Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống mua bán người trong học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên Ngày đăng: 11/10/2017
Ngày 11⁄10⁄2017, tại Hà Nội, Cục Tham mưu, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an tổ chức Hội thảo bàn giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống mua bán người trong học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên. Tham dự Hội thảo có đại diện Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Ban Tuyên giáo (Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và đại diện các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hòa Bình, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Tuyên Quang, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Quảng Ninh, Nghệ An. Đồng chí thiếu tướng Cục trưởng Vũ Xuân Viên chủ trì Hội thảo.

Theo thống kê, hiện cả nước có 25,444 triệu trẻ em, chiếm 29% dân số với hơn 22 triệu học sinh, sinh viên. Tình hình mua bán người trong độ tuổi thanh thiếu niên dưới 18 tuổi chiếm 38%, riêng mua bán học sinh, sinh viên là 318 vụ/766 nạn nhân. Địa phương xảy ra tình trạng mua bán người trong độ tuổi học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên chủ yếu là các tỉnh biên giới, điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, thu nhập thấp, việc qua lại biên giới thông qua cửa khẩu, lối mòn thuận tiện. Trong khi đó học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên là con em các dân tộc ít người, kỹ năng sống còn hạn chế, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu việc làm. Học sinh, sinh viên trong các trường Dân tộc nội trú, trường Cao đẳng nghề thiếu sự quan tâm, quản lý của gia đình nên dễ bị các đối tượng lừa bán ra nước ngoài. Một số địa phương xảy ra nhiều vụ mua bán người trong đó đối tượng là học sinh, sinh viên như Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Lai Châu.

Đối tượng tội phạm mua bán người thường câu kết với đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới tạo thành đường dây để lôi kéo, móc nối, lừa gạt học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên bán ra nước ngoài. Các đối tượng này lợi dụng các mạng xã hội: Zalo, Facebook, Viber…, điện thoại di động, làm quen, kết bạn, tạo lòng tin rồi lừa gạt; hoặc thông qua các mối quan hệ thân quen tiếp cận nạn nhân rủ rê, lôi kéo mời đi du lịch, hứa hẹn tìm việc làm. Một số đối tượng lợi dụng các hoạt động đi du lịch, học tập, thăm thân, chữa bệnh sau đó trốn ở lại cư trú bất hợp pháp sau đó bị cưỡng bức lao động.

Trước tình hình đó, Hội thảo cũng đã đề xuất những biện pháp trọng tâm trong thời gian tới: Xác định phòng, chống tội phạm mua bán người nhất là mua bán học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở; đẩy mạnh công tác truyền thông, coi đây là biện pháp quan trọng trong chiến lược phòng, chống tội phạm nhằm ngăn chặn, hạn chế sự gia tăng của loại tội phạm này; nhân rộng các mô hình tiên tiến, khen thưởng những tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác này; kịp thời tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, tổ chức các hoạt động tư vấn về sức khở, tâm lý để nạn nhân là trẻ em sớm hòa nhập cộng đồng; tăng cường quản lý cư trú tại địa phương và trường học, quản lý biên giới, xuất nhập cảnh, lao động thời vụ không để tội phạm mua bán người lợi dụng hoạt động; tăng cường hợp tác quốc tế với các nước nhất là các nước có chung biên giới với Việt Nam như Trung Quốc, Lào, Campuchia để phối hợp phòng, chống mua bán người./.

HH