Tăng cường công tác cai nghiện và quản lý sau cai ở Quảng Ngãi Ngày đăng: 24/05/2017
Để tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện đối với người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh, ngày 18⁄5⁄2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Kế hoạch số 2926⁄KH- UBND về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai đối với người nghiện ma túy giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Mục tiêu của Kế hoạch này là nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cá nhân, gia đình và toàn xã hội để chủ động phòng ngừa và giải quyết tình trạng nghiện ma túy. Thực hiện hiệu quả công tác quản lý, cai nghiện ma túy tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng thông qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, cung cấp có chất lượng các hoạt động về trị liệu, tâm lý, xã hội, lao động sản xuất, việc làm, hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; quản lý sau cai nghiện nhằm làm giảm tác hại của nghiện ma túy, kiềm chế sự gia tăng số người nghiện mới, giảm tỷ lệ tái nghiện, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Tỉnh Quảng Ngãi phấn đấu tăng tỷ lệ người nghiện được cai nghiện so với số người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó giảm dần tỷ lệ cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Đến năm 2020, 100% người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý đang có mặt tại địa phương được cai nghiện với các hình thức phù hợp hoặc tham gia điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.

100% người đã hoàn thành cai nghiện tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh được quản lý sau cai nghiện ma túy với các hình thức quản lý, tư vấn, giám sát phù hợp. 100% số người cai nghiện ma túy có nhu cầu học nghề được tưu vấn và đào tạo nghề. Trên 60% số người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng có nhu cầu làm việc được tư vấn, hỗ trợ và tạo việc làm và 100% cán bộ làm công tác quản lý, cai nghiện, quản lý sau cai nghiện được tập huấn nhằm nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn.

Để thực hiện mục tiêu trên, UBND tỉnh đề ra các giải pháp để thực hiện như:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy. Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục với nhiều nội dung phong phú, hình thức phù hợp. Đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống ma túy nói chung, cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện nói riêng trên các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường tuyên truyền bằng hình ảnh trên đài truyền hình, đài phát thanh, bản tin, tuyên truyền trực tiếp thông qua các hoạt động của ban, ngành, đoàn thể các cấp như tọa đàm, hội thảo, tập huấn, nói chuyện chuyên đề.

Tập trung tuyên truyền tại địa bàn dân cư, trong các trường học, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn, trong đó, tập trung vào những người có nguy cơ cao, người nghiện ma túy ở cộng đồng, học sinh, sinh viên trong các trường học, người lao động trong các doanh nghiệp nhằm ngăn ngừa phát sinh người nghiện mới. Huy động sự tham gia của các cơ quan, đoàn thể trong công tác vận động người nghiện tự nguyện cai nghiện, giúp đỡ, quản lý người sau cai nghiện ma túy giảm tỷ lệ tái nghiện. Nội dung tuyên truyền: tác hại của việc sử dụng ma túy và người nghiện ma túy, các quy định của pháp luật về công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện; chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới.

- Đẩy mạnh công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng. Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng theo Nghị định 94/2010. Tiếp tục thành lập, kiện toàn nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công tác cai nghiện ma túy tại các xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy. Thực hiện các chế độ, chính sách đối với người cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng theo quy định của pháp luật và phù hợp điều kiện của địa phương.

Vận động người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng. Tổ chức tốt công tác cắt cơn, giáo dục, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm và giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng.

Tiếp tục nâng cao số lượng, chất lượng hiệu quả công tác điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.

Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác cai nghiện tại Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) tỉnh. Thành lập Trung tâm CTXH trên cơ sở hợp nhất 2 trung tâm: Giáo dục LĐXH và Bảo trợ xã hội tỉnh; sắp xếp, cải tạo một phần thành khu cai nghiện ma túy tự nguyện để thực hiện lộ trình thực hiện theo hướng tăng dần cai nghiện ma túy tự nguyện, giảm dần cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm.

Tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý, chữa trị và giáo dục, tư vấn, dạy nghề lao động sản xuất cho học viên vào cai nghiện ma túy tại Trung tâm CTXH nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, quản lý về an ninh trật tự, tránh tình trạng học viên gây rối, bỏ trốn khỏi trung tâm, chống thẩm lậu ma túy vào Trung tâm, tạo môi trường cai nghiện tốt để người nghiện ma túy yên tâm tự nguyện cai nghiện ma túy.

Tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ viên chức, người lao động, thực hiện công tác quản lý, cai nghiện cho người nghiện ma túy đáp ứng yêu cầu công tác cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện tại Trung tâm CTXH tỉnh.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các chế độ, chính sách, các quy định pháp luật về công tác cai nghiện ma túy tại Trung tâm CTXH tỉnh.

- Quản lý và giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tư vấn, lập hồ sơ đảm bảo đúng thủ tục, trình tự đối với người hoàn thành thời gian cai nghiện ma túy để tiếp tục quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú.

Tăng cường công tác quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú, chính quyền địa phương có kết hoạch phân công cán bộ thực hiện công tác quản lý, theo dõi và phối hợp với gia đình hướng dẫn, giúp đỡ người sau cai nghiện thực hiện các biện pháp phòng, chống tái nghiện, hòa nhập cộng đồng.

Thực hiện tốt công tác giáo dục, đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện, lồng ghép với các chương trình giảm nghèo, dạy nghề, việc làm và các chương trình, dự án nhằm giúp họ có việc làm, thu nhập, ổn định cuộc sống.

Tăng cường các hoạt động phối hợp thực hiện công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể, nhất là ở cơ sở trong hoạt động củng cố, nâng cao chất lượng xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, thực hiện kiểm tra đánh giá, phân loại xã phường.

- Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện. Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý và chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý, cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng; cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội cấp tỉnh, huyện, xã, thành viên đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã và cán bộ tại cơ sở điều trị nghiện, cai nghiện trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức học tập các mô hình có hiệu quả trong công tác điều trị, cai nghiện, quản lý sau cai nghiện và dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm cho người sau cai nghiện trong và ngoài tỉnh để áp dụng tại các địa phương.

H. M