Nhân rộng điển hình cai nghiện thành công có đóng góp tích cực cho cộng đồng Ngày đăng: 22/06/2017
Ngày 22⁄6⁄2017, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức “Hội nghị nhân rộng các điển hình cai nghiện thành công”. Dự và chỉ đạo có ông Đào Ngọc Dung, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Tham dự hội nghị có Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội ông Đặng Thuần Phong, ông Nguyễn Hoàng Mai; Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố, Ủy ban nhân dân xã, phường, trấn; đại diện các doanh nghiệp xã hội hóa có đóng góp trong phong trào đấu tranh phòng, chống ma túy, gần 200 tấm gương người cai nghiện thành công từ 63 tỉnh⁄thành phố; cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương đến dự và đưa tin.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị

Hội nghị là hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng Hành động phòng, chống ma túy, Ngày quốc tế và Ngày toàn dân phòng chống ma túy (Ngày 26/6) với chủ đề “Cộng đồng chung tay hỗ trợ người nghiện ma túy”.  Từ đánh giá tổng kết công tác cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy; giới thiệu các mô hình điển hình trong hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện có hiệu quả; các điển hình người cai nghiện thành công hiện đang là chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, chủ nhiệm câu lạc bộ, nhóm đồng đẳng và tích cực tham gia các hoạt động giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ, trên cơ sở đó, các tỉnh, thành phố nghiên cứu, tham khảo, đề xuất các chương trình kế hoạch áp dụng, nhân rộng.

Thống kê báo cáo từ các tỉnh, thành phố, cả nước có 210.751 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, chỉ riêng năm 2016 số người nghiện đã tăng thêm 10.617 người so với cùng kỳ năm 2015 (200.134 người); trong đó trên 60% sử dụng ATS, tại một số địa phương tỷ lệ người sử dụng ATS cao như: Thành phố Hồ Chí Minh 68%, Đồng Nai 87%, Đà Nẵng 85% và An Giang là 76%... người sử dụng ma túy tổng hợp có rối loại tâm thần và một số có hành vi vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.

Người nghiện ma túy đã có ở 100% các tỉnh, thành phố với gần 90% quận, huyện và khoảng 70% xã, phường, thị trấn. Người nghiện cũng đã xuất hiện ở mọi thành phần trong xã hội: học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, viên chức, người lao động. Đa số người nghiện ma túy có trình độ văn hóa thấp với khoảng 10% không biết chữ và 59% có trình độ văn hóa từ tiểu học tới trung học cơ sở. Khoảng 2/3 số người nghiện chưa từng được đào tạo nghề; gần 20% đã được học nghề nhưng không được cấp chứng nhận, chứng chỉ và khoảng 12% được đào tạo nghề một cách chính quy, được cấp bằng, chứng chỉ tốt nghiệp. Hầu hết người nghiện ma túy không có nghề nghiệp ổn định, chi tiêu chủ yếu từ nguồn hỗ trợ của gia đình, thu nhập hợp pháp chỉ bằng 1/3 số tiền chi cho sử dụng ma túy. Khoảng 50% người nghiện đã gặp những vấn đề sức khỏe tâm thần và các vấn đề sức khỏe thể chất.

Nhằm thực hiện 3 mục tiêu “giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại”, trong công tác phòng, chống ma túy nói chung và công tác cai nghiện ma túy nói riêng Đảng, chính phủ đã quan tâm chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể, Chỉ thị số 21/CT-TW ngày 26/3/2008 về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới; Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật phòng, chống ma túy năm 2008, Luật Xử lý vi phạm hành chính; Quyết định 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020; Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới; Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, người bán dâm hoàn lương; Quyết định số 1640/QĐ-TTg ngày 18/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và nhiều văn bản Thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện về công tác phòng, chống ma túy và cai nghiện ma túy.

Tại các tỉnh, thành phố, các văn bản chỉ đạo về công tác phòng chống ma túy nói chung, công tác cai nghiện ma túy nói riêng được ban hành và đưa vào các Nghị quyết, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Các văn bản tập trung cụ thể hóa chính sách, chế độ hỗ trợ công tác cai nghiện, chỉ đạo xây dựng mô hình cai nghiện, hỗ trợ xã hội sau cai nghiện, xã hội hóa công tác cai nghiện, phát động toàn dân tham gia vận động, giúp đỡ, quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện; đẩy mạnh công tác xây dựng xã phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội... Tập trung chỉ đạo triển khai công tác cai nghiện theo Đề án đổi mới công tác cai nghiện; chuyển đổi các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục lao động xã hội thành các cơ sở cai nghiện tự nguyện, cơ sở cai nghiện đa chức năng, nâng cao chất lượng cai nghiện; tổ chức thêm các điểm hỗ trợ tư vấn cai nghiện tại cộng đồng, điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện nghiện bằng methadone; tổ chức một số mô hình thí điểm điều trị nghiện tại cộng đồng bằng các loại thuốc do Việt Nam sản xuất như: Cedemex, Bông sen, Heantos... hỗ trợ giúp đỡ người nghiện cai nghiện và hòa nhập cộng đồng.  

