Kinh nghiệm phòng ngừa lạm dụng ma túy Ngày đăng: 07/09/2016
Trong tháng 7 vừa qua, tại Thái Lan, Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm quốc tế của Liên Hợp Quốc (UNODC) đã tổ chức Hội thảo – đối thoại về phòng ngừa lạm dụng ma túy. Đây là một trong những hoạt động khởi đầu trong chuỗi các hoạt động nhằm hỗ trợ các nước trong khu vực thực hiện Nghị quyết được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua tại Phiên họp đặc biệt về kiểm soát ma túy (UNGASS) diễn ra vào ngày 19⁄4⁄2016 tại New York, Mỹ.

Tham dự Hội thảo – đối thoại lần này có 24 đại biểu đến từ 6 nước Tiểu vùng sông Mê-kông: Việt Nam, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan và Myanma. Một số chuyên gia lớn trong lĩnh phòng ngừa lạm dụng ma túy và giám đốc điều hành một số dự án về phòng ngừa lạm dụng ma túy của nước chủ nhà cũng được mời với tư cách cố vấn và báo cáo viên.

Cuộc đối thoại giữa các đại biểu diễn ra trong không khí cởi mở và xây dựng. Các thông tin về chính sách pháp luật trong lĩnh vực phòng ngừa lạm dụng ma túy, kinh nghiệm và mô hình phòng ngừa của các nước được chia sẻ. Qua đó cho thấy, trong bối cảnh tình hình tệ nạn ma túy đang có chiều hướng diễn biến phức tạp ở nhiều nước, vấn đề phòng ngừa lạm dụng ma túy ngày càng nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía chính phủ các nước.

Vẫn chưa dựa vào bằng chứng khoa học

Ngoài việc được quy định rõ trong các văn bản pháp luật, việc triển khai các hoạt động phòng ngừa ở các nước có nhiều điểm tương đồng. Đó là chủ yếu dựa trên 4 nhóm giải pháp chính: Phòng ngừa lạm dụng ma túy dựa vào cộng đồng, Phòng ngừa ma túy từ gia đình, Phòng ngừa lạm dụng ma túy tại trường học, Phòng ngừa lạm dụng ma túy tại nơi làm việc. Công tác phòng ngừa lạm dụng ma túy, ở hầu hết các nước đều có sự tham gia tích cực từ phía cơ quan thông tin đại chúng, ngành Lao động, ngành Giáo dục, Tổ chức Công đoàn, các tổ chức phi chính phủ quốc tế (INGOs), các tổ chức phi chính phủ trong nước (NGOs), người đứng đầu các tổ chức tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng,… Tuy nhiên, công tác phòng ngừa lạm dụng ma túy ở các nước trong khu vực phần lớn được triển khai dựa vào kinh nghiệm mang tính truyền thống, các kết quả đánh giá trên quy mô nhỏ chứ chưa dựa vào bằng chứng khoa học về tính hiệu quả và hiệu quả đầu tư.

Trong 6 nước tham dự hội thảo, Thái Lan là nước có nhiều kinh nghiệm về phòng ngừa lạm dụng ma túy đáng để nghiên cứu, học tập. Cụ thể là, Ủy ban Kiểm soát ma túy Thái Lan từ lâu thành lập Cục phòng ngừa ma túy với gần 60 nhân viên, thực hiện vai trò điều phối liên ngành và hoạch định chính sách trong lĩnh vực phòng ngừa lạm dụng ma túy. Vì vậy, hoạt động phòng ngừa ma túy ở Thái Lan được triển khai khá đồng bộ và chuyên sâu so với các nước khác. Thái Lan cũng đã chủ động kêu gọi sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật từ một số tổ chức quốc tế và chính phủ các nước cho công tác này. Trong 10 năm qua, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Thái Lan đã tài trợ một dự án tương đối lớn với tên gọi “Chương trình tăng cường năng lực cho gia đình về phòng ngừa ma túy”. Dự án này hiện đang đang được nhân rộng ra nhiều nước khác và được đánh giá là dự án có hiệu quả. Cũng nhờ có nhiều dự án do quốc tế tài trợ, Thái Lan sớm có điều kiện tiếp cận các kiến thức hiện đại về phòng ngừa lạm dụng ma túy từ các nước phát triển.

