Quảng Nam hỗ trợ người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng Ngày đăng: 23/03/2017
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam, từ năm 2011 đến hết năm 2015, toàn tỉnh đã lập hồ sơ đăng ký tự cai nghiện tự nguyện tại gia đình cho 187 lượt người. Các địa phương đã cấp giấy chứng nhận hoàn thành cai nghiện tại cộng đồng cho 147 lượt người, tư vấn hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho 20 người. Trên địa bàn tỉnh cũng có hàng chục người sau cai nghiện, hòa nhập cộng đồng bền vững.

Từ kinh nghiệm của những người cai nghiện thành công cho thấy, cắt cơn nghiện ma túy đã khó, nhưng hòa nhập trở lại với xã hội còn khó hơn nhiều lần. Điều đó cần sự quyết tâm ở bản thân người nghiện và sự hỗ trợ từ gia đình, xã hội, chính quyền địa phương.

Tất cả các trường hợp sau cai nghiện, hòa nhập cộng đồng bền vững ở Quảng Nam đều đã nhận được sự hỗ trợ đắc lực của gia đình, xã hội. Người sau cai được hỗ trợ học nghề, được các đoàn thể, địa phương bảo lãnh, ưu tiên cho vay vốn để khởi nghiệp, làm lại từ đầu. Sau khi hòa nhập cộng đồng, một số trở thành tình nguyện viên đắc lực tuyên truyền, vận động những người nghiện cai nghiện để làm lại cuộc đời.

Anh Võ Văn Sen, sinh năm 1978, thường trú thôn 3, xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước chia sẻ: anh sử dụng ma túy từ năm 1999, do bị bạn bè rủ rê, bản thân chưa nhận thấy tác hại của ma túy. Đầu năm 2006, nhận ra tác hại của ma túy, với quyết tâm của bản thân và sự quan tâm của chính quyền địa phương, bà con hàng xóm, sự đùm bọc của gia đình, anh đã đoạn tuyệt với ma túy. Đến nay, anh đã cai nghiện được 10 năm. Sau khi cai nghiện, được gia đình hỗ trợ, các đoàn thể của xã hỗ trợ tín chấp cho vay vốn, hiện nay, anh có một cơ sở sửa xe Honda, giải quyết việc làm hàng tháng được 03 lao động với mức tiền công 2,5 triệu đồng/người/tháng. Đầu tháng 8/2012, được tín nhiệm của chính quyền xã và niềm tin yêu của nhân dân ở cộng đồng dân cư, anh được UBND xã Tiên Thọ bổ nhiệm làm Công an viên xã và được Ban Công an xã giao tiếp tục vận động cảm hóa một số người nghiện cai nghiện. Dựa vào kinh nghiệm của mình, anh Sen đã khuyên và giúp đỡ được em Nguyễn Chính, Thái Viết Đại tự cai nghiện tại gia đình và đã dạy nghề sửa xe cho em Nguyễn Chính, hiện nay đã hoàn thiện tay nghề ra mở tiệm có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống.  

Các anh Phan Văn Kha (huyện Tiên Phước), Nguyễn Văn Cường (Đại Lộc) đã quyết tâm làm lại cuộc đời, gắn bó với những cánh rừng keo và đàn gia súc, trở thành những tấm gương làm kinh tế tại địa phương, không chỉ tạo cho bản thân, gia đình nguồn thu nhập ổn định mà còn giải quyết việc làm cho người khác ở địa phương.

Để có những gương điển hình cai nghiện thành công, hòa nhập cộng đồng bền vững, ngoài sự nỗ lực của bản thân còn phải kể đến hiệu quả của các mô hình phòng, chống ma túy tại địa phương. Tiêu biểu là mô hình “Hỗ trợ cai nghiện ma túy tại gia đình” ở xã Đại Quang, huyện Đại Lộc. Được biết, để thực hiện thành công mô hình “Hỗ trợ cai nghiện ma túy tại gia đình”, toàn hệ thống chính trị của xã đã vào cuộc. Trong đó, các cán bộ, đảng viên đã đến từng thôn, từng hộ có người nghiện vận động gia đình chăm sóc, quan tâm, giúp đỡ. Ngoài ra, chú trọng làm tốt công tác tư tưởng đối với những tổ, thôn có người nghiện để mọi người không kỳ thị, xa lánh mà cùng chung tay giúp đỡ họ quay về với cộng đồng, nhất là sau khi đã cai nghiện thành công. Nhờ thế, mô hình này đã đưa được 15 người nghiện cai ma túy thành công, hòa nhập với cộng đồng./.

T.T (tổng hợp)