Mô hình nhóm tự lực hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng ở Bắc Giang Ngày đăng: 06/09/2016
Bắc Giang là một trong những tỉnh được xác định là địa bàn trọng điểm về tình trạng buôn bán người trong cả nước. Toàn tỉnh có 9 huyện và 1 thành phố, có 231 xã, phường, thị trấn; dân số trên 1,5 triệu người.

Theo thống kê, toàn tỉnh có 157 nạn nhân bị mua bán đã được xác minh,; trên 290 người nghi bị mua bán, 1.564 người kết hôn với người nước ngoài, 725 trường hợp cho nhận con nuôi; từ năm 2011 – 2014 có 25.700 lao động xuất cảnh trái phép. Một số người đã trở thành nạn nhân của tệ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em. Đa số nạn nhân của mua bán người ở Bắc Giang nằm trong độ tuổi dưới 30 (chiếm tỉ lệ khoảng 60%) tuổi trên 30 chiếm khoảng 40%. Trong đó, nam giới chỉ chiếm 1% còn lại là nữ. Dân tộc kinh chiếm 80%, dân tộc thiểu số chiếm 20%. Trình độ văn hóa của nạn nhân thấp. Nạn nhân mù chữ hoặc chưa thông thạo đọc viết chiếm 15%. Nạn nhân trung học cơ sở chiếm 5%; nạn nhân học trung học phổ thông chiếm 5%. Trong tổng số 125 nạn nhân, tỉ lệ bỏ học chiếm 75%. Tình trạng hôn nhân: Tỉ lệ chưa kết hôn chiếm 40%, đã kết hôn chiếm 60%.

Các đối tượng mua bán phụ nữ, trẻ em đã lợi dụng sự sơ hở, sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin, lợi dụng tình yêu, đưa ra các công việc nhàn hạ, thu nhập cao, viễn cảnh giàu có sung túc để lừa gạt. Hầu hết các nạn nhân trở về đều phải đối mặt với những khó khăn như: Không có việc làm hoặc có việc làm những thu nhập thấp, 80% nạn nhân trở về làm nông nghiệp, thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, thiếu kỹ năng sống, sự kỳ thị của cộng đồng, bị sang chấn tâm lý, rối loạn tâm thần, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, một số trẻ em trở về cùng mẹ không có giấy khai sinh, nạn nhân khi trở về không có hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân.

Tỷ lệ người tự trở về cao hơn nhiều so với người trở về theo con đường chính thức trao trả ngoại giao, do không muốn công khai tình trạng bị mua bán nên các cơ quan chức năng chưa có con số thống kê chính xác về số nạn nhân tự trở về tại địa phương. Những người trở về họ gặp nhiều kỳ thị, chưa đủ kỹ năng và kiến thức để bảo vệ quyền lợi và hòa nhập với cộng đồng của mình. Do đó, những người bị mua bán trở về gặp nhiều khó khăn trong việc tái hòa nhập cộng đồng, thiếu môi trường để chia sẻ và hòa nhập với những người xung quanh.

Trước thực trạng trên, Sở LĐTB-XH đã tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện Đề án 3 “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán” giai đoạn 2011-2015. Sở LĐTB-XH trủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 169/QĐ-UBND ngày 13/5/2011 về việc ban hành Quy chế phối hợp tiếp nhận và hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng cho người bị mua bán từ nước ngoài trở về trên địa bàn.

Trong những năm qua Sở LĐTB-XH đã chỉ đạo và triển khai Đề án 3 đạt được kết quả nhất định, đặc biệt là mô hình nhóm Tự lực, dưới sự chỉ đạo của Cục PCTNXH, UBND tỉnh và sự hỗ trợ của các Tổ chức quốc tế (IOM, UNIAP, AAT, SHARE) Bắc Giang đã xây dựng được mô hình các nhóm Tự lực tại 3 huyện Lục Ngạn, Lục Nam và Lạng Giang (thời điểm ban đầu chỉ có 14 nạn nhân tham gia). Tuy nhiên, do công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh nên đã mở rộng thêm các nhóm tại 3 huyện Tân Yên, Hiệp Hòa, Yên Dũng, đến nay đã duy trì hoạt động được 6 nhóm tự lực với 150 nạn nhân và người có nguy cơ cao tham gia. Mỗi nhóm có tên gọi khác nhau nhưng đều có chung mục đích giúp chị em có cơ hội được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, được nâng cao kiến thức về ổn định cuộc sống gia đình, giúp nhau phát triển kinh tế và tự vươn lên trong cuộc sống…tư vấn tâm lý, hỗ trợ khó khăn ban đầu và kết nối dịch vụ cho các chị em bị mua bán trở về và người có nguy cơ cao. Mỗi thành viên trong nhóm là một tuyên truyền viên tích cực về phòng, chống tệ nạn mua bán người tại cộng đồng. Mỗi tháng sinh hoạt nhóm 01 lần tại nhà nhóm trưởng; trưởng nhóm điều hành các chủ đề sinh hoạt; cùng nhau xây dựng nội quy, quy chế hoạt động.