Các đại biểu Việt Nam cũng đã đem đến hội thảo các thông tin liên quan đến công tác phòng ngừa lạm dụng ma túy đã và đang được trển khai tại Việt Nam. Trong đó, nêu bật sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và Phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm của Việt Nam đối với công tác phòng ngừa lạm dụng ma túy. Các chủ trương này đã được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật về lĩnh vực phòng, chống ma túy, trong Chiến lược phòng, chống và kiểm soát ma túy của Việt Nam cùng các văn bản quan trọng khác và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía các cơ quan chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã hội và bước đầu đã được xã hội hóa.

Công tác tuyên truyền đã được triển khai đồng bộ, sâu rộng tới tận cơ sở thông qua các hoạt động phòng ngừa ban đầu, phòng ngừa lạm dụng ma túy trong trường học, tại nơi làm việc, phòng, chống ma túy từ gia đình. Nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền đang từng bước được đổi mới để ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, một số hạn chế, khó khăn mà chúng ta đang phải khắc phục như thiếu các chuyên gia có kinh nghiệm, thiếu kinh phí để tổ chức đánh giá một cách khoa học, khách quan tính hiệu quả của từng chương trình phòng ngừa đang được triển khai tại Việt Nam cũng đã được chia sẻ và đề nghị sự hỗ trợ từ UNODC.

Việc phòng ngừa phải là một quá trình liên tục

Các chuyên gia đến từ Trung tâm đào tạo về phòng ngừa lạm dụng ma túy của ASEAN đã trình bày các tiêu chuẩn (standards) của các chương trình phòng ngừa đã được kiểm nghiệm trên cơ sở khoa học là có hiệu quả và có hiệu suất đầu tư cao. Các tiêu chuẩn này được lấy từ trên 600 nghiên cứu của 80 chuyên gia thuộc 30 quốc gia trên thế giới. Các chuyên gia khuyến cáo: việc phòng ngừa lạm dụng ma túy cần được triển khai đồng bộ bằng nhiều biện pháp, gồm: Phòng ngừa lạm dụng ma túy từ gia đình, Phòng ngừa lạm dụng ma túy dựa vào cộng đồng, Phòng ngừa lạm dụng ma túy trong trường học, Phòng ngừa lạm dụng ma túy ở nơi làm việc và các can thiệp y tế (điều trị các rối loạn về mặt tâm lý).

Việc phòng ngừa phải là một quá trình liên tục từ lúc trong bụng mẹ tới khi giã từ cuộc đời. Trong quá trình mang thai, người phụ nữ (đặc biệt là phụ nữ có tiền sử sử dụng ma túy hoặc phụ nữ trong diện có nguy cơ lạm dụng ma túy) được quan tâm về dinh dưỡng, được tuyên truyền về tác hại ma túy và dạy nhiều kỹ năng chăm sóc con cái, kỹ năng quản lý đứa con của mình trong tương lai. Việc tiếp cận thông tin và kỹ năng này do các y tá được tập huấn bởi các chương trình phòng ngừa ma túy thực hiện. Thời gian tiếp theo, thông qua các hoạt động của chương trình phòng ngừa ma túy, các bậc phụ huynh sẽ tiếp tục được bổ túc các kỹ năng về phát hiện sớm hành vi lệch lạc của con em mình, các kỹ năng kiềm chế nóng giận trong quá trình xử lý các mâu thuẫn.

