Nghệ An với mô hình cai nghiện và quản lý sau cai tại cộng đồng Ngày đăng: 03/04/2017
Ngày 24⁄06⁄2013, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định số 933⁄QĐ-LĐTBXH về việc phê duyệt Kế hoạch phân bổ kinh phí thực hiện dự án “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện và nghiên cứu, triển khai ứng dụng các thuốc, phương pháp y học trong điều trị và phục hồi chức năng cho người nghiện ma túy”. Trong đó có nội dung triển khai thí điểm mô hình “Cai nghiện và Quản lý sau cai tại cộng đồng” ở các tỉnh trọng điểm về tệ nạn ma tuý và Nghệ An là một trong các tỉnh được lựa chọn thí điểm mô hình. Ban đầu, mô hình được thực hiện tại 02 huyện là Yên Thành và Hưng Nguyên, sau đó mở rộng ra 11 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Mục tiêu của mô hình là 100% người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý và có mặt tại cộng đồng được tuyên truyền, tư vấn, phân loại và áp dụng hình thức cai nghiện phù hợp; 100% người nghiện ma túy có mặt tại cộng đồng được tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, 70% người sau cai nghiện tại gia đình, cộng đồng được tư vấn nghề, học nghề và hỗ trợ tìm việc làm.

Thực hiện mô hình, Tổ công tác cai nghiện phối hợp với tổ chức đoàn thể tổ chức tuyên truyền tác hại của tệ nạn ma túy và nghiện ma túy, vận động người nghiện ma túy, gia đình có người nghiện ma túy tự khai báo tình trạng nghiện như: mức độ nghiện, thời gian nghiện, hình thức nghiện và loại ma túy sử dụng, đồng thời, tự nguyện đăng ký cai nghiện. Trên cơ sở đó, Tổ công tác cai nghiện lập hồ quản lý, phân loại và áp dụng hình thức cai nghiện phù hợp. Trước khi tổ chức cắt cơn, giải độc cho người nghiện ma túy, Tổ công tác cai nghiện ma túy giao y tế khám sức khỏe, làm các xét nghiệm cần thiết để biết tình trạng sức khỏe của người nghiện ma túy từ đó áp dụng phác đồ cắt cơn phù hợp. Địa điểm cắt cơn là tại Trạm xá cấp xã hoặc tại gia đình người nghiện ma túy (thời gian cắt cơn từ 10-15 ngày). Trong quá trình cắt cơn luôn có sự động viên, thăm hỏi của gia đình, chính quyền địa phương và tổ chức đoàn thể. Sau khi kết thúc thời gian cắt cơn, người nghiện được bàn giao cho gia đình và phối hợp với Tổ công tác cai nghiện và tổ chức đoàn thể quản lý, giúp đỡ, hỗ trợ.

Tổ công tác cai nghiện tham mưu UBND cấp xã thành lập Câu Lạc bộ giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy, định kỳ hàng tháng tổ chức sinh hoạt với các chủ đề, nội dung cụ thể. Thông qua các buổi sinh hoạt nhóm, người sau cai nghiện được tư vấn chăm sóc sức khỏe, kỹ năng phòng, chống tái nghiện và tham gia các hoạt động thể dục, thể thao và văn hóa văn nghệ. Thông qua hoạt động này, người sau cai nghiện tự tin hơn trong hòa nhập với cộng đồng.

Ngoài ra, chính quyền địa phương chủ động phối hợp với các Trường nghề, Trung tâm có chức năng dạy nghề trên địa bàn để tư vấn, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy lựa chọn nghề học phù hợp với trình độ, nhu cầu và sức khỏe của người sau cai nghiện ma túy, trên cơ sở đó tổ chức dạy nghề, hướng nghiệp. Người sau cai nghiện có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài được tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục. Gia đình người sau cai có nhu cầu vay vốn được ưu tiên vay vốn từ nguồn vốn tín dụng giải quyết việc làm của các hội, đoàn thể. Các tổ chức, cá nhân trên địa bàn ưu tiên tiếp nhận, tạo điều kiện cho người sau cai nghiện có nhu cầu tìm việc làm tại cộng đồng (trông xe, bảo vệ, sửa chữa xe đạp…).

Từ khi thực hiện đến nay, mô hình được triển khai tại 14 xã, phường thị trấn trên địa bàn tỉnh; đã tổ chức cai nghiện cho 106 người. Có 15 người sau cai nghiện được dạy nghề và giới thiệu việc làm; 21 người được vay vốn, giải quyết việc làm; giới thiệu đi lao động tại các khu công nghiệp 19 người.

Sau thời gian thực hiện mô hình có thể khẳng định, đây là một mô hình có hiệu quả về việc kết hợp giữa gia đình, chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong hỗ trợ người nghiện cai nghiện. Các giải pháp hoạt động của mô hình cũng đa dạng và toàn diện, từ tiếp cận cộng đồng tới hỗ trợ lập hồ sơ cai nghiện, cắt cơn giải độc, tư vấn, dạy nghề, tạo việc làm và kết nối các dịch vụ, giúp người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng bền vững. Mô hình cai nghiện và quản lý sau cai tại cộng đồng và gia đình mang đậm tính nhân văn, người nghiện được cai nghiện ngay tại môi trường gia đình, cộng đồng và thường xuyên nhân được sự quan tâm, hỗ trợ của gia đình và các tổ chức chính trị xã hội, chính quyền địa phương./.

K.H