Sở LĐTB- XH chủ động phối hợp với các ngành liên quan tham gia các buổi sinh hoạt định kỳ của nhóm Tự lực để tuyên truyền phòng, chống tội phạm mua bán người thông qua việc phổ biến chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người tại các địa bàn trọng điểm, cấp pháp sổ tay về kiến thức đi làm ăn xa, phòng chống mua bán người, địa chỉ cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, phương pháp sinh hoạt nhóm; tờ rơi và panô, áp phích … Phối hợp chính quyền các xã có nhóm Tự lực và các địa bàn trọng điểm tổ chức chiếu phim lưu động, giao lưu văn nghệ, diễn kịch có nội dung về phòng chống mua bán người nhằm cung cấp kiến thức, sự hiểu biết về phương thức, thủ đoạn mua bán người, tìm kiếm việc làm an toàn khi đi làm ăn xa. Tổ chức các khóa tập huấn về công tác tiếp nhận, xác minh, xác định hỗ trợ nạn nhân; tập huấn rèn luyện các kỹ năng quản lý ca, chuyển tuyến nạn nhân tiếp cận cộng đồng; kỹ năng quản lý, sử dụng đồng vốn hiệu quả; kỹ năng tiếp cận, theo dõi nạn nhân bị mua bán trở về; kỹ năng về công tác hỗ trợ và thúc đẩy động cơ, lập kế hoạch, theo dõi đánh giá hoạt động sản xuất; kỹ năng chăn nuôi, trồng trọt; về công tác hỗ trợ tâm lý, tiếp cận cộng đồng cho hơn 1.500 lượt cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã và các thành viên nhóm tự lực. Có 98 thành viên  các Nhóm tự lực thuộc huyện Tân Yên, Yên Dũng và Hiệp Hòa được tặng thẻ BHYT. Ngoài ra còn phối hợp với Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội thực hiện chăm sóc y tế cho 40 nạn nhân.

Những năm qua, tất cả nạn nhân đã xác minh đều được hỗ trợ tâm lý, pháp lý và sức khỏe, cùng với kinh phí hỗ trợ khó khăn ban đầu nên tới hơn 1 tỷ đồng từ nguồn Ngân sách nhà nước và các dự án quốc tế. Hỗ trợ học nghề và tìm kiếm, tạo việc làm cho hơn 10 người. Phối hợp với các giảng viên của Trường Đại học Nông lâm tỉnh Bắc Giang và các Phòng Nông nghiệp các huyện có nhóm tự lực tổ chức tư vấn chuyên sâu các kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi cho nạn nhân tham gia sinh hoạt nhóm. Mô hình nhóm Tự lực đã tạo được sân chơi bổ ích và thân thiện cho nạn nhân và người có nguy cơ cao tham gia. Để đạt được những kết quả trên trong quá trình xây dựng và triển khai Đề án 3 về mô hình nhóm Tự lực, Sở LĐTB- XH Bắc Giang có một số bài học kinh nghiệm sau:

- Có sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành; hàng năm có đánh giá sơ kết rút kinh nghiệm công tác lãnh chỉ đạo, triển khai thực hiện, chỉ ra những mặt mạnh, khắc phục những tồn tại và đề ra giải pháp, nhiệm vụ cho những năm tiếp theo. Chú trọng công tác tuyên truyền và công tác hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm đối người dân trong phòng chống mua bán người.

- Phối hợp điều tra, nắm chắc tình hình nạn nhân bị mua bán để tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, triển khai đồng bộ các dịch vụ hỗ trợ. Lồng ghép với chương trình xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Liên kết chặt chẽ các mạng lưới dịch vụ để nạn nhân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ.

- Thành viên tham gia nhóm nên có cả nạn nhân, người có nguy cơ cao hoặc không phải là người có nguy cơ cùng sinh hoạt, như vậy, sẽ giảm sự kỳ thị; mặc cảm, tự ti; tăng sự thông cảm, chia sẻ giúp nạn nhân tự tin hòa nhập cộng đồng; người có nguy cơ cao đề phòng, cảnh giác. Đảm bảo được nguồn kinh phí để thực hiện các chương trình, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế; kết nối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ vốn và tạo việc làm cho nạn nhân.

- Định kỳ kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn cấp huyện xây dựng kế hoạch, hướng dẫn cấp xã triển khai công tác hỗ trợ nạn nhân; phân bổ kinh phí cho công tác hỗ trợ nạn nhân.

Trên cơ sở kết quả đạt được ở giai đoạn (2011-2015), Sở LĐTBXH tiếp tục tập trung chỉ đạo, xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai có hiệu quả trong giai đoạn tiếp theo (2016 – 2020). Chỉ đạo, hướng dẫn duy trì hoạt động Nhóm Tự lực trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về./. 

 M.A