Sơ kết 02 năm thực hiện Quyết định 29⁄2014⁄QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị thay thế, người bán dâm hoàn lương Ngày đăng: 19/01/2018
Ngày 19⁄01⁄2018, tại Hà Nội, Bộ LĐTBXH phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội tổ chức Hội nghị Sơ kết 02 năm thực hiện Quyết định 29⁄2014⁄QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị thay thế, người bán dâm hoàn lương. Tới dự có đại diện các Bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo Sở LĐTBXH, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Tổ Tiết kiệm và Vay vốn, Đội tình nguyện xã hội và một số điển hình hộ vay vốn, người vay vốn làm ăn có hiệu quả của 15 tỉnh, thành phố thuộc diện thí điểm. Đồng chí Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn Xã hội và đồng chí Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội đồng chủ trì hội nghị.

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH phát biểu khai mạc

Một chính sách đột phá mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg về tín dụng đối với 4 nhóm yếu thế có hiệu lực từ ngày 15/6/2014. Trong giai đoạn 2014-2016 triển khai thí điểm tại 15 tỉnh, thành phố với thời hạn cho vay vốn tối đa là 36 tháng. Sau gần 2 năm, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) mới bố trí được nguồn vốn, do đó, thời gian thí điểm kéo dài đến hết ngày 31/12/2017. Về mức vay vốn, hộ được vay tối đa 30 triệu đồng, cá nhân 20 triệu đồng, lãi suất 6,5%/năm, lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất cho vay.

Theo báo cáo của NHCSXH, từ tháng 7/2016 đến hết tháng 12/2017 đã giải ngân cho 504 cá nhân, hộ gia đình vay với tổng số vốn là 12,883 tỷ đồng. Trong đó, số khách hàng chủ yếu là hộ gia đình người sau cai nghiện ma túy 246/504 hồ sơ (chiếm 48,8%); cá nhân, hộ gia đình người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế 150/504 (29,76%); cá nhân, hộ gia đình người nhiễm HIV 84/504 (16,66%); cá nhân, hộ gia đình người bán dâm hoàn lương vay vốn chiếm tỷ lệ thấp nhất 21/504 (4,16%).

Ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục PCTNXH báo cáo tổng kết

Số vốn vay chủ yếu được sử dụng để chăn nuôi (lợn, gà, bò, cá, tôm…), trồng cây (cây ăn quả, hoa…), mở cửa hàng tạp hóa, mua sắm phương tiện, trang thiết bị để kinh doanh buôn bán nhỏ, bán cơm, chạy xe ôm, cắt tóc, gội đầu… Qua báo cáo của các địa phương, hầu hết người được vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích phát triển kinh tế gia đình, tinh thần phấn khởi, giảm mặc cảm, tự tin làm ăn, lấy lại được niềm tin của gia đình, cộng đồng và trả lãi đúng thời hạn. Trong số 504 khách hàng vay vốn, có 44 cá nhân, hộ gia đình đã hoàn trả vốn vay và chưa có trường hợp nào trả vốn và lãi quá thời hạn. Số tiền dư nợ tính đến 31/12/2017 là 11,218 tỷ đồng, tỷ lệ hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đạt 49,46%.

Đánh giá về kết quả thực hiện, ông Nguyễn Xuân Lập - Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn Xã hội cho biết: đây là một chủ trương đúng và nhận được sự quan tâm không chỉ của những người yếu thế, gia đình họ mà còn cả đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, thu hút sự vào cuộc của các cơ quan từ Trung ương đến cơ sở. Kết quả bước đầu đã có tác động tích cực đến công tác phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, ma túy, mại dâm, giúp cho các đối tượng này có việc làm và thu nhập, ổn định cuộc sống, lấy lại được niềm tin của gia đình và cộng đồng. Nhiều người trong số đó tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương, tham gia tuyên truyền, vận động những người cùng cảnh ngộ phấn đấu vươn lên, góp phần giảm kì thị đối với nhóm người yếu thế; giảm tỷ lệ tái nghiện, tái phạm ở những người được vay vốn và góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội tại địa bàn cơ sở.

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH nhấn mạnh: Chính sách tín dụng đối với 4 nhóm yếu thế là một bước đột phá, mang đậm tính nhân văn của Đảng và Nhà nước, mang lại lợi ích không những cho bản thân người yếu thế mà còn mang tính xã hội sâu sắc. Qua thời gian triển khai thí điểm tại 15 tỉnh, thành phố, hàng trăm người được vay vốn, phát triển kinh tế gia đình, từng bước ổn định cuộc sống, nâng cao sức khỏe, hòa nhập cộng đồng. Điều đặc biệt là chính sách này đã không bị “lợi dụng”

Tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi cho người vay vốn

Theo khảo sát, ở những nơi cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, huy động sự vào cuộc các đoàn thể, tổ chức xã hội thì ở đó người yếu thế được tiếp cận thuận lợi với vốn vay. Tuy nhiên, một số tỉnh, thành phố khi đề xuất NHCSXH bố trí nguồn vốn vay lớn, song trên thực tế triển khai cho vay được ít, tỷ lệ hoàn thành chỉ tiêu thấp, như: Đăk Lăk (6,38%); Hải Phòng (32,22%); Thanh Hóa (37,38%); thành phố HCM (38,85%); Nghệ An (39,69%)...

Toàn cảnh Hội nghị

Theo đánh giá của Cục Phòng, chống TNXH, nguyên nhân là do một số tỉnh, thành phố, khi khảo sát và tổng hợp nhu cầu vay vốn chưa thống kê chính xác những trường hợp có nhu cầu để có kế hoạch đề xuất cấp vốn phù hợp, đúng đối tượng. Một số địa phương có nhiều trường hợp thuộc đối tượng vay vốn nhưng chưa biết đến chính sách này, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, miền núi. Một số nơi chưa thật sự tin tưởng người vay nên trong quá trình xác nhận, bình xét đã không tạo điều kiện cho vay. Bên cạnh đó, người vay vốn là đối tượng yếu thế nên ít nhiều có tâm lý mặc cảm, e ngại, do đó, việc thông báo công khai danh sách đối tượng vay vốn tại Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn ít nhiều đã làm cho nhiều người không dám tiếp cận nguồn vốn, nhất là người nhiễm HIV/AIDS, người bán dâm hoàn lương.

Kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống TNXH nhấn mạnh: để một chính sách nhân văn đi vào cuộc sống, các Bộ, ngành và địa phương cần quan tâm thực hiện bằng nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó đặc biệt tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền đến từng địa phương, cộng đồng làng xóm, tổ dân phố và những người yếu thế thuộc diện được vay vốn để họ biết và hiểu rõ cũng như mạnh dạn, tự tin làm hồ sơ vay vốn phát triển kinh tế, tạo sinh kế cho họ ổn định cuộc sống, tránh tái nghiện, tái phạm. NHCSXH tạo điều kiện, cơ chế thông thoáng hơn, tăng mức vốn cho vay và mở rộng mục đích vay vốn như: khám chữa bệnh, học tập, giải quyết những nhu cầu thiết yếu…

 

Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống TNXH phát biểu kết luận Hội nghị

 Về đề xuất, kiến nghị:

- Đối với các cơ quan Trung ương: báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định 29/2014/QĐ-TTg và triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước từ năm 2018 theo hướng: Tăng mức vốn cho vay cho phù hợp với mức cho vay hộ nghèo hiện nay; bổ sung kinh phí tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, kỹ năng sử dụng vốn vay cho đội ngũ cán bộ làm công tác hướng dẫn thủ tục, hồ sơ vay và bản thân người vay vốn; nghiên cứu, thí điểm việc đơn giản hóa thủ tục cho vay, nhất là đối với người nhiễm HIV và người bán dâm và mở rộng mục đích vay vốn, tạo điều kiện cho nhiều người yếu thế tiếp cận với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước; tổ chức hội thảo, giao ban, chia sẻ kinh nghiệm giữa các tỉnh, thành phố trong thực hiện cho người yếu thế vay vốn, phát triển sinh kế; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

- Đối với cấp tỉnh: chỉ đạo cấp huyện, cấp xã khảo sát chính xác nhu cầu vay vốn và đề xuất Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp giao chỉ tiêu phù hợp, tránh trường hợp có tỉnh/thành phố được giao chỉ tiêu nhiều hơn nhu cầu, có tỉnh/thành phố được giao ít hơn; tăng cường tập huấn về trình tự, thủ tục, hồ sơ vay; kỹ năng, kỹ thuật xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh cho cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, cán bộ xã, phường, các điểm tư vấn, Đội công tác xã hội tình nguyện, nhóm Tự lực, Câu lạc bộ và những người yếu thế có nhu cầu vay vốn; tăng cường sự phối hợp giữa ngành LĐTBXH, NHSCXH cấp tỉnh, huyện với chính quyền, đoàn thể cấp xã, Đội công tác xã hội tình nguyện trong quá trình khảo sát nhu cầu vay vốn; hỗ trợ, giúp đỡ người vay vốn làm hồ sơ và sử dụng vốn vay hiệu quả sau khi được cấp vốn; chỉ đạo các đơn vị chức năng ở cơ sở theo dõi sát sao việc cho vay vốn, kịp thời chỉ đạo rút kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn trong quá trình vay vốn để đảm bảo người vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và trả vốn đúng quy định.

- Đối với cấp huyện, cấp xã: tuyên truyền cho cộng đồng và người yếu thế về chính sách vay vốn; vận động, tư vấn giúp người yếu thế mạnh dạn, tự tin làm hồ sơ vay vốn để phát triển sinh kế nhằm ổn định cuộc sống, tránh tái nghiện, tái phạm; tích cực tuyên truyền giảm kỳ thị trong cộng đồng, nhất là đối với các Tổ trưởng Tổ dân phố, thôn, bản; tổ chức xã hội nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội; Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn để tạo điều kiện cho người yếu thế tiếp cận với nguồn vốn vay được dễ dàng thuận lợi; khảo sát chính xác nhu cầu vay vốn của người yếu thế trên địa bàn và phân công tổ chức, cá nhân hướng dẫn họ làm thủ tục hồ sơ vay vốn, hướng dẫn xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đồng thời, hỗ trợ họ trong quá trình sử dụng vốn vay; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức, đoàn thể nhận ủy thác và Tổ Tiết kiệm và vay vốn trong quá trình hướng dẫn và bình xét cho vay./.

Như Ngọc