Tại nhiều tỉnh, thành phố bằng sự sáng tạo, dựa trên những điều kiện thực tế của cơ sở, đã có những cách làm hay, mô hình hiệu quả trong công tác cai nghiện và hỗ trợ người nghiện sau cai hòa nhập cộng đồng, điển hình, mô hình cơ sở cai nghiện thân thiện tại Trung tâm tư vấn và điều trị nghiện ma túy tỉnh Lâm Đồng, Trung tâm Giáo dục- Lao động xã hội thành phố Hải Phòng, Cơ sở tư vấn và điều trị nghiện thành phố Hồ Chí Minh, Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 tỉnh Nghệ An, Trung tâm điều trị nghiện số V Hà Nội; mô hình cai nghiện quân dân y kết hợp tại tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An; mô hình Câu lạc bộ “Kết nối thành công” của Cơ sở Giáo dục- Lao động Xã hội thành phố Hải Phòng; Mô hình điểm tư vấn, chăm sóc điều trị nghiện tự nguyện tại tỉnh Bắc Giang và Bà Rịa- Vũng Tàu.

Trong công tác hỗ trợ vốn vay đối với người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg. Tại 20 tỉnh, thành phố, từ năm 2012 đến nay, từ các nguồn vốn ngân sách Nhà nước và các chương trình, dự án, vốn đóng góp của Hội Phụ nữ, Nông dân đã tổ chức cho 2.925 cá nhân/hộ gia đình vay vốn với số tiền trên 26 tỷ đồng. Trong đó, riêng 15 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm Quyết định 29/2014/QĐ-TTg đã cho 377 cá nhân/hộ gia đình vay với số tiền 9,7 tỷ đồng. Tiêu biểu là thành phố Hải Phòng đã cho 1.807 người yếu thế và hộ gia đình có người yếu thế được vay số vốn là 10.761,5 triệu đồng từ các nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội, các quỹ tín dụng, quỹ của Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và các chương trình, dự án; thành phố Hồ Chí Minh, từ nguồn của các chương trình, dự án đã cho 502 người vay vốn với số tiền trên 5 tỷ đồng và 1,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước cho 43 người vay; thành phố Hà Nội, trong năm 2016 đã có 33 người được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định 29/2014/QĐ- TTg với số tiền 930 triệu.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nêu, dù việc điều trị cai nghiện rất khó khăn, phức tạp nhưng nếu bản thân người nghiện quyết tâm cùng sự giúp đỡ của gia đình, chính quyền, cộng đồng thì hoàn toàn có thể cai nghiện thành công. Cụ thể, chia sẻ tại Hội nghị, nhiều người từng nghiện nặng, nghiện nhiều năm nhưng đã quyết tâm cai nghiện, bằng nghị lực của bản thân và sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, gia đình trong tạo việc làm đã cai nghiện thành công và được cộng đồng ghi nhận. Họ đang tích cực tham gia các hoạt động có ích cho gia đình, xã hội, trong đó, có người được bầu làm công an viên, Tổ trưởng tổ tự quản, được kết nạp vào Đảng. Một số người đang là chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, chủ nhiệm câu lạc bộ, nhóm đồng đẳng...

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đã biểu dương tấm gương những người chiến thắng ma túy để trở về thành công dân có ích; đánh giá cao sự nỗ lực của người cai nghiện thành công, sự tham gia hỗ trợ của gia đình, các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp trong công tác cai nghiện ma túy. Thông qua Hội nghị, có thể khẳng định được một điều là nghiện ma túy hoàn toàn có thể cai được, người nghiện hoàn toàn có thể trở thành người có ích cho xã hội. Để cai nghiện thành công ngoài sự quyết tâm của người nghiện cần có sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng về mọi mặt như y tế, tâm lý và xã hội phù hợp với nhu cầu của từng người.

Để làm tốt công tác hỗ trợ người sau cai cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, thay đổi cách tiếp cận về cai nghiện và hỗ trợ sau cai nghiện, tuyên truyền giảm kỳ thị với người nghiện ma túy.

Xây dựng chương trình, kế hoạch cai nghiện gắn với việc quản lý, hỗ trợ sinh kế cho người sau cai nghiện thông qua lồng ghép với các chương trình kinh tế xã hội của địa phương

Đổi mới nâng cao chất lượng dạy nghề, hướng nghiệp ở Cơ sở cai nghiện nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động ở cộng đồng nơi người sau cai nghiện sinh sống.

Bộ trưởng chụp chung với đại biểu dự Hội nghị

Tại Hội nghị các đại biểu tập trung trao đổi thảo luận các nội dung: thống nhất nhận thức nghiện ma túy là bệnh mãn tính, tái diễn nhưng là bệnh có thể điều trị cai nghiện được bằng phương pháp thích hợp; các bài học rút ra từ các điển hình cai nghiện thành công tham dự hội nghị: bài học của người cai nghiện, gia đình người nghiện, các cấp chính quyền doanh nghiệp và các tổ chức xã hội; các biện pháp nhằm nhân rộng các điển hình cai nghiện thành công (Tuyên truyền vận động, giáo dục thuyết phục, cơ chế, chính sách pháp luật...); trách nhiệm của cấp Ủy đảng và chính quyền địa phương đặc biệt là cấp xã, phường với công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát động phong trào toàn dân tham gia vận động, giúp đỡ, quản lý người nghiện cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Xã, phường phải tạo điều kiện cho họ được vay vốn, tạo việc làm có thu nhập, ổn định đời sống; trách nhiệm của bản thân người nghiện, gia đình người nghiện, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội trong công tác điều trị, cai nghiện cho người nghiện ma túy và các giải pháp hỗ trợ người cai nghiện như xây dựng chương trình, kế hoạch dạy nghề, cho vay vốn, tạo việc làm đối với người sau cai nghiện. Những vướng mắc về cơ chế, chính sách và đề xuất vấn đề cần tháo gỡ để nâng cao hiệu quả của chính sách hiện nay. Xây dựng kế hoạch nhân rộng những mô hình, điển hình tổ chức, cá nhân hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy, gắn kết với xây dựng xã, phường lành mạnh gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

         

                                                        Kim Dung