Kiên Giang đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm Ngày đăng: 15/01/2018
Theo thống kê của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, trên địa bàn tỉnh có 1.368 cơ sở kinh doanh dịch vụ với 5.122 lao động, trong đó có 392 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm với 3.122 tiếp viên nữ. Thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, Đội kiểm tra liên ngành 178 của tỉnh, huyện, thành phố đã tổ chức kiểm tra 168 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, đã phát hiện 75 cơ sở vi phạm, có 52 cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính với số tiền 252 triệu đồng và 23 cơ sở bị nhắc nhở.

Qua rà soát trên địa bàn, số người nghiện sử dụng trái phép các chất ma túy là 1.419 người (tăng 269 người so với năm 2016), có 249 người tham gia điều trị cai nghiện tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy của tỉnh, 129 người điều trị cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, 35 người điều trị cai nghiện ma túy tại gia đình bằng thuốc Cedemex và 94 người tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện thay thế bằng methadone.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tệ ma túy, mại dâm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tiến hành hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 15/5/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tiếp nhận quản lý, cắt cơn, giải độc và tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định tại Trung tâm Chữa bệnh- Giáo dục- Lao động xã hội, đồng thời ban hành các Kế hoạch như Kế hoạch về thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 05/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy trong tình hình mới và ban hành các Quyết định như Quyết định số 17/2017/QĐ-UBND ngày 24/5/2017 của Ủy ban nhân dân về sửa đổi, bổ sung điểm a, khoản 3, Điều 1 của Quyết định số 22/2016/QĐ-UBND ngày 03/08/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc quy định mức đóng góp đới với người nghiện ma túy tự nguyện chữa trị, cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng tỉnh, theo đó, mức đóng góp tiền ăn hàng tháng là 0,8 lần mức lương cơ sở; ngày lễ, tết dương lịch học viên đóng góp tiền ăn thêm 03 lần tiêu chuẩn ngày thường; các ngày Tết Nguyên đán học viên đóng góp tiền ăn thêm 05 lần tiêu chuẩn ngày thường. Quyết định số 1237/QĐ-UBND ngày 5/6/2017 của Ủy ban nhân dân về Quy chế phối hợp lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên địa bàn tỉnh.

Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã phối hợp với 21/21 đơn vị thực hiện các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn xã hội với nhiều nội dung và hình thức thu hút 12.900 lượt người tham dự; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức cho cán bộ xã, phường, thị trấn về công tác phòng, chống mại dâm, cai nghiện phục hồi hay các kỹ năng cho Đội công tác xã hội tình nguyện, nghiệp vụ cho Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp huyện; xây dựng mới 05 panô, cấp phát 45.000 tờ rơi tuyên truyền phòng, chống mại dâm, ma túy, 1.250 bản tin phòng, chống tệ nạn xã hội.

Các mô hình như mô hình “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy và tái hòa nhập cộng đồng” tại phường Vĩnh Bảo, thành phố Rạch Giá, mô hình “Điều trị cai nghiện ma túy tại gia đình bằng thuốc Cedemex” tại 05 huyện, thành phố và tại Cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng của tỉnh, mô hình “Giúp những người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng” tại xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng và xã Thạnh Đông B, huyện Tân Hiệp, mô hình “Phòng ngừa mại dâm tại cộng đồng kết hợp thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm tác hại về phòng, chống HIV trong phòng, chống mại dâm” tại thị trấn Dương Đông thị xã Phú Quốc, phường An Hòa thành phố Rạch Giá, tiếp tục được triển khai và duy trì thực hiện để hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện, người bán dâm người sau cai ổn định cuộc sống

Kết quả năm 2017, các cán bộ, tình nguyện viên đã tiếp cận tư vấn, giới thiệu, hỗ trợ đào tạo nghề tạo việc làm cho 152 người nghiện tái hòa nhập cộng đồng, giúp đỡ người nghiện ma túy sau cai là 50 người, hỗ trợ vay vốn cho 09 trường hợp người sau cai nghiện với số tiền 115 triệu đồng và 160 nữ tiếp viên tiếp cận các dịch vụ y tế, pháp lý.

Để công tác phòng, chống ma túy, mại dâm đạt nhiều kết quả, tỉnh Kiên Giang đã đề ra một số giải pháp phòng, chống tệ nạn xã hội cụ thể trong thời gian tới, trong đó đẩy mạnh và đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền cụ thể tổ chức tập huấn các văn bản có liên quan về lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội đến các địa phương trong tỉnh, tập huấn kỹ năng cho Đội công tác xã hội tình nguyện; phối hợp với các ngành, đoàn thể, các trường cao đẳng và các cấp tổ chức tuyên truyền phòng, chống tệ xã hội sâu rộng tại các địa bàn dân cư có nguy cơ cao về tệ nạn ma túy, mại dâm; đặc biệt các địa bàn giáp ranh, khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, địa bàn du lịch, biên giới hải đảo; giữ vững số xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm, xây dựng mới ít nhất 10% xã, phường, thị trấn chuyển hóa từ nhiều tệ nạn ma túy, mại dâm xuống còn ít tệ nạn ma túy, mại dâm và lành mạnh./.

Kim Dung