Chương trình phòng ngừa lạm dụng ma túy trong trường học được khuyến nghị triển khai trong tất cả các cấp học, lồng ghép trong cả chương trình nội khóa và ngoại khóa. Nội dung hướng tới việc củng cố các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xã hội. Các đối tượng dễ bị tổn thương, gồm: học sinh có kết quả học tập yếu, học sinh ít có điều kiện được cha mẹ quan tâm cần có chương trình phòng ngừa đặc biệt. Việc mời những người có tiền sử sử dụng ma túy đến tuyên truyền về phòng, chống ma túy tại các trường học được chứng minh là ít có tác dụng. Việc mời cán bộ công an tuyên truyền phòng, chống ma túy cho học sinh tiểu học, học sinh phổ thông cơ sở có tác động nhiều hơn là đối với học sinh độ tuổi trung học phổ thông. Tuy nhiên, để việc phòng ngừa lạm dụng ma túy trong trường học đạt hiệu quả cần tiến hành thường xuyên, liên tục gồm nhiều hoạt động đối thoại mang tính tương tác hoặc tiếp xúc tư vấn chứ không chỉ là một buổi tuyên truyền, hay một buổi nói chuyện đơn lẻ về tác hại của ma túy.

Chương trình phòng ngừa dựa vào cộng đồng cần có sự tham gia tích cực từ nhiều phía và được triển khai đồng bộ bằng nhiều hình thức: qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các hoạt động vui chơi giải trí và với sự tham gia của những người đứng đầu các tổ chức tôn giáo, cộng đồng. Việc cung cấp thông tin về phòng, chống ma túy qua đài báo sẽ phát huy tác dụng trong nhóm người lớn tuổi (các bậc cha mẹ) hơn là đối với lứa tuổi thanh, thiếu niên. So với hoạt động phòng, chống thuốc lá, phòng, chống lạm dụng rượu, bia thì vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc phòng ngừa lạm dụng ma túy ít có hiệu quả hơn. Chương trình phòng ngừa lạm dụng ma túy tại nơi làm việc được chứng minh là cần thiết và tương đối có hiệu quả, nhất là đối với người lao động thuộc các ngành nghề dễ bị tác động bởi tệ nạn ma túy như: nhân viên làm nghề lái xe, nghề khai thác mỏ, nghề cá,… Việc tổ chức một hội thảo gắn với chủ đề phòng ngừa ma túy cũng được chứng minh ít có tác dụng giúp thanh thiếu niên thay đổi nhận thức về ma túy.

Tuy vậy, các chuyên gia cũng thừa nhận một thực tế là, hiện còn thiếu các nghiên cứu, đánh giá về tính hiệu quả của các chương trình phòng ngừa lạm dụng ma túy trong các nhóm dễ bị tổn thương, gồm: trẻ em đường phố, trẻ em bỏ học giữa chừng, trẻ em mồ côi, trẻ em thuộc các gia đình có tiền sử về tội phạm ma túy, trẻ em từng tham gia các tổ chức vũ trang, gái mại dâm,… hoặc các nghiên cứu về tác động của tệ nạn ma túy đối với giới.

Hiện nay công tác phòng ngừa lạm dụng ma túy ở Việt Nam đã được quan tâm và đang có những chuyển biến nhất định. Những chuyển biến này cho thấy chúng ta đang đi đúng quỹ đạo của khu vực nhưng những nỗ lực này vẫn còn thấp nhiều so với nhu cầu thực tế và còn xa với các chuẩn mực của một chương trình phòng ngừa lạm dụng ma túy mà thế giới đã và đang áp dụng. Những việc chúng ta đang làm còn là chủ nghĩa kinh nghiệm, đầy cảm tính và chưa có bằng chứng khoa học.

Do vậy, cần sớm có một cơ quan chuyên trách về phòng ngừa lạm dụng ma túy hoặc có nhiều cán bộ làm công tác phòng ngừa ma túy ở Việt Nam được tiếp cần các kiến thức tiên tiến về lĩnh vực này từ các nước phát triển, từ Trung tâm đào tạo phòng ngừa lạm dụng ma túy của khu vực để công tác phòng ngừa lạm dụng ma túy ở nước ta ngày một tốt hơn.

Đại tá Tạ Đức Ninh

Trưởng phòng, Thường trực Chương trình phòng, chống ma túy, Bộ Công an

Theo Tiếng Chuông