Đội tình nguyện hỗ trợ người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng Ngày đăng: 21/12/2016
Hà Nội có 584 Đội công tác xã hội tình nguyện (ĐTN) ở tất cả các xã, phường, thị trấn trong toàn Thành phố. Mỗi ĐTN hoạt động có sắc thái riêng và đóng góp nhiều cho công tác phòng chống tệ nạn xã hội ở cơ sở. ĐTN của phường Trung Trực, quận Ba Đình là một trong những Đội có bề dày hoạt động, với nhiều thành tích trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hoạt động hỗ trợ người sau cai hòa nhập cộng đồng.

Được thành lập từ 8/2005 với 14 tình nguyện viên, năm 2016 kiện toàn lại theo Thông tư liên tịch 24/TTLT/2012/BLĐTBXH-BNV-BTC và Quyết định 04/QĐ-UBND  ngày 15/02/2016 của UBND thành phố Hà Nội với tổng số 09 tình nguyện viên. Cơ cấu tổ chức của Đội gồm 01 Đội trưởng, 02 Đội phó và 6 tình nguyện viên, với thành phần tham gia Hội Cựu chiến binh: 4 người; Hội Phụ nữ: 4; hội viên Câu lạc bộ B93: 1 (người sau cai nghiện).

Hàng tháng, ĐTN giao ban với Ban chỉ đạo phòng chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm phường 01 ngày, khoảng từ ngày 27-30 cuối tháng. Ngoài các nhiệm vụ của chung theo TTLT 24/2012,  Đội  còn được giao nhiệm vụ quản lý, duy trì hoạt động CLB B93 và 01 nhóm đồng đẳng nguy cơ cao nhiễm HIV “Vì chúng mình”.  Câu lạc bộ B93 sinh hoạt 1 buổi/1tuần, sinh hoạt nhóm 1 buổi/tháng. Mỗi tình nguyện viên được phân công nắm bắt tình hình an ninh trật tự 01 khu dân cư, đồng thời, được phân công giúp đỡ người nghiện ma túy, người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng; người điều trị nghiện thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone đang sinh sống tại phường. Trong các buổi sinh hoạt chủ nhiệm Câu lạc bộ B93 thông tin đến các thành viên về tình hình trật tự an ninh trên địa bàn phường, quận, các thông tin về chế độ, chính sách cho người cai nghiện, người sau cai, tình hình tệ nạn ma túy trong nước. Thường xuyên động viên, nhắc nhở duy trì kỷ luật và nghị lực phòng tái nghiện, quan tâm thăm hỏi đến thành viên Câu lạc bộ B93 cũng như gia đình họ. Ngoài ra, còn tổ chức các buổi sinh hoạt dã ngoại 02 buổi/1 năm, có mời thêm cả gia đình thành viên Câu lạc bộ B93 (vợ, con).

ĐTN động viên khuyến khích các thành viên Câu lạc bộ B93 tham gia các phong trào của phường (Bảo vệ dân phòng; văn hóa văn nghệ; trang trí đô thị; tham gia phục vụ các hoạt động chính trị của phường; xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài cho con em thành viên…). Ba quý 1 lần thử test phát hiện sử dụng ma túy cho các thành viên; vận động người cai nghiện tự nguyện cắt cơn tại nhà, hoặc chuyển đổi dùng thuốc thay thế đối với người chưa cai nghiện được ma túy (năm 2015: 4 người; năm 2016: 3 người).

Để tạo điều kiện cho người sau cai có việc làm ổn định cuộc sống tránh xa ma túy, ĐTN xin phép UBND phường mở điểm rửa và sửa xe cho các thành viên Câu lạc bộ B93. Tình nguyện viên duy trì 02 tổ tạo nghề rửa và sửa chữa xe máy, tạo thu nhập cho 4-5 thành viên Câu lạc bộ B93 từ 2.500.000đ-3.500.000đ/người/tháng, vừa tạo ra tích lũy dự phòng sửa chữa thay thế máy móc theo chu kỳ, tự trang trải  chi phí điện nước và tự nguyện đóng góp cho Quỹ xã hội hóa của Câu lạc bộ B93 và hoạt động ĐTN hàng tháng. Hơn 10 năm hoạt động,  Tình nguyện viên phối hợp với Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ B93, Hội Chữ thập đỏ phường, Hội Cựu chiến binh và phụ nữ phường xây dựng Quỹ xã hội hỗ trợ hoạt động quản lý sau cai hàng năm từ 8.000.000đ/năm, đến 2015 đã đạt mức 23.000.000đ/năm, các tổ rửa xe Câu lạc bộ B93 đã tham gia đóng góp từ 500.000đ -1.000.000đ/ tháng/1 tổ cho Quỹ.

Lực lượng tình nguyện viên thường xuyên động viên quan tâm đến hoàn cảnh gia đình kịp thời hỗ trợ cấp đột xuất, hỗ trợ thường xuyên cho các thành viên của Câu lạc bộ B93, cụ thể: Thành viên, người sau cai đang sử dụng thuốc Methadone thay thế sinh hoạt 4 buổi/1 tháng sẽ được tình nguyện viên, Hội chữ thập đỏ tặng 10 kg gạo; Các ngày lễ 01/6 tổ chức tặng quà cho con em thành viên sau cai nghiện; Phối hợp với Hội Khoa học - Kỹ thuật tặng quà hay suất học bổng cho con em thành viên nghèo vượt khó, học giỏi có thành tích cao trong học tập, tổ chức dạy năng khiếu miễn phí cho con em thành viên từ 4-14 tuổi tại nhà văn hóa phường; Hỗ trợ kinh phí cho gia đình thành viên sau cai nghiện mở quán nước, đóng học phí cho con em học mầm non đầu năm từ 700.000đ-800.000đ/1 xuất cho 3 thành viên từ 2014-2016; ĐTN còn bảo lãnh, giới thiệu người sau cai tham gia đội xe ôm, chuyển hàng tại bến xe trên địa bàn phường.

ĐTN đề xuất ký kết các chương trình hỗ trợ phòng chống ma túy, Cung cấp tin, bài để phát trên hệ thống truyền thanh phường, thường xuyên và chú trọng tăng thời lượng vào các tháng cao điểm của từng quý. Tọa đàm, giao lưu trao đổi kinh nghiệm với các đoàn thể trong phường và các phường lân cận vào tháng 6, tháng 12 hàng năm. Tham gia sinh hoạt giao lưu với phường bạn, dưới sự tổ chức của Phòng Lao động- TB và XH, Hội Cựu chiến binh, Hội phụ nữ quận cũng là một phương pháp nâng cao năng lực cho tình nguyện viên, phối hợp ngăn chặn dự phòng cho người sau cai và gia đình họ từ mỗi thành viên trong gia đình. Được sự hỗ trợ của tình nguyện viên, nhiều người sau cai nghiện đã ổn định cuộc sống, nuôi vợ con và mua đất ở quê.

Nhận thức sâu sắc tính nhân văn của công tác quản lý sau cai nghiện hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng của Đảng và Chính phủ, tình nguyện viên ĐTN luôn tận tâm, công hiến công sức giúp họ hòa nhập cộng đồng, coi họ như người thân của mình và luôn nhận được sự tin tưởng từ người nghiện và gia đình người nghiện./.

M.A