn, hàng chục nghìn người di cư du học hay kết hôn với người nước ngoài… Người nước ngoài vào Việt Nam làm việc, học tập cũng có xu hướng gia tăng. Việt Nam chủ trương thúc đẩy di cư hợp pháp, phòng, chống di cư trái phép, mua bán người và bảo vệ quyền của người di cư, trong đó, hợp tác quốc tế là cần thiết để nâng cao hiệu quả công tác quản lý di cư.

Tại hội nghị, Trưởng Phái đoàn Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam David Knight đánh giá tình hình di cư từ Việt Nam sang các quốc gia ngoài khu vực hiện nay rất đa dạng về hình thức và phức tạp về mục đích. Trong hơn 1 thập kỷ qua, Việt Nam đã chứng kiến sự dịch chuyển của người di cư vì mục đích lao động, kết hôn, điều trị y tế… Những người di cư quay trở lại Việt Nam không chỉ mang theo nguồn vốn tri thức khổng lồ, hàng tỷ USD kiều hối mà còn đặt ra nhiều thách thức liên quan đến quyền và phúc lợi của người di cư.

Ông David Knight đánh giá cao việc Việt Nam tham gia tích cực Thỏa thuận GCM ngay từ đầu, điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tăng cường nhận thức chung, trách nhiệm chia sẻ, thống nhất về mục đích trong lĩnh vực di cư, để di cư có lợi cho tất cả các bên liên quan.

Theo ông David Knight, Thỏa thuận GCM ra đời đúng vào thời điểm thế giới cần có sự hợp tác tự nguyện và vững chắc về di cư để đảm bảo đầy đủ sự an toàn và thịnh vượng của người di cư. Ông hy vọng rằng theo tinh thần đó, Việt Nam sẽ đưa vào triển khai trên thực tiễn 23 mục tiêu của Thỏa thuận GCM.

Hội nghị gồm các phiên trình bày về tình hình di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài, quá trình Việt Nam tham gia, đàm phán, thông qua Thỏa thuận, các mục tiêu của Thỏa thuận và việc triển khai tại Việt Nam cũng như ở cấp độ toàn cầu.

Tại Hội nghị các đại biểu cùng nhau rà soát, đánh giá các vấn đề chính sách di cư quốc tế và đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về di cư quốc tế, góp phần triển khai hiệu quả Thỏa thuận GCM phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam./

Kim Dung