Tọa đàm “Hiểm họa ma túy và hành động của chúng ta” Ngày đăng: 14/06/2017
Sáng ngày 14⁄6, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) tổ chức tọa đàm “Hiểm họa ma túy và hành động của chúng ta”. Dự và chỉ đạo có Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm; tham dự có ông Nguyễn Xuân Lập- Cục trưởng Cục PCTNXH, ông Lê Đức Hiền- Phó Cục trưởng, ông Lê Văn Khánh- Phó Cục trưởng; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ LĐTBXH; đại diện lãnh đạo SCDI, Chi cục PCTNXH Khánh Hòa, đại diện nhóm người sử dụng ma túy và các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương đến dự và đưa tin.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về các nội dung: Vấn đề đổi mới công tác cai nghiện ở Việt Nam; một số can thiệp có hiệu quả với người sử dụng ma túy trên thế giới; mô hình điều trị cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng; vai trò của nhóm đồng đẳng trong việc tiếp cận, hỗ trợ điều trị cho người nghiện ma túy tại cộng đồng; tình trạng thanh niên sử dụng ma túy tổng hợp tại Việt Nam hiện nay; phối hợp các biện pháp trong việc điều trị cho người nghiện…

Phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết, công tác phòng, chống ma túy đến thời điểm này, chúng ta đã nỗ lực làm, thực hiện với nhiều biện pháp khác nhau nhưng tình hình buôn bán, tội phạm ma túy đang diễn biến phức tạp, ngày càng gia tăng, có tính chất liều lĩnh, hoạt động buôn bán ma túy với khối lượng lớn, bằng nhiều con đường khác nhau như đường biển, đường hàng không, ma túy không chỉ thâm nhập mà còn được trung chuyển qua Việt Nam và công cuộc đấu tranh với tội phạm ma túy còn gay go, phức tạp.

Số người lạm dụng ma túy có chiều hướng gia tăng đặc biệt là số người sử dụng ma túy đá, ma túy tổng hợp; người sử dụng ma túy chủ yếu tập trung ở độ tuổi dưới 35, trong đó có 8% người lệ thuộc ma túy ở tuổi vị thành niên; việc sử dụng ma túy đá, ma túy tổng hợp gây ra nhiều nguy hại hơn các loại ma túy khác điển hình nhiều vụ trọng án trong thời gian gần đây có nguồn gốc từ việc sử dụng ma túy. Số liệu thống kê toàn quốc có 210.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, đây là phần đếm được, phần nổi của tảng băng chìm.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh, để cai nghiện đạt hiệu quả, cần nhất là nhận thức, nghị lực và sự quyết tâm của bản thân người nghiện, bên cạnh đó là sự giúp đỡ, hỗ trợ của gia đình và xã hội. Các chuyên gia y tế hàng đầu đã chỉ ra nghiện là bệnh não bộ mãn tính, nhưng có thể cai nghiện được. Thực tế đã có người cai nghiện thành công. Do đó rất cần thay đổi cách nhìn của xã hội đối với những người sử dụng ma túy. Nếu chúng ta kỳ thị, phân biệt đối xử, xa lánh đối với người sử dụng ma túy thì tất cả những nỗ lực của họ sẽ không đạt được. Vì vậy, chúng ta cần đùm bọc, chia sẻ, hỗ trợ họ thiết thực thì đó là giải pháp thúc đẩy quyết tâm, nghị lực của họ.

Phát biểu tại tọa đàm, Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập cho biết, trong số hơn 210.000 người nghiện, có 30- 40% có hành vi vi phạm pháp luật. Số người nghiện còn lại nếu không gây mất an toàn xã hội không nhất thiết đưa họ vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Cách tiếp cận người nghiện như thế chính là đổi mới.

Cục trưởng Cục PCTNXH Nguyễn Xuân Lập phát biểu tại buổi tọa đàm

Để đáp ứng với yêu cầu về đổi mới, việc tăng cường công tác tuyên truyền, thực hiện đồng bộ các can thiệp hỗ trợ đáp ứng nhu cầu của người nghiện; bảo đảm thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho học viên trong thời gian chấp hành cai nghiện tại cơ sở cai nghiện; ban hành cơ chế chính sách đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa công tác cai nghiện, tăng cường công tác cai nghiện tự nguyện; nghiên cứu ban hành quy chế quản lý người nghiện trong cơ sở cai nghiện theo hướng thân thiện; đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ mới.

Thứ trưởng đã đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực của tập thể lãnh đạo và nhân viên của Trung tâm SCDI đã đồng hành cùng Bộ LĐTBXH trong lĩnh vực Phòng, chống tệ nạn xã hội, đã phối hợp chặt chẽ với Cục PCTNXH có những khảo sát đánh giá, xây dựng các mô hình mới giúp cho Bộ LĐTBXH có những căn cứ, bằng chứng để xây dựng pháp luật ngày càng phù hợp với thực tiễn.

Tại tọa đàm, các đại biểu được nghe chia sẻ về triển khai mô hình điều trị cai nghiện tự nguyện tại cộng cộng đồng ở tỉnh Khánh Hòa, theo đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã thành lập được 06 Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng, đã tổ chức hoạt động tư vấn, điều trị được 389 lượt và điều trị 36 ca; tuy nhiên việc triển khai mô hình điều trị đang gặp phải những khó khăn như chưa có mô hình điều trị chuẩn và thống nhất trong cả nước, nguồn lực tại cộng đồng còn thiếu; sự kỳ thị là rào cản ảnh hưởng đến tính hiệu quả, vai trò của Nhóm Tự lực chưa được cộng đồng đánh giá đúng mức đã hạn chế phần nào hiệu quả cai nghiện tại cộng đồng./.

K.D