Phối hợp với gia đình giúp người cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng Ngày đăng: 17/01/2018
“Gia đình, người thân luôn là chỗ dựa đầu tiên, tin cậy của người nghiện ma túy” là câu khẳng định của ông Nguyễn Hùng Hiệp, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP.Đà Nẵng tại buổi gặp mặt thân nhân, gia đình học viên đang cai nghiện tại cơ sở xã hội Bàu Bàng.

Nhân những ngày đầu năm 2018, chuẩn bị đón Tết Mậu Tuất, Cơ sở xã hội Bàu Bàng, TP.Đà Nẵng đã tổ chức gặp mặt với gần 100 thân nhân gia đình các học viên đang cai nghiện ma túy tại cơ sở. Đây không chỉ là buổi gặp mặt mang tính giao lưu, trao đổi mà đây còn là cơ hội để tạo lên sự gắn kết, hợp tác giữa Cơ sở giáo dục xã hội Bàu Bàng với gia đình, thân nhân, hai chủ thể quan trọng nhất trong việc cai nghiện và quá trình hòa nhập cho những người nghiện ma túy.

Tại buổi gặp mặt, Lãnh đạo Cơ sở Bàu Bàng đã trao đổi một cách cởi mở về các hoạt động thường xuyên của cơ sở trong việc tổ chức cai nghiện cho các học viên. Họ không ngại khi trao đổi tất cả những vấn đề trong cuộc sống, sinh hoạt của các học viên, kể cả những góc khuất, những vấn đề nhạy cảm trong sinh hoạt và ứng xử. Bên cạnh đó, Lãnh đạo Cơ sở cũng giới thiệu một cách đầy đủ, chi tiết về quá trình và các phương pháp điều trị, hỗ trợ cai nghiện cho các học viên. Buổi gặp mặt cũng nhận được nhiều sự quan tâm, trao đổi của thân nhân học viên.

Tại buổi gặp mặt, Lãnh đạo Cơ sở Bàu Bàng đã trao đổi một cách cởi mở về các hoạt động thường xuyên của cơ sở trong việc tổ chức cai nghiện cho các học viên. Họ không ngại khi trao đổi tất cả những vấn đề trong cuộc sống, sinh hoạt của các học viên, kể cả những góc khuất, những vấn đề nhạy cảm trong sinh hoạt và ứng xử. Bên cạnh đó, Lãnh đạo Cơ sở cũng giới thiệu một cách đầy đủ, chi tiết về quá trình và các phương pháp điều trị, hỗ trợ cai nghiện cho các học viên.

Buổi gặp mặt cũng nhận được nhiều sự quan tâm, trao đổi của thân nhân học viên. Phụ huynh của học viên Phạm Thị Kim T. cho biết, sau thời gian tập trung cai nghiện tại cơ sở cháu đã có nhiều tiến bộ rõ nét, đặc biệt là về sức khỏe. Tuy vậy những tính cách, những thói quen xấu vẫn rất cần quan tâm để giáo dục về nhân cách cho cháu. Cần lưu ý không cho cháu được dùng cà phê, thuốc lá dù đó không phải những thứ bị cấm.

Bà Hoàng Thị Kim Hà, Phường Nam Dương, Q. Hải Châu, TP.Đà Nẵng thì thẳng thắn cho biết, con bà đã 4 lần cai nghiện tại cơ sở, tuy vậy, những lần được về thì sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể tại địa phương chưa tốt, chưa thường xuyên. Bà cũng đề nghị, cần có những mô hình như cơ sở “trung chuyển”  như: Sau khi hết thời gian cai nghiện tập trung tại cơ sở thì chuyển về Trạm “ trung chuyển” gần hơn, có điều kiện, cơ chế quản lý “mềm” hơn một thời gian trước khi để cho những người nghiện hòa nhập với cộng đồng.

Buổi gặp gỡ giữa Cơ sở Bàu Bàng và thân nhân gia đình các học viên còn có sự tham dự của Lãnh đạo Sở LĐTB&XH TP.Đà Nẵng và Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.Đà Nẵng. Những vấn đề được thân nhân, gia đình học viên đặt ra được lãnh đạo ngành LĐTB&XH lắng nghe và giải thích một cách cặn kẽ, chu đáo.

Đối với vai trò của thân nhân, gia đình trong việc cai nghiện ma túy, ông Nguyễn Hùng Hiệp, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP.Đà Nẵng khẳng định: “ Gia đình, người thân chính là chỗ dựa đầu tiên, tin cậy của tất cả những người nghiện ma túy”. Tuy vậy, ông nhấn mạnh: chúng ta không chỉ giúp người nghiện bằng niềm tin, tình thương mà phải giúp người nghiện bằng những phương pháp cụ thể, đúng cách.

Cụ thể như: Nói tránh kỳ thị thì đừng đổ thừa cho xã hội mà là phải tránh kỳ thị từ ngay chính gia đình và những người thân của người nghiện. Quản lý thì phải có phương pháp quản lý đúng, phù hợp, linh hoạt. Đặc biệt quan tâm đến các quan hệ xã hội của người nghiện. Chặt chẽ từ quản lý thời gian, quản lý việc làm đến quản lý thông tin từ nhiều phía của người nghiện. Đối với sự phối hợp với các tổ chức, đoàn thể của địa phương thì gia đình phải chủ động, thường xuyên trao đổi, kiến nghị, đề xuất với chính quyền những vướng mắc, những khó khăn để phối hợp xử lý.

Ông Nguyễn Hùng Hiệp cũng nêu ra những vấn đề mà gia đình cần lưu ý trong quá trình hợp tác cai nghiện cho học viên là cần thường xuyên thăm hỏi, chăm sóc, không thông tin nhưng điều không tốt, bất lợi cho quá trình cai nghiện, không nên tìm cách rút ngắn thời gian cai nghiện, không bắt tay quan hệ với những người lạ, mạo danh cán bộ để chu cấp, tiếp tế cho học viên. Đặc biệt, ngay trong quá trình học viên đang cai nghiện tại cơ sở cần chuẩn bị trước những kế hoạch cụ thể về việc làm, điều kiện sinh hoạt để học viên sau khi về với gia đình và xã hội có những điều kiện tốt nhất hội nhập, tránh xa những nguy cơ tái nghiện.

Kết thúc buổi giao lưu gặp gỡ, tất cả các thân nhân và gia đình học viên đã được trực tiếp đi tham quan cơ sở Bàu Bàng với những điều kiện ăn ở, sinh hoạt, vui chơi chữa bệnh tốt nhất. Buổi gặp gỡ này đã đem lại nhiều niềm tin và hy vọng của cả gia đình và những cán bộ của Cơ sở xã hội Bàu Bàng vào quá trình tổ chức hỗ trợ, giúp đỡ cho những người nghiện ma túy tại Đà Nẵng.

Theo báo Dân